Mía đắng vì lũ

Chạy đua với lũ

Đến ngày 17-10, đã có 10 nhà máy đường (NMĐ) ở ĐBSCL đi vào hoạt động. Trong đó, địa bàn tỉnh Hậu Giang có đến 3 nhà máy. Hàng trăm tấn mía nguyên liệu đã được tiêu thụ. Trong đó, vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp – Hậu Giang trở thành điểm “nóng”.  Điểm “nóng” ở đây chính là nông dân phải chạy đua với nước lũ tràn về để thu hoạch, và các nhà máy đổ xô mua mía nguyên liệu nhưng giá cả vẫn bấp bênh...

Chạy đua với lũ

“Giá mía chỉ có 760 đồng/kg. Giá mía này chỉ có huề vốn, thậm chí lỗ tiền thuê nhân công đốn mía. Thương lái thì vẫn đưa ra lý do cũ, nói mía chữ đường thấp nên không thể mua giá cao. Năm nào cũng thế, nông dân bấm bụng bán giá thấp để chạy lũ. Nông dân ở đây trồng xen 1 mía – 1 lúa. Sắp tới nếu lúa không được giá, chắc cả năm làm thuê không công cho đất nhà”, lão nông Ba Bảnh, ở Tân Phước Hưng, Phụng Hiệp, Hậu Giang, chua xót nói.

Cây mía gần như là cây chủ lực của sản xuất nông nghiệp ở Phụng Hiệp. Hậu Giang hiện nay có diện tích sản xuất mía lớn nhất khu vực ĐBSCL với 14.000ha, trong đó, Phụng Hiệp chiếm đến 9.500ha. Liêp tiếp những năm qua, nông dân trồng mía ở đây lãnh đủ khi diện tích mía chín sớm bị vùi dập trong nước lũ. Dù chính quyền địa phương đã chủ động triển khai đê bao bảo vệ nhưng đến nay hệ thống này vẫn chưa hoàn chỉnh.

“Khu vực này là vùng trũng, nước dâng cao khỏi mặt liếp mía đến 10cm. Mía bị ngập, nhiều nông dân muốn bán mía chạy lũ nhưng tìm thương lái rất khó khăn. Một phần vì bà con không canh tác giống mía ROC16 và chất lượng mía nơi đây không đạt bằng các xã lân cận. Mặt khác, khu vực này do Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát bao tiêu nên thương lái từ các nhà máy khác cũng e ngại khi vào đây mua mía”, nông dân Bảy Đông, ở xã Hòa Mỹ - Phụng Hiệp có 2 công mía bị ngập nước gần 10 ngày qua lo lắng nói.

Theo tính toán của Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, giá thành sản xuất mía của nông dân ở đây 810 đồng/kg. Hiện thương lái mua mía của nông dân dao động từ 720 đồng- 840 đồng/kg, bình quân chưa đến 800 đồng/kg. Như vậy, hơn 3.000 ha mía của nhiều nông dân Phụng Hiệp thu hoạch bán đã dưới giá thành sản xuất! 

Lạc quan mong manh

Hiện trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, mỗi ngày có khoảng 200-250 ghe thu mua mía. Nhiều nông dân nôn nóng muốn bán mía để chạy lũ, từ đó dẫn đến tiến độ thu hoạch và tiêu thụ mía trong những ngày gần đây có phần nhanh hơn. Ghi nhận bước đầu, bình quân chữ đường được đo tại các nhà máy đạt từ 9,5-9,6, tăng gần 1 chữ đường so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mía tăng chữ đường kéo theo giá thu mua mía trong dân cũng dần nhích lên, chủ yếu giống mía ROC16.

Hiện tại, giống mía ROC16 được thương lái mua tại ruộng có giá từ 830-920 đồng/kg, tăng gần 100 đồng/kg so với đầu vụ; riêng giống Quế Đường và các loại giống khác giá bán không mấy thay đổi, dao động từ 700-730 đồng/kg.

Theo nhiều nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp, với giá bán không mấy hấp dẫn như hiện nay, trong khi giá nhân công đốn mía không ngừng tăng do áp lực thu hoạch mía chạy lũ, hiện đang ở mức từ 130.000-160.000 đồng/tấn. Như vậy, những hộ trồng mía giống ROC16 có thể lời chút ít, còn các giống khác chỉ huề vốn và thua lỗ.

Chính vì thế, nông dân mong các nhà máy đường cần xem xét nâng mức giá thu mua trong thời gian tới, vì giống mía ROC16 còn lại không nhiều mà chủ yếu là các giống mía khác. Có thể nói đây là “mong muốn” cần được xem xét nghiêm túc trong chiến lược phát triển ngành mía đường Việt Nam. Vì lâu nay các loại cây trồng, vật nuôi, nhà nước đều có chiến lược đầu tư gắn với các viện, trường nghiên cứu. Nhưng cây mía trong hơn một thập niên qua gần như “tay trắng”.

Do vậy, không có gì khó hiểu khi năng suất và chữ đường là hai nguyên nhân chính dẫn đến bình quân giá thành đường Việt Nam cao hơn một số nước trồng mía. Mía nguyên liệu của nước sản xuất đường lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ dao động 6.000 đồng – 7.000 đồng/kg, trong khi với Việt Nam là 10.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng mía niên vụ vừa qua đạt trên 19 triệu tấn, sản xuất được 1,53 triệu tấn đường. Theo đó, diện tích mía cả nước là 298.200ha, tăng hơn vụ trước 15.000ha, năng suất mía bình quân đạt 63,9 tấn/ha (tăng so với vụ trước 2,2 tấn/ha).

Có thể thấy, ngành mía đường đã hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng trước thời gian. Nhưng “khoảng trống” của ngành mía đường để lại với hơn 1 triệu nông dân trồng mía là rất lớn. Trong đó, vấn nạn đường lậu Thái Lan tràn qua biên giới đã làm ngành sản xuất đường điêu đứng. Chuyện một kênh “nhập khẩu” rồi một kênh nài nỉ xin “xuất khẩu” đường vẫn đang là chuyện “trái khoáy” xen vào những nhọc nhằn của nông dân trồng mía.

Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp vừa có văn bản báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đề nghị UBND tỉnh và Hiệp hội mía đường Việt Nam có biện pháp huy động các nhà máy đường trong vùng ĐBSCL tập trung tiêu thụ mía nguyên liệu vùng ngập lũ của địa phương. Trong đó, lo ngại nhất là hơn 1.700ha mía chín sớm giống ROC 16 đã đạt 10 chữ đường nhưng chưa thu hoạch kịp, đang bị khô đọt và chết dần do bị ngập lũ nhiều ngày qua.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục