“Chiếm lấy phố Wall”, phong trào thể hiện sự phẫn nộ của đông đảo người lao động Mỹ nhận được sự hưởng ứng rộng rãi tại nhiều quốc gia, đang phải đối mặt với khó khăn.
Một tòa án tại New York ngày 16-11 đã ủng hộ quyết định giải tán đám đông thuộc phong trào “Chiếm lấy phố Wall” tại công viên Zuccotti ở Hạ Manhattan của chính quyền TP New York, nơi hội quân của người biểu tình trong 2 tháng qua.
Trước đó, cảnh sát chống bạo động cùng với dùi cui, hơi cay đã trấn áp đám đông người biểu tình buộc họ giải tán. Trong khi đó, theo Washington Post, chính quyền TP không cho phép báo chí đưa tin về cuộc trấn áp này. Washington Post cũng cho hay một nhà báo quay phim vụ trấn áp trên hiện vẫn đang bị bắt giữ.
“Chiếm lấy phố Wall” là phong trào thể hiện tiếng nói của 99% người lao động đang bị bần cùng hóa. Việc trấn áp người biểu tình, theo Barbara Ehrenreich, tác giả nhiều cuốn sách viết về giai cấp công nhân Mỹ, là hành động cấm đa số người dân được thể hiện quan điểm chính trị riêng cũng như cấm tự do ngôn luận.
Rất nhiều thị trưởng thuộc đảng Dân chủ đang thể hiện tính phi dân chủ qua các cuộc trấn áp. “Ông Obama ở đâu? Sao không gọi điện cho các thị trưởng ở Portland hay Oakland để nói rằng hãy để người biểu tình được tự do thể hiện nguyện vọng của đại bộ phận dân chúng”, bà Barbara tức giận nói.
Tại Oakland, Scott Olsen, một cựu chiến binh trở về từ Iraq đã bị rạn hộp sọ khi lĩnh trọn một cú đánh của cảnh sát vào đầu khi tham gia biểu tình. “Chiếm lấy phố Wall” lan rộng đến hàng ngàn TP trên khắp thế giới cho thấy rõ sự phẫn nộ khi nhiều quốc gia chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Phải chăng chính vì tiếng nói mạnh mẽ này mà Mỹ và nhiều quốc gia có phiên bản của “Chiếm lấy phố Wall” đang lên kế hoạch dẹp bỏ phong trào này càng sớm càng tốt?
Ngay từ đầu, Mỹ ủng hộ “Mùa xuân Ảrập” bởi cho rằng đây là phong trào nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân các quốc gia Trung Đông. Khi chính phủ những nước này có các biện pháp cứng rắn để lập lại trật tự, Mỹ lập tức lên tiếng phản đối các hành động trấn áp, coi đó là vi phạm nhân quyền.
Về bản chất, “Chiếm lấy phố Wall” hay “Mùa xuân Ảrập” đều nói lên nguyện vọng của đa số người dân về một xã hội tốt đẹp, công bằng hơn. Nhưng đối với mỗi phong trào, Mỹ lại có cách thể hiện quan điểm dân chủ đầy mâu thuẫn. Điểm chung, trong mọi trường hợp, chiêu bài dân chủ luôn là công cụ để Mỹ phục vụ cho những toan tính của riêng mình.
ĐỖ VĂN