Miên man Ba Bể

Miên man Ba Bể

Phải ngồi thuyền máy miên man suốt gần cả ngày trời mới dạo qua khắp các thắng cảnh của Vườn quốc gia Ba Bể...

Theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi ra hồ, mua thêm chục gắp cá suối nướng, đá viên... rồi lên thuyền nổ máy rong chơi... Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới đang được bảo vệ, là nơi ẩn chứa kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời với cộng đồng cư dân các dân tộc sinh sống quanh hồ.

Thuyền đi trong mây nước mênh mông, trong cả những truyền thuyết lý thú, độc đáo như sự tích bà già ăn mày mách bảo nước dâng trắng trời làm nên hồ Ba Bể và hai mẹ con bà góa đã thoát nạn nhờ tấm lòng nhân hậu mãi mãi lưu lại màu xanh trên Pò Già Mái (Gò Bà Góa) xa kia.

Thỉnh thoảng thấy bóng “nàng áo xanh” chèo thuyền độc mộc, giờ đã là của hiếm. Mấy ngọn núi mờ mờ trong màn mưa lất phất. Bạn nhậu đã bày cá nướng, mở “Giôn đen” pha nước suối, cụng ly giữa nước với trời… Chợt nhớ mấy câu thơ “chí lý” của “sư tổ dân chơi” Nguyễn Công Trứ:

Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay

Thiếu nữ chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể. Ảnh: C.T.

Thiếu nữ chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể. Ảnh: C.T.

Thuyền chạy dọc sông Năng, qua Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng (tiếng Tày, pé là hồ; slam pé là ba hồ) giữa một vùng núi đá vôi. Những ngọn núi sát mép nước ven các hồ không phải đẹp vì vóc dáng và cách bố cục như tranh toàn cảnh ở các dãy núi Tam Cốc, Tràng An (Ninh Bình).

Núi ở đây mỗi ngọn là một “gian triển lãm tranh”. Này một vách núi dựng đứng, phẳng như một tấm “toan”, vẽ một bức tranh trừu tượng hai màu đen trắng. Kia một bức trên cao, lồ lộ giữa riềm cây lá xanh ngắt, lăn tăn. Kia nữa, một bức tượng hao hao mặt người đặt trong cái hốc vuông như cửa sổ... Ở một núi khác là nhũ đá bên triền núi, rũ ngọn xuống nước. Xưa nay ai chẳng thấy nhũ đá đẹp và nhiều trong hang động. Còn muốn xem “nhũ đá ngoài hang”, xin mời đến đây:

Nhũ đá vươn ra ngoài hang động
Không cam phận sống đời tối tăm...

Động Puông (động Dơi) bất ngờ hiện ra trên dòng sông trước mặt do sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham. Cửa động phẳng, vút đứng như thành xây, như có người khổng lồ rút kiếm chém một nhát ngọt vào đá mềm 450 triệu năm trước. Cửa động mà rất giống một cổng thành! Vào động, càng thêm liên tưởng vì những gộp đá kỳ lạ giống những khẩu súng thần công chĩa xuống dòng sông hay giống tượng ông tướng mặc áo giáp đang canh cổng... Ánh sáng phản chiếu khiến màu đá ánh màu rỉ đồng xanh xanh trên áo giáp thời gian.

Theo các nhà địa chất Việt Nam phối hợp nghiên cứu với Hội địa chất Bỉ, đá vôi ở Ba Bể có chỗ chuyển hóa thành đá hoa cương, một hiện tượng địa chất độc đáo, hiếm có. Lần dò trong ánh sáng mờ, tới mỏm đá cao, tôi bỗng thấy dòng sông bên dưới lấp lánh in bóng chiếc thuyền chở du khách chạy qua, uốn mình luồn dưới những rèm thạch nhũ đẹp lung linh.

Tiếng máy âm vang trong động làm tôi cảm thấy mình đang đứng trên một vòm “sân khấu ô-pê-ra” thiên nhiên khiến con người không khỏi cất lên tiếng hát: Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn nước trôi ven bờ... Đá nhân tiếng hát vang gấp nhiều lần...

Thuyền ghé một ngọn núi khác. Trèo lên dốc núi cao thì đến Ao Tiên. Ao rộng ước tới cả ngàn mét vuông, chung quanh cây cối lung linh soi bóng nước. Rồi những dây leo thân gỗ đu bám lòa xòa gợi cho tôi nhớ đây là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi. Tất nhiên nơi đây đã từng có những đàn tiên nữ đẹp tuyệt trần xuống... tắm tiên. Cảnh thật nên thơ, nên nhạc, nên phim.

Trên đường đến thác Đầu Đẳng, có hai vợ chồng ông khách Tây cùng đi. Anh chồng hào hứng tự giới thiệu họ là người Italia, đất nước bán mô tô Vespa “khắp thế giới”. Chúng tôi nói chuyện về cảnh đẹp của Vườn quốc gia Ba Bể... Thác đã hiện ra. Thác nhỏ, chia hai nhánh, nước đổ thật mạnh, tung bọt trắng xóa và tung sương mịt mờ.

Người ta đã làm một sàn gỗ nhô ra cho du khách đứng bờ bên này ngắm thác. Ông người Italia chụp mấy bức ảnh và khen Vườn quốc gia Ba Bể đẹp lắm. Tôi hỏi ông làm nghề gì, ông đáp: nhà sinh vật học. Ông hỏi lại, tôi đáp: nhà văn. Bà vợ ông nãy giờ đứng quay lưng mơ màng ngắm thác bỗng quay phắt lại nhìn tôi, như nhìn một sinh vật... có tên trong Sách đỏ!

Ban sáng, tôi cũng đã trò chuyện với hai vợ chồng người Đức đang ở trọ nhà đồng bào dân tộc bên hồ. Chúng tôi rất muốn có một đêm nằm bên bờ hồ Ba Bể và đã bỏ thời giờ đi tìm nhà sàn cheo leo vách núi. Thật ra, người dân nơi đây sẵn sàng mời du khách về nhà, cùng tham gia sinh hoạt trong đời sống hàng ngày với bà con, cùng uống chén rượu ngô cay nồng nhắm với thịt “lợn cắp nách” hong khói lấy từ gác bếp xuống để đãi khách quý.

Chúng tôi muốn đến các bản nhà sàn chênh vênh bên sườn núi của người Tày; muốn xem những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao, Mông; muốn nghe các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn ban đêm bên đống lửa; muốn xem các lễ hội truyền thống như hội Lồng Tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... Nhưng thời giờ ít, đành đi dạo trên bãi cỏ hàng năm diễn ra hội Lồng Tồng, chụp hình các cô gái Tày đang đứng trên thuyền xúc cá...

Và ra về với lòng lưu luyến, cùng nỗi nhớ miên man...

Trần Thanh Giao

Tin cùng chuyên mục