Mẹ xứ mây mù

Tôi đi tìm những người mẹ. Không đơn thuần chỉ có nỗi đau của những người mẹ, người vợ có chồng, con ngã xuống cho Tổ quốc mà số phận những người mẹ nằm trong số phận cả dân tộc. Cho đến giờ, cứ nhắc đến con là nước mắt mẹ tuôn chảy…

Tôi đi tìm những người mẹ. Không đơn thuần chỉ có nỗi đau của những người mẹ, người vợ có chồng, con ngã xuống cho Tổ quốc mà số phận những người mẹ nằm trong số phận cả dân tộc. Cho đến giờ, cứ nhắc đến con là nước mắt mẹ tuôn chảy…

Trên ngôi nhà sàn, bên khung cửa số, nhìn ra ruộng lúa, mẹ Phùng Thị Liền năm nay đã 97 tuổi, kể chuyện về người con đã hy sinh. Mẹ người dân tộc Tày, không nói được tiếng Kinh.

Mẹ Phùng Thị Liền lại mở túi trầu. Cho đến giờ, cứ nhắc đến con
là nước mắt mẹ tuôn chảy


Mẹ kể, qua phiên dịch của đứa chắt trai, rằng con mẹ, liệt sĩ Nông Văn Hay tha thiết vào Nam chiến đấu. Khi anh đăng ký đi bộ đội, mẹ không biết. Khi mẹ biết con mình được lệnh nhập ngũ thì anh Nông Văn Hay đã trong tư thế sẵn sàng lên đường. Khi ra chiến trường, anh Nông Văn Hay mới 17 tuổi nhưng mẹ kịp lấy vợ cho anh. Nàng dâu của mẹ là một cô gái Tày xinh đẹp, tên Triệu Thị Pó. Kể đến đây, mắt mẹ ướt đẫm. Mẹ chậm rãi mở túi ăn trầu người Tày. Nhưng tôi biết, trong lúc này, ký ức về người con hy sinh đang tuôn chảy trong lòng người mẹ. Mẹ nhớ anh Nông Văn Hay rất cao lớn, đẹp trai, bởi “chồng mẹ cũng rất cao lớn, đẹp người”. Anh Nông Văn Hay rất chăm chỉ, làm ruộng giỏi. Khi anh lớn lên, có người phát nương cấy lúa, cuộc sống của mẹ khá hơn. Nhưng thời anh Nông Văn Hay còn nhỏ, cuộc sống hai mẹ con rất cơ cực. Bữa cơm phải độn ngô, khoai sắn. Vậy mà khoai sắn cũng không có để độn. Mẹ phải địu con lên rừng đào củ mài, kiếm cái ăn cho qua ngày.

Bên bếp lửa, mẹ Phùng Thị Liền không cầm được nước mắt, nghẹn ngào. Cậu bé Nông Văn Đường - người cháu nội trai duy nhất của anh Nông Văn Hay còn quá trẻ, không đủ trải nghiệm để nói lên nỗi lòng sâu thẳm của bà cố. Anh Nông Văn Hồng - con trai liệt sĩ Nông Văn Hay nói: “Cha tôi tên là Nông Văn Háy, quen gọi là Hay. Háy tiếng Tày là hay khóc nhè. Bà nội kể hồi nhỏ cha tôi hay khóc!”.

Mẹ Phùng Thị Liền kể về những năm tháng vất vả nuôi con. Bà góa chồng sớm, khi anh Nông Văn Hay mới 3 tháng tuổi. Lúc đó, bà ở thôn Bản Đông, trong chiếc chòi lá trống trải. Không có cái ăn, bà địu con đi lang thang, may nhờ có người thương, cho mẹ tá túc trong túp lều, cho nương mẹ  trồng lúa nuôi con. Rồi mẹ phiêu bạt đến bản Nà Diềm, xã Linh Hồ, nơi mẹ đang sống hiện nay.

Tôi hỏi: “Sao mẹ phải đi nhiều bản vậy?”. Mẹ trả lời rất giản dị: “Không đi không có gì ăn”. Quả thật, thời ấy kiếm được miếng ăn vô cùng cực nhọc. Càng nhọc nhằn hơn, khi mẹ còn phải chống đỡ với nỗi cô đơn của kiếp phụ nữ góa bụa. Mẹ góa chồng khi còn xuân sắc, nhiều người đàn ông trong bản không để mẹ yên. Mẹ chọn một người chân chất, hiền lành, không giàu có nhưng giàu lòng yêu thương gá nghĩa. Có người đàn ông trong nhà, mẹ đỡ vất vả hơn. Người chồng sau của mẹ cũng rất thương anh Nông Văn Hay. Nhưng hạnh phúc lại rời bỏ mẹ, khi ông mất đột ngột vì một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ lại một mình tần tảo nuôi con. Anh Nông Văn Hay lớn lên, rất thương mẹ, không hút thuốc, hay lam hay làm. Anh là trụ cột chính của ngôi nhà. Anh biết cày sâu để lúa nương tốt, biết lợp lại mái nhà đã dột nát. Anh rất muốn lên rừng, chọn những cây gỗ đẹp, dựng cho mẹ mái nhà sàn. Nhưng anh chưa kịp dựng cho mẹ ngôi nhà tử tế thì đã lên đường nhập ngũ. Anh từ biệt mẹ và người vợ trẻ lên đường đi chiến đấu. Kể từ đó, anh không bao giờ quay trở lại Linh Hồ nữa. Anh hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở mặt trận phía Nam.

Tin báo tử bay về bản Nà Diềm, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chính quyền địa phương sợ mẹ không đủ sức chịu đựng khi đối diện với nỗi mất mát quá lớn trong cuộc đời, bởi họ chứng kiến mẹ đã từng đơn thân, chắt chiu từng hạt lúa củ khoai, vượt qua muôn vàn tủi nhục, đắng cay vất vả nuôi con khôn lớn. Nhưng cuối cùng mẹ cũng biết được con mình đã hy sinh. Mẹ đã khóc suốt mấy năm liền. Cho đến giờ, cứ nhắc đến con là nước mắt mẹ tuôn chảy…

Mẹ Phùng Thị Liền lại mở túi trầu. Mẹ chậm rãi quệt vôi vào lá trầu, đôi mắt già nua, đầy những nếp nhăn đọng lại nỗi trăn trở, đăm chiêu, khi tôi hỏi về nàng dâu góa bụa của mẹ - chị Triệu Thị Pó. Khi tôi có mặt ở đây, ngôi nhà mẹ Phùng Thị Liền từ lâu đã vắng đi hình bóng chị Triệu Thị Pó. Anh Nông Văn Hồng ngậm ngùi nói: “Khi bố hy sinh, mẹ ở với bà một thời gian. Khi tôi lên bảy tuổi, mẹ đi bước nữa!”.

Mẹ Phùng Thị Liền ngồi lặng đi. Nhớ về những năm tháng khó khăn ấy, mẹ nói về hoàn cảnh con dâu với tấm lòng thấu cảm, bao dung, giằng xé rằng trong đáy lòng, mẹ mong muốn chị Pó ở vậy, nuôi con. Nhưng mặt khác, mẹ thấy thương con dâu, bởi chị Pó còn quá trẻ. Mẹ không nỡ trói chị Pó vào cuộc đời góa bụa. Mẹ nói mẹ  cũng đã từng là một phụ nữ lâm vào cảnh góa bụa, chồng chết khi con mới ba tháng tuổi. Người phụ nữ một mình nuôi con lắm chông chênh. Nhưng nếu chị Pó đi lấy chồng, mẹ biết cháu nội mình sẽ khổ, bởi người chồng sau của chị Pó khó chấp nhận chị mang theo con đi cùng. Rồi chị Pó cũng phải có những đứa con khác. Nhưng chị Pó rất thương con, không nỡ lìa xa con. Bài toán cuộc đời cho những góa phụ thật không dễ dàng tìm ra lời giải đáp.

Tôi lặng đi khi chạm đến nỗi đau sâu thẳm trong lòng đứa con trai. Đã mấy mươi năm, con trai người liệt sĩ Nông Văn Hay - anh Nông Văn Hồng vẫn không quên được nỗi đau đớn, giằng xé của hai người phụ nữ. Khi tôi hỏi anh, về người mẹ tái giá, đi thêm bước nữa, anh Nông Văn Hồng kể, nghẹn ngào. Anh nói ngày mẹ đi lấy chồng, mọi việc không đơn giản như bà nội nói: “Bà không cản, không nói gì”. Bà không ngăn mẹ anh lấy chồng nhưng không cho con dâu địu cháu của bà đi.

Hôm ấy, mẹ anh nắm tay con trai dẫn ra khỏi nhà. Bà nội anh nắm tay đứa cháu duy nhất kéo lại. Cả hai người phụ nữ đều muốn giữ lấy anh. Cả nội và mẹ đều yêu thương anh, cần có anh trong cuộc đời. Anh không biết mình phải ở lại với bà hay đi với mẹ. Mới lên bảy (anh sinh năm 1967) nhưng cậu bé Nông Văn Hồng đã đủ lớn để hiểu, ở lại với bà hay đi với mẹ đều hết sức khó khăn. Anh cần cả tình yêu thương của bà nội và mẹ. Anh chỉ biết ôm lấy mẹ, rồi ôm lấy bà bật khóc. “Lúc ấy, ủy ban xã đứng  ra giải quyết. Tôi thực sự không biết đi về phía nào. Cuối cùng, chính quyền địa phương phải can thiệp. Xét nguyện  vọng của một bà mẹ liệt sĩ, tôi được ở với bà nội, cho đến hôm nay…”.

Con dâu đi lấy chồng, ngôi nhà sàn của mẹ Phùng Thị Liền thêm trống trải. Anh Nông Văn Hồng vẫn còn nhớ như in: “Hôm ấy, mẹ tôi gạt nước mắt ra đi. Đưa tôi về nhà, nhìn ngôi nhà cửa phên rách nát, gió thổi vào lạnh buốt, bà nội ôm tôi khóc. Sợ tôi buồn, bà luộc cho tôi quả trứng, an ủi vỗ về tôi: “Con đừng khóc, để mẹ yên lòng đi bước nữa. Mẹ con còn có cuộc đời riêng…”. Từ đó, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai bà. Bà không còn trẻ nữa nhưng rất chăm chỉ đi làm ruộng hợp tác, lấy nhiều công điểm để đổi nhiều thóc nuôi tôi ăn học”.

Nước mắt vẫn không ngừng chảy khi nhắc về mẹ, ở người đàn ông đã ngoài 40. Anh Nông Văn Hồng cố kiềm nén xúc động, kể về người mẹ khổ đau của mình: “Mẹ đi lấy chồng nhưng bà tôi rất thông cảm với mẹ. Rất tiếc là mẹ không được hạnh phúc khi đi bước nữa. Mẹ có thêm hai đứa em nhưng vẫn rất yêu thương tôi. Có lần tôi đi học, gặp mẹ ngoài chợ. Mẹ ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở. Mẹ mua cho tôi cây bút với mấy quyển tập. Tôi biết mẹ rất khó khăn mới có tiền mua cho tôi những thứ ấy. Có lần tôi đến thăm mẹ, thấy nhà mẹ xiêu vẹo, dát nứa gãy, cơm độn khoai sắn, tôi thương mẹ nhói lòng. Tôi tự nhủ khi lớn lên, sẽ cố gắng làm lụng, đỡ đần cho mẹ. Chồng sau mẹ chẳng may mất sớm, mẹ cũng một mình tần tảo nuôi các em lớn lên. Cuộc sống của mẹ bây giờ cũng đỡ hơn trước. Thỉnh thoảng, mẹ cũng về thăm bà và vợ chồng tôi…”.

Bên bếp lửa, Anh Nông Văn Hồng trải lòng mình với bà nội, với vợ con nỗi niềm giằng xé của một đứa cháu nội hết mực hiếu thảo với bà, sâu thẳm tình yêu thương mẹ. Anh nói với các con niềm tự hào về người bố đã hy sinh, mong các con sống xứng đáng với xương máu người đã ngã xuống cho Tổ quốc…

Tôi thấy lửa cháy lên trong mắt những người trẻ nơi xứ mây mù buốt lạnh, xa xôi…

 
Trầm Hương

Tin cùng chuyên mục