Miền Tây Nam bộ: Trông chờ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Nhiều công trình giao thông đã được xây dựng và đưa vào sử dụng ở miền Tây Nam bộ trong thời gian gần đây như cầu Cổ Chiên (nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh), đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Mỹ Lợi (nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Long An)… Thế nhưng, với nhiều người dân miền Tây Nam bộ, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn là con đường huyết mạch, quan trọng hơn cả trong việc đảm bảo giao thông thông suốt cho cả vùng.

Thứ sáu 5-2-2016 (tức 27 tháng Chạp), xuất phát từ Cần Thơ đi TPHCM (dài khoảng 170km) lúc 15 giờ nhưng cho đến gần 22 giờ cùng ngày, anh Sơn Lam mới về đến nhà. Anh Sơn Lam cho biết, tình trạng ùn ứ giao thông tại nhiều điểm trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang đã làm cho hành trình về nhà của anh kéo dài ra. Quốc lộ 1 về cơ bản đã được mở rộng với 4 làn xe cơ giới, trong đó 2 làn dành cho chiều đi và 2 làn dành cho chiều về. Tuy nhiên, do lượng xe lưu thông qua đây quá lớn, đoạn qua tỉnh Tiền Giang lại gặp nhiều ngã tư giao với các đường nội bộ của tỉnh, nên chỉ cần dừng lại chờ đèn đỏ vài giây, giao thông trên quốc lộ 1 lập tức ùn lại ngay. Chưa kể, nhiều cầu trên quốc lộ 1 vẫn chỉ có 2 làn đi và về, chưa được mở rộng, cải tạo hoặc xây mới đồng bộ với quốc lộ 1, cũng tạo nên các nút thắt cổ chai… “Nhích từng bước” là từ mà anh Sơn Lam đã dùng khi mô tả việc đi lại của anh và gia đình mỗi khi đến gần các cây cầu nút thắt cổ chai. Cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Đức Tây… là những “nút thắt cổ chai” lớn nhất. Cách các cây cầu này khoảng vài trăm mét, các xe đã phải đi chậm lại và càng đến gần càng chậm.

Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang có ý nghĩa rất quan trọng đối với giao thông ở miền Tây Nam bộ. Muốn đi từ TPHCM về thành phố Cần Thơ hay tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… và ngược lại, hầu hết người dân đều phải qua đoạn đường này. Dự án có chiều dài 51km, đi qua địa bàn của 6 huyện, thị xã của tỉnh Tiền Giang. Đánh giá được tầm quan trọng của tuyến đường này, từ nhiều năm trước, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với kỳ vọng một tuyến đường cao tốc kéo dài từ TPHCM qua Trung Lương tới Mỹ Thuận sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông trên mỗi khi xuân về tết đến và các dịp lễ quan trọng khác. Thế nhưng, “số phận” tuyến đường này thật… trớ trêu.

Đã từng được khởi công xây dựng vào năm 2009 nhưng do gặp khủng khoảng kinh tế, dự án xây dựng tuyến đường này phải tạm dừng lại. Và 6 năm sau, vào tháng 2-2015, Bộ GTVT đã cho khởi động lại dự án. Những tưởng mọi khó khăn đã được xử lý, nhưng đến nay theo ông Phan Anh Dũng, đại diện nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) - đơn vị thi công, mới nhận được khoảng 20% “mặt bằng sạch” để thi công. Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cam kết đến cuối quý 1-2016 sẽ cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể trước đó, những thông tin về việc chủ đầu tư rút vốn cũng đã phủ bóng đen lên dự án.

Bao giờ người dân miền Tây Nam bộ mới có đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận? Ông Phan Anh Dũng khẳng định, nếu được bàn giao mặt bằng đúng cam kết, đơn vị sẽ hoàn thành đúng kế hoạch: năm 2018. Mong rằng, dự án sẽ được thực hiện đúng như cam kết để người dân miền Tây trọn niềm vui trên đường đi mỗi khi tết đến xuân về.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục