Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, lượng đường vào tháng 9 và 10-2014 lại đang tồn kho ở mức cao kỷ lục, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, trong khi niên vụ đường 2014-2015 đã bắt đầu vào chính vụ.
Mía đắng vì đường ngoại
Trong khi vào năm 2013, mức tồn kho đường đã được xác lập “kỷ lục” báo động chiều hướng xấu của ngành mía đường Việt Nam, thì mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại cho biết, tính đến hết tháng 9-2014, lượng đường tồn kho cả nước vượt qua con số 350.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dù diện tích trồng mía giảm nhưng ước tính sẽ đạt sản lượng 1,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2014 - 2015.
Hiện giá đường đang thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/kg. Sau một thời gian dài được “bao cấp”, ngành mía đường trong nước đã bước vào cuộc chiến khốc liệt khi mà cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch từng năm, lượng đường của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đưa từ Lào về rồi lượng đường nhập lậu hàng năm là không hề nhỏ. Thông tin từ Bộ NN-PTNT cũng cho biết thêm, dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL năm nay không còn như mọi năm nữa. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, khi 10 nhà máy đường ở khu vực này đi vào hoạt động, cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu năm nào cũng diễn ra. Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Mấy năm trước, thường khi nhà máy sắp vào vụ thu mua mía là đường trong kho sắp cạn. Năm nay khi nhà máy vào vụ, lượng đường cũ vẫn còn tồn kho 5.000 tấn. Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, sau hơn 2 tuần hai nhà máy sản xuất ra thêm 6.000 tấn. Trong khi phải cạnh tranh với đường nhập lậu qua biên giới, nhà máy hạ giá bán buôn nhưng chỉ bán ra được 2.000 tấn.
Tương lai về đâu?
Theo dự báo của Bộ Công thương, tình hình tiêu thụ đường trong thời gian tới cũng chưa có gì sáng hơn bởi tình trạng cung vượt cầu. Đường tồn kho cao, giá bán buôn tại các nhà máy khoảng 12.000-13.000 đồng/kg kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu cho người nông dân cũng ở mức thấp. Giá thu mua mía vào giữa tháng 10-2010 chỉ có 870 đồng/kg. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhận định, ghi nhận giá đường trong khoảng 3-4 năm qua cho thấy, ngành đường đang tuột dốc. Theo ông Long, niên vụ mía 2011-2012, giá đường bán ra từ 18.000-19.000 đồng/kg, nhưng sang niên vụ 2012-2013, giá chỉ còn 14.500-15.000 đồng/kg, giảm 19-21%. Đến niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm thêm 14-17%, chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg. Và dự báo niên vụ 2014-2015 tình hình sẽ còn xấu hơn.
Hiện nay, lượng đường nhập lậu qua biên giới từ Campuchia và Lào vẫn đang tiếp tục đe dọa ngành sản xuất mía đường trong nước. Trong khi đó hiện thời giá đường thế giới chỉ ở mức 420 USD/tấn. Đã vậy, giá thành sản xuất đường tại Thái Lan luôn rẻ hơn ở Việt Nam nên không tránh được tình trạng buôn lậu. Tuy nhiên, theo lộ trình hội nhập AFTA, đến năm 2015 thuế suất ngành đường trong khối ASEAN sẽ không còn, lúc đó đường bán vào nước ta không thể xem là đường nhập lậu. Hiện tại, cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp.
VĂN PHÚC