MERS - Virus bí hiểm

Ca nhiễm mới tăng đều
MERS - Virus bí hiểm

Tính đến hết ngày 12-5, Saudi Arabia lại có thêm 6 trường hợp nhiễm mới và 5 ca tử vong do virus Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 491 người, trong đó 147 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch MERS tiếp tục diễn biến phức tạp, giới khoa học vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình xác định đâu là nguồn gốc của loại virus bí hiểm này.

Virus MERS hiện đang được cho là bắt nguồn từ lạc đà.

Virus MERS hiện đang được cho là bắt nguồn từ lạc đà.

Ca nhiễm mới tăng đều

Thông báo của Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết, các trường hợp nhiễm mới tập trung tại thủ đô Riyadh và thành phố Jeddah nằm bên bờ biển Đỏ và thánh địa Medina. Trong số 6 bệnh nhân nhiễm mới nói trên, 4 người đang trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13-5, Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh của Mỹ (CDC) cũng xác nhận trường hợp thứ 2 bị nhiễm virus MERS. Bệnh nhân nhiễm virus chết người MERS mới phát hiện là nam giới và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Orlando ở bang Florida. Theo CDC, giống như trường hợp người Mỹ đầu tiên ở bang Indiana phát hiện nhiễm MERS ngày 2-5, người đàn ông mang quốc tịch Saudi Arabia vừa phát hiện nhiễm MERS cũng là một nhân viên y tế từng sinh sống và làm việc tại một bệnh viện của Saudi Arabia, nơi được xác định là nguồn gốc bùng phát MERS. CDC ước tính có ít nhất 500 người có thể đã ở gần bệnh nhân mới này cần phải được theo dõi.

Cùng ngày, Jordan cũng xác nhận thêm một ca tử vong do virus MERS. Đây là một y tá làm việc tại bệnh viện tư, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus MERS vào tuần trước. Tại nước này, đã có 9 trường hợp được phát hiện nhiễm virus trên kể từ năm 2012, trong đó có 5 ca tử vong.

Chỉ trong tuần qua, đã có thêm 3 quốc gia mới xuất hiện ca nhiễm mới là Mỹ, Ai Cập và Lebanon. Sự bùng phát virus MERS đã buộc các chính phủ phải tiến hành chiến dịch nhằm tăng cường hiểu biết của người dân cũng như các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngoài việc phối hợp trao đổi thông tin, các nghiên cứu và kinh nghiệm với nhiều tổ chức quốc tế nhằm kiểm soát tình trạng virus MERS lây lan, giới chức Saudi Arabia còn khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với lạc đà hoặc khi tiếp xúc phải đeo găng tay, khẩu trang, uống sữa và ăn thịt lạc đà phải được đun sôi, nấu chín. Còn tại Ai Cập, sau ca đầu tiên phát hiện nhiễm chứng nhiễm MERS sau khi trở về từ Saudi Arabia, Ai Cập đã tiến hành cách ly nhanh chóng tại bệnh viện sân bay quốc tế Cairo và ngay lập tức triển khai các biện pháp phòng ngừa y tế tại các cảng hàng không và cảng biển, đồng thời cảnh báo người già, trẻ em và những người bị mắc bệnh tim mãn tính tránh du lịch tới Saudi Arabia. Thậm chí, một cựu Bộ trưởng Y tế Ai Cập cho biết, chính quyền nước này đang cân nhắc ban hành lệnh cấm tạm thời các chuyến hành hương tới Saudi Arabia. Tại Mỹ, giới chức y tế cũng khuyến cáo người dân Mỹ thận trọng cân nhắc các chuyến du lịch tới các nước vùng bán đảo Arab.

Cảnh báo virus MERS tại sân bay ở Philippines.

Cảnh báo virus MERS tại sân bay ở Philippines.

Nguy hiểm hơn dịch SARS

Số nạn nhân nhiễm virus gây MERS không ngừng gia tăng, đặc biệt ở Saudi Arabia, đang trở thành thực tế rất nguy hiểm và làm dấy lên lo ngại rằng MERS phát triển tương tự như đại dịch SARS năm 2003 làm khoảng 800 người thiệt mạng. Mặc dù số trường hợp nhiễm chủng virus này trên thế giới tương đối thấp, song tỷ lệ tử vong lên tới gần 30% tại Trung Đông vẫn khiến giới khoa học và nhà chức trách thận trọng vì dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu. Tuy các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, bệnh này khó lây từ người sang người, nhưng đến nay, thực tế phần lớn các trường hợp mắc bệnh ở Arab Saudi và một số nước đều cho thấy, việc lây truyền lại có vẻ từ người sang người hơn là từ động vật.

Theo khẳng định mới nhất của WHO, sự gia tăng số ca nhiễm mới không có nghĩa là cách thức lây lan của chủng virus này đã thay đổi. Sau cuộc khảo sát tình hình tại Saudi Arabia hồi tuần trước, giới chức WHO khẳng định chính những lỗ hổng trong hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm và áp dụng các biện pháp kiểm soát mà tổ chức này từng chỉ ra, đang góp phần làm gia tăng sự lây nhiễm của MERS tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Tại các thánh địa, khách hành hương vẫn đến và về mà không cần phải đeo khẩu trang, một biện pháp cơ bản mà hầu như chỉ được áp dụng tại các bệnh viện ở quốc gia Hồi giáo này.

Trước tình trạng 1/4 số ca lây nhiễm từ người sang người xảy ra với các nhân viên y tế, WHO khuyên cáo đội ngũ y tế cần nâng cao nhận thức về dịch MERS. WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh nguy hiểm này để xem MERS có trở nên nguy hiểm hơn khi truyền từ người sang người hay không?

MERS gây các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi và được coi là “họ hàng” của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) từng ám ảnh châu Á vào năm 2003 và làm 800 người thiệt mạng. Virus MERS lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 2012 và đã lây lan rất nhanh trên phạm vi toàn cầu. Tác nhân gây bệnh là virus thuộc nhóm coronavirus (MERS-CoV) được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 9-2012 tại Saudi Arabia. Cho tới nay trên toàn thế giới đã phát hiện có 538 trường hợp nhiễm MERS ở 17 nước, chủ yếu ở Trung Đông và khoảng 150 trường hợp tử vong.

Ban đầu virus MERS được cho là bắt nguồn từ loài dơi lây sang người. Nhưng gần đây, WHO dẫn nghiên cứu của một số nhà khoa học cho rằng căn bệnh này có nguồn gốc từ lạc đà, loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông nói chung.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục