Vào ngày 29-7-2015 vừa qua, công ty Microsoft đã chính thức phát hành phiên bản Microsoft Window 10. Đây là phiên bản được mong chờ của rất nhiều người dùng vì những thay đổi mang tính tích cực của Microsoft trong phiên bản Windows này, đặc biệt đó là “trợ lý kỹ thuật số” với cái tên gọi Cortana.
Trợ lý kỹ thuật số là một khái niệm nói đến một ứng dụng cho phép người dùng tương tác với nó bằng giọng nói. Cũng với cách tương tác bằng khẩu lệnh, trợ lý kỹ thuật số có thể linh hoạt “học hỏi” thêm bằng cách ghi nhận những thói quen hay tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ của internet để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ngoài ra, trợ lý kỹ thuật số còn có sự thân thiện hơn thể hiện qua nội dung phản hồi của nó. Hiện nay, các nền tảng hệ điều hành lớn đều tích hợp một trợ lý kỹ thuật số để hỗ trợ cho người dùng trên các thiết bị di động hay máy tính để bàn.
Trên Window 10, Cortana được tích hợp mặc định kế bên nút Start và người dùng có thể tắt tính năng này khi cần. Thực tế, để sử dụng Cortana người dùng cần lưu ý các vấn đề sau:
Phải có tài khoản người dùng của Microsoft: Để sử dụng Cortana, người dung bắt buộc phải có tài khoản của người dùng của Microsoft. Hiện tại, việc đăng ký tài khoản người dùng của Microsoft khá dễ dàng và hoàn toàn miễn phí, do thế người dùng hoàn toàn có thể chủ động để có thể kích hoạt Cortana trên máy tính. Tuy nhiên, trường hợp người dùng là doanh nghiệp và các tài khoản đăng nhập trên máy tính chạy Window 10 không phải là tài khoản người dùng của Microsoft (tài khoản cục bộ) thì không thể kích hoạt.
Cortana thu thập thông tin người dùng: Điều này có thật và được Microsoft thông báo khi người dùng muốn kích hoạt Cortana. Thông tin người dùng được Cortana thu thập để làm tăng “kinh nghiệm” cho chính Cortana và khi đó, sự tương tác qua lại giữa người dùng và trợ lý kỹ thuật số Cortana mềm dẻo, linh hoạt và chính xác hơn. Mức độ thu thập thông tin có thể xem là khá nhiều, kể cả thói quen duyệt web của người dùng cho dù họ chỉ ra lệnh cho Cortana mở vài cửa sổ trong Window 10 hay đơn giản là yêu cầu Cortana tắt máy tính mà thôi.
Cortana có “mối quan hệ” mật thiết với Bing: Điều này đúng vì nền tảng hoạt động hữu hiệu của Cortana đến từ bộ máy tìm kiếm của Microsoft, sự tương quan hỗ trợ lẫn nhau giúp Cortana hoạt động linh hoạt hơn và điều đáng chú ý đó là trình duyệt web mới của Microsoft trên Window 10 với tên gọi Microsoft Edge cũng góp phần không nhỏ trong quá trình vận hành của Cortana. Mặc định, bộ máy tìm kiếm trên Window 10 là Bing và trình duyệt mặc định để trả về kết quả đó là Microsoft Edge.
Có “từ bị cấm” đối với Cortana hay không? Hiện tại, một số từ mang tính nhạy cảm không được Cortana gì nhận, trợ lý kỹ thuật số này phản hồi một cách khá lệch lạc với yêu cầu từ người dùng. Điều này có thể giúp bảo vệ người dùng trong một số trường hợp do lỗi phát âm dẫn đến kết quả không mong muốn. Một điều đáng nói đó là thiết lập tìm kiếm trên Bing còn có chế độ lọc kết quả trả về, vì vậy kết quả người dùng nhận được đã được Microsoft sàng lọc khá kỹ.
Cortana có thể tương tác bằng tiếng Việt hay không? Hiện tại, Cortana không thể kích hoạt khi người dùng thiết lập vùng miền trên thiết bị là Việt Nam. Dự liên quan này cho thấy Cortana có thể tương tác bằng giọng nói với nhiều ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc vào thiết lập này, mặc dù hiện tại, cô trợ lý kỹ thuật số này chỉ có thể hiểu tiếng Anh.
Cortana “của tôi”? Bằng cách ghi lại và phân tích giọng nói, Cortana có thể được gọi chỉ bởi một người dùng. Tính năng này có thể bật hay tắt trong phần thiết lập của Cortana. Tính năng này giúp cá nhân hóa cô trợ lý kỹ thuật số hay nói một cách khác là giúp Cortana thu thập trải nghiệm đúng và chính xác hơn trong trường hợp thiết bị có nhiều người dùng chung.
Nếu không có Internet, Cortana sẽ như thế nào? Cortana vẫn hoạt động bình thường khi thiết bị không có kết nối với Internet, tuy nhiên khả năng phản hồi và đáp ứng của Cortana bị giới hạn, ví dụ như Cortana chỉ có thể tìm kiếm tập tin nào đó trên chính thiết bị đó thay vì tìm kiếm cả trên Internet.
Trên đây chỉ là một số ghi nhận thông qua quá trình trải nghiệm Cortana trên máy tính chạy Window 10. Thực tế, Cortana rất linh hoạt và kết quả trải nghiệm có thể khác nhau giữa các người dùng khác nhau. Điều này phụ thuộc vào sự tương tác của người dùng với trợ lý kỹ thuật số Cortana và trong một số hoàn cảnh, hãy thử nói chuyện “chân tình” với Cortana, kết quả sẽ rất bất ngờ và vui vẻ!
Mạnh Tuấn