(SGGP).- Chiều 3-2 (mùng 4 Tết), hàng ngàn người dân Bình Định và du khách cả nước đã náo nức du xuân về lễ hội tết Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) để tưởng nhớ tới công lao các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... diễn lại trận đánh lịch sử với y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận...
* Ngày 3-2, hàng ngàn du khách tấp nập đổ về chùa Phật Tích (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn cầu mong năm mới an lành, nhiều may mắn. Hội Khán hoa mẫu đơn có từ hàng ngàn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-2 với các chương trình giao lưu nghệ thuật độc đáo như: Biểu diễn quan họ của các liền anh, liền chị đến từ đội văn nghệ địa phương, chương trình nghệ thuật của Đoàn chèo Trung ương.
Chiều mùng 5 tháng Giêng sẽ diễn ra đại lễ cầu quốc thái dân an được cử hành trang trọng tại quảng trường Đại Phật Tượng trên núi Phật Tích.
* Cùng ngày, tại Khu Di tích lịch sử chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Lễ hội chùa Keo đã chính thức khai hội, thu hút hàng ngàn lượt tăng ni, phật tử và du khách thập phương về trẩy hội. Chùa Keo là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa. Chùa có 18 công trình với 133 gian. Những công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá… Năm 2012, chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia.
Hàng năm, Chùa Keo có hai kỳ lễ hội: Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết với các hoạt động văn hóa dân gian như thi bắt vịt, thổi cơm hội thu từ ngày 13 đến ngày 15-9 Âm lịch mang đậm tính chất hội lịch sử, tái hiện lại cuộc đời của Quốc sư Dương Không Lộ như lễ tế, lễ rước kiệu, thi bơi trải trên sông.
* Chương trình Vui Xuân Giáp Ngọ 2014 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng bắt đầu vào sáng 3-2 tức mùng 4 Tết với nhiều hoạt động văn hóa dân gian được thể hiện qua các mảng hoạt động: trình diễn nghệ thuật, trò chơi, làm đồ chơi, ẩm thực… Bên cạnh đó, tại bảo tàng sẽ diễn ra nhiều tiết mục diễn xướng truyền thống như: hát ca trù Cổ Đạm, hát dân ca ví dặm, hát sắc bùa, múa tứ linh, nhảy sạp, trình diễn trang phục các dân tộc…
NHÓM PV