Sau ngày giải phóng, khu vực sân bay A So là một bãi hoang tàn, không có nhà cửa làng mạc trở thành mảnh đất chết bởi dư lượng chất độc dioxin. Thế nhưng, A So (Đông Sơn, A Lưới) ngày nay đã có một bộ mặt khác hẳn.
Nơi ghi dấu những chiến công
Từ tháng 8-1965 đến 12-1970, A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học, với 3 chất chủ yếu là white, orange và blue. Vùng A So, căn cứ quân sự khi đó của Mỹ có hàm lượng dioxin cao nhất trong đất lên tới 879,85 pg/g (do chứa và rửa máy bay chở dioxin). Sân bay A So do Mỹ xây dựng từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559, bộ đội Trường Sơn, nên Mỹ ra sức tàn phá cung đường này hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên con đường chiến lược Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng đồn A Sầu, sân bay A So. Cả một vùng rộng lớn phía Nam huyện A Lưới được giải phóng. Chiến thắng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh. Để hòng xoay chuyển tình thế, tái chiếm lại vùng giải phóng, máy bay Mỹ đã rải chất độc da cam, phát quang, tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân. Sân bay A So trở thành nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân ta, đồng thời là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ.
Màu xanh sự sống
Năm 1991, có 95 hộ dân của đồng bào Pa Kô từ khu vực quanh đèo Pêke và giáp ranh xã Hồng Thủy chuyển về khu vực quanh sân bay A So sinh sống. Một xã mới của A Lưới có tên Đông Sơn được thành lập, bao gồm một vùng đất rộng lớn bao quanh căn cứ quân sự và sân bay A So. Lúc đầu do không biết, những người dân Đông Sơn đã tận dụng hố bom để lấy nước uống và chăn nuôi. Nhưng đất ở thung lũng A So vừa chua phèn, vừa bạc màu, lại có dư lượng dioxin nên việc nuôi trồng và canh tác không hiệu quả.
Thông qua các dự án định canh định cư, nhiều con đường mới đã được xây dựng, những ngôi nhà nằm cạnh sân bay A So được di dời đến khu vực không bị ảnh hưởng dioxin. Và nước sạch từ các khe suối an toàn được đưa về tận các gia đình… Người dân bắt đầu trồng rừng kinh tế, trồng lúa nước… và cuộc sống ngày càng được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Phơm, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn, cho hay: Đông Sơn hiện nay có gần 279 hộ gia đình với 1.390 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Kơ Tu và Pa Kô. Khi bắt tay vào xây dựng quê hương, cấp ủy Đảng và chính quyền xã Đông Sơn đối diện muôn vàn khó khăn. Trước đó, người dân Đông Sơn chưa có nhiều rừng trồng, một phần do người dân chưa quen với việc trồng rừng kinh tế, một phần còn bị ảnh hưởng bởi chất dioxin.
Nhưng kể từ năm 2003, nhiều người dân đã không quản ngại khó khăn, ươm giống trồng rừng kinh tế. Hiện nay, trồng rừng kinh tế và chăn nuôi đã trở thành thế mạnh của địa phương. Gần 100% hộ dân ở xã Đông Sơn đã có đất trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi hộ trồng 2-3ha, có người lên đến 9-10ha. Riêng 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã Đông Sơn đến hơn 25 tỷ đồng, trong đó có Chương trình 135, các dự án xã biên giới, ADB, WB, ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ… Nhờ vậy, các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng đã ra đời. Từ “bệ phóng” đó, người dân Đông Sơn ngày càng vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và trở lực để xây dựng cuộc sống mới. Sân bay A So - nơi một thời ác liệt của A Lưới giờ đã xuất hiện màu xanh của cây trồng.
Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương xóa được trên 200 căn nhà tạm, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Già làng Bup Quỳnh Hiềm, một trong những người dân đầu tiên đến sinh sống tại Đông Sơn cho hay: “Cuộc sống của người dân Đông Sơn hiện vẫn còn khó khăn, nhưng so với trước đã đổi thay nhiều, người dân biết chăm lo trồng rừng, làm lúa nước, nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế đã vươn lên làm giàu. Bà con luôn động viên nhau làm ăn, tin tưởng vào sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước”.
Đến Đông Sơn hôm nay, ta bắt gặp màu xanh của những khoảng rừng kinh tế, những đồng lúa xanh tốt… Một sức sống mới trên mảnh đất một thời được xem là “vùng đất chết”. Hiện Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lập quy hoạch 4ha đất tại khu vực sân bay A So để đầu tư thành khu chứng tích lịch sử cách mạng. Trong đó, sẽ khôi phục lại đường bay, hầm chỉ huy, công trình quân sự và nhà trưng bày hình ảnh A So - Đông Sơn nhằm tạo nên một địa điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh.
PHAN LÊ