Miền ký ức của những cựu nữ tù binh

Có những cuộc hội ngộ tay bắt mặt mừng, ôm chầm nhau thắm thiết, nhắc mãi những chuyện ngày xưa. Nhưng cũng có những cuộc hội ngộ rưng rưng nước mắt... Ký ức về những năm tháng đấu tranh đau thương mà anh dũng của tuổi đôi mươi lại ùa về trong những con người nay đã bước qua tuổi xế chiều. 

Họ là những cựu nữ tù binh tại Trại giam tù binh Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), vừa có dịp gặp lại nhau vào những ngày cuối năm 2018 tại TPHCM.

Bất khuất

“Chúng trói quặt tay tôi và đồng đội vào chiếc cối đạp giã gạo để trước sân đình. Những trận đòn man rợ trút xuống tôi và đồng đội với đủ mọi phương thức, từ nước ớt, xà phòng, roi điện cho đến dụ dỗ nhằm moi thông tin, nhưng chúng đều không đạt được mục đích. Nửa đêm, nhân lúc bọn lính canh ngủ gục, tôi và đồng đội gồng mình, chịu từng cơn đau thắt của chiếc dây siết chặt hai tay, nhích từng tí một, xoãi chân rút chốt lựu đạn M26 nơi thắt lưng tên lính gác. Một tiếng nổ đanh vang lên xé toạc màn đêm…”, bà Nguyễn Thị Vân Toàn (67 tuổi, ngụ xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) bồi hồi nhớ lại.

Miền ký ức của những cựu nữ tù binh ảnh 1 Gặp lại nhau ở thành phố mang tên Bác, các bà, các dì cựu tù binh Phú Tài
như thấy lại thời “hoa lửa” của tuổi đôi mươi
Khuôn mặt nhòe lệ, bà chia sẻ tiếp: “2 ngày sau tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Ái Tử. Cánh tay phải đứt gãy được băng bó sơ sài. Đồng đội Trần Thị Lệ Hoa hy sinh tại chỗ. Cú nổ của quả lựu đạn làm chục tên địch thương vong. Chưa tìm ra nguyên nhân vụ nổ, chúng tiếp tục tra khảo, chặt đứt luôn cánh tay của tôi, sau đó chúng đưa tôi vào trại giam Phú Tài”.

Nói về tội ác của bọn quản ngục và tay sai tại trại giam Phú Tài, cựu nữ tù binh Lương Thị Hồng (TP Hội An, Quảng Nam), rùng mình nhớ lại: “Chúng dùng dây điện cột hai đầu vú chị em rồi treo lên cao, đau đớn vô cùng. Có khi chúng bắt chị em nằm ngửa, tự tay chúng kéo hai chân các chị em ra, rồi đá thốc vào bộ phận kín, đau đớn lên tận đỉnh đầu và ngất xỉu. Tàn bạo hơn, chúng dùng một thỏi đồng to bằng ngón tay cái nối dây vào bình điện. Chúng thọc thỏi đồng vào cửa mình chị em rồi quay điện, chị em bật ngửa người trên nền nhà, tay chân co giật rồi bất tỉnh”.

Tàn bạo như thế cũng không thể làm bà Hồng và đồng đội khiếp sợ. Địch lại hèn hạ giở trò thú tính, làm nhục nữ tù binh. Mục đích của chúng nhằm gây ra những hậu quả về tương lai, làm tuyệt đường sinh nở của nữ tù binh. “Nhưng trên thực tế, chúng không giết nổi tinh thần bất khuất của chị em”, bà Hồng khẳng định.

Nghĩa tình đồng đội

Không thể đi lại bằng chân mà phải dùng xe đẩy, cựu nữ tù binh Trần Duy Phương (68 tuổi, sống tại số 196A Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TPHCM) kể cho chúng tôi nghe về một thời “hoa lửa” của bà.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 15 tuổi bà đi theo cách mạng. Năm 1968, khi mới 18 tuổi, đang ở căn cứ Quế Sơn thì bị địch tập kích, cả đơn vị hy sinh còn bà bị liệt hai chân do đạn địch bắn trúng cột sống. Bà Phương lọt vào tay địch rồi bị đưa tới các trại giam Non Nước (Đà Nẵng), Phú Tài và cuối cùng là Trại giam tù binh Cần Thơ.

Năm 2013, bà Trần Duy Phương đã hoàn thành cuốn tự truyện dài khoảng 200 trang, tựa đề Tôi nghe tôi hát, trình bày chi tiết và trung thực những năm tháng đấu tranh của cá nhân và những đòn tra tấn của kẻ thù đối với nữ tù binh. Bà nói từ lúc bị địch bắt, cuộc sống của bà làm bạn với băng ca, nếu không có đồng chí, đồng đội thì sẽ không có ngày hôm nay. Cuốn sách này để bà tri ân đồng đội, đồng chí đã hy sinh và những người còn sống.

Cựu nữ tù binh Nguyễn Thị Nghĩa (tên trong tù là Phan Thị Bích Thủy),  Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), khiêm tốn kể về mình mà dành sự cảm mến về người bạn tù “đặc biệt” Trần Duy Phương.

Bà kể, khi vào trại 2, Trại giam tù binh Phú Tài, được tiếp xúc với Phương, ấn tượng của bà về Phương cho đến bây giờ vẫn y nguyên như vậy: Một cô gái xinh đẹp với cặp mắt to đen nhánh, luôn tươi cười hồn nhiên và hiền hòa. Cô gái giàu nghị lực, dũng cảm, trung kiên đã vượt qua số phận nghiệt ngã của một thương binh nặng để sống và chiến đấu ngay trong tù ngục của kẻ thù. Bất kể thương tật nặng, bất kể những đàn áp tra tấn dã man, Trần Duy Phương đã giữ vững niềm tin, lý tưởng cho đến ngày chiến thắng trở về với cách mạng.

Những mái đầu tóc đã bạc phơ, gương mặt đầy nếp nhăn, dù sức khỏe nhiều cựu nữ tù binh đã yếu, nhưng các bà, các dì vẫn có nhiều hoạt động chăm lo, thăm hỏi nhau cũng như đóng góp sức mình để giáo dục thế hệ trẻ sống có ích, hoàn thành nhiệm vụ nghĩa tình.

Trong thư gửi tới Ban liên lạc Nữ tù binh Phú Tài, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bày tỏ: “... Nữ tù binh, vốn được xem là “chân yếu tay mềm”, trong tay không có một thứ vũ khí nào. Nhưng họ đã đoàn kết, đứng lên xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, đội quyết tử, đội xung kích... tổ chức đấu tranh, chống lại sự đàn áp và các hình thức tra tấn dã man của địch, bảo vệ quyền sống và khí tiết cách mạng”.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng là vũ khí, là sức mạnh giúp họ luôn lạc quan, phấn đấu trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, sống chết trong gang tấc, hiên ngang đương đầu với bộ máy tay sai và cai ngục gian ác, giành thắng lợi... Họ đã biến trại giam thành trận tuyến chiến đấu đặc biệt - trận tuyến trên mặt trận lao tù của những người chiến sĩ cộng sản”.

Tin cùng chuyên mục