Nhiều năm qua, đại tá Đinh Huy Cài, ngụ tại 389 Nguyễn Trãi, phường 7 quận 5, TPHCM đã góp phần làm sáng ngời thêm phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, ngay từ nhỏ, truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã ngấm sâu vào máu thịt ông. Năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã trốn nhà đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện quân sự tại Hà Tây, ông được phân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kỷ niệm về một thời trai trẻ dọc ngang chiến đấu tại chiến trường Điện Biên ngày ấy luôn đọng mãi trong trái tim người lính. Ngày ấy, những chàng trai lứa tuổi 18, 20 đều hừng hực khí thế ra trận, lúc thì kéo pháo vào trận địa, lúc thì thồ lương thực, vũ khí, cùng đồng đội băng mình qua lửa đạn. Sau ngày giải phóng Điện Biên, ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô Hà Nội.
Hòa bình chưa được bao lâu, giặc ngoại xâm lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ông lại lên đường vào Nam chiến đấu. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông có mặt trong đoàn quân giải phóng tiếp quản Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tưởng thống nhất đất nước rồi thì cuộc đời binh nghiệp sẽ bước sang trang mới, nào ngờ, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại tình nguyện sang chiến trường Campuchia chiến đấu bảo vệ biên giới.
Lúc này ông đã trở thành một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường, suốt 10 năm trời trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận 479 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7). Cho đến ngày kết thúc chiến tranh biên giới, ông trở về sum họp với vợ con thì mái tóc đã điểm bạc. Dẫu vậy, ông vẫn luôn nhiệt tình công tác. Năm 1992, ông nghỉ hưu.
Trở về đời thường, ông không nghỉ ngơi để tận hưởng tuổi già mà tích cực tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh phường 7, quận 5. Công tác Hội CCB, ông chứng kiến nhiều đồng đội còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông suy nghĩ: “Phải hỗ trợ cho đồng đội vượt qua khó khăn. Đây cũng là một cuộc chiến, dù vũ khí không phải là súng đạn mà phải là bằng trách nhiệm, tình thương…”. Chính điều đó đã thôi thúc ông tiếp tục làm điều có ích. Từ đó, ông lặng lẽ dành 7 triệu đồng lương hưu hàng tháng của mình để hỗ trợ các CCB khó khăn và bà con lao động nghèo trên địa bàn phường.
Từ 1994 đến nay, từ số lương hưu ít ỏi làm vốn ban đầu, ông đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng giúp 214 lượt CCB và dân nghèo thoát nghèo. Hiện nay, còn 29 hộ nghèo đang tiếp tục vay vốn từ ông. Sắp tới, ông sẽ ủng hộ vốn cho Hội khuyến học phường giúp các trẻ em nghèo có điều kiện đến trường. Ông tâm sự: “Được giúp mọi người có cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn, tôi thấy không gì hạnh phúc gì bằng… “. Ông nhớ rất rõ hoàn cảnh của từng người để cùng họ chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống.
Hơn thế, với tinh thần xông pha trận mạc của người lính, ông luôn xem công tác xóa đói giảm nghèo như một chiến dịch lớn cần phải giành chiến thắng. Các CCB Vương Văn Thành, Nguyễn Thời Đại và các hộ nghèo như Trịnh Thành Đô, Nguyễn Thị Lan, Trương Thị Kim Hoàng… nay đã có cuộc sống khá hơn đều không sao nói hết lòng biết ơn ông. Những ngày lễ tết, họ không quên đến thăm ông, người nghèo ở xa thì gửi thư thăm hỏi…
Giờ đã 81 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, đại tá Đinh Huy Cài không khỏi xúc động: “Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp gần 50 năm qua, tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất vì được trực tiếp cầm súng chiến đấu trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm và cả cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên cương Tổ quốc. Đến nay, tôi vẫn còn được sống trong khi nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Vì thế, thấy những CCB và dân nghèo còn khó khăn, tôi không thể cầm lòng… Với tôi, giúp đỡ CCB khó khăn và người nghèo quả là mệnh lệnh từ trái tim…”.
MINH NGỌC