Miền Trung: Ám ảnh tai nạn giao thông

Sở hữu chiều dài tuyến QL1A dài nhất so với các khu vực khác của cả nước nên có lẽ địa bàn miền Trung cũng gánh chịu nhiều tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Địa hình phức tạp, nhiều cầu cống nên dễ tạo ra nhiều bất trắc. Tuy nhiên, theo ngành quản lý giao thông thì ngoài điểm đen do hạ tầng giao thông, còn tồn tại một “điểm đen” vô hình, cái gốc của tai nạn đó là ý thức tham gia giao thông của lái xe còn hạn chế.
Miền Trung: Ám ảnh tai nạn giao thông

Sở hữu chiều dài tuyến QL1A dài nhất so với các khu vực khác của cả nước nên có lẽ địa bàn miền Trung cũng gánh chịu nhiều tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Địa hình phức tạp, nhiều cầu cống nên dễ tạo ra nhiều bất trắc. Tuy nhiên, theo ngành quản lý giao thông thì ngoài điểm đen do hạ tầng giao thông, còn tồn tại một “điểm đen” vô hình, cái gốc của tai nạn đó là ý thức tham gia giao thông của lái xe còn hạn chế.

        “Điểm đen” hiện hữu

11 giờ 30 trưa một ngày cuối năm 2013, khi vừa qua khỏi cầu Bàu Giang nối TP Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa chúng tôi nghe tiếng rầm khô khan vang lên. Chiếc xe máy bể nát phần đầu nằm im cạnh bên hai thân người nằm sõng soài nhanh chóng được chuyển lên xe cấp cứu chạy vụt đi. Vụ tai nạn xảy ra bằng mắt thường cũng có thể thấy được nguyên nhân là do chiếc xe máy cố tình chạy lên lan can cầu để vượt qua phía bên kia. Khi bánh xe trước vừa lên được nửa thì bị trượt xuống mặt cầu, cũng là lúc chiếc ô tô tải lớn lao tới…

Tại Đội CSGT TP Quảng Ngãi, cuốn sổ công tác năm 2013 rất dày, vậy nhưng nó cũng đã được sử dụng để ghi chép những vụ TNGT gần kín các trang. “Khoảng 13 giờ chiều 23-7-2013 trên đoạn đường này xảy ra vụ tai TNGT giữa ô tô khách 37S-7670 (Nghệ An) chạy theo hướng Bắc - Nam và xe máy 47H2-9375 chạy cùng chiều do anh Nguyễn Phi Hùng (29 tuổi), ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) điều khiển chở theo vợ là chị Dương Thị Mỹ Hạnh. Tai nạn xảy ra khiến vợ chồng anh Hùng văng xa hơn 10m, chiếc xe máy bị cuốn vào gầm ô tô kéo lê dưới mặt đường gần 20m. Anh Hùng tử vong còn vợ bị thương nặng… Từ tháng 6-2012 đến nay tại điểm giao thông này đã xảy ra 9 vụ TNGT, trong đó có vụ nghiêm trọng làm chết 2 người - lãnh đạo Đội CSGT TP Quảng Ngãi cho biết.

Từ cầu Bàu Giang, chạy xe chừng 20 phút theo hướng vào Nam là đến cầu Cây Bứa (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa). Cây cầu này từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông và dân sống hai bên đường. Ông Phạm Nhựt, nhà ngay mặt quốc lộ, thường chứng kiến các cặp đi xe máy bị ô tô đụng chết. Theo ông Nhựt, trước khi được làm mới, tai nạn ít xảy ra vì đoạn đường này quá xấu, nếu có cũng chỉ va chạm nhẹ. Nhưng đến khi cầu mới và đường mới hoàn thành thì tai nạn xảy ra liên tục.

Vụ TNGT tại điểm đen cầu Bàu Giang (Quảng Ngãi).

Vụ TNGT tại điểm đen cầu Bàu Giang (Quảng Ngãi).

Trên tuyến QL1A đoạn qua Quảng Ngãi là điểm đen khét tiếng bởi số vụ tai nạn, số người thiệt mạng. Nhưng đây không phải là điểm đen duy nhất, còn hai điểm đen khác, một là đoạn qua đèo Tắc, hai là khu vực thị tứ Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ). Các chuyên gia cầu đường đã khảo sát, cho biết nguyên nhân hình thành điểm đen đèo Tắc là do “siêu cao”. Xe lưu thông hay bị văng khỏi phần đường, hoặc bị lật hoặc đối đầu xe khác. Muốn xóa điểm đen này thì phải dựng thêm hệ thống biển cảnh báo, hộ lan mềm, gờ giảm tốc... Đến giờ, cơ quan chức năng mới chỉ hoàn thành hộ lan mềm. Các hạng mục còn lại, Trạm CSGT Đức Phổ, Phòng CSGT Quảng Ngãi cùng liên ngành cũng đã kiến nghị nhưng chưa thấy có hồi âm.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này còn 13 điểm đen và 7 tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Nghĩa là, bình quân cứ hơn 5km QL1A qua tỉnh, có một “điểm đen” về giao thông.

        Và “điểm đen” vô hình

Kể từ giữa tháng 9-2013, dự án nút giao thông ngã Ba Huế (Đà Nẵng) được khởi công xây dựng thì lưu lượng các phương tiện giao thông (xe tải và xe khách đường dài) đã chọn tuyến đường tránh Nam Hải Vân để lưu thông để vào Nam, ra Bắc. Áp lực giao thông trên tuyến đường này trở nên quá tải và phức tạp. Theo Trung tá Hồ Thanh Hiền, Phó trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng), mỗi ngày có đến hàng ngàn xe tải và xe khách đường dài qua lại trên tuyến đường này khiến tuyến đường tránh dài hơn 10km mới được đưa vào sử dụng 3 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trên toàn tuyến xuất hiện hàng chục điểm lún sụt, gập gềnh, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Vào ban đêm, do tuyến đường chưa có đèn chiếu sáng nên mức độ nguy hiểm càng cao.

Theo anh Đặng Công Nhân, tài xế xe khách tuyến Đà Nẵng - TPHCM, hiện nay “điểm đen” giao thông ở Đà Nẵng không phải là khu vực ngã ba Huế hay ngã ba Hòa Cầm mà cánh tài xế “ớn” nhất là mỗi khi lưu thông trên đoạn đường tránh này. “Mình thông thuộc đường, biết chỗ nào có lún sụt, biết chỗ nào nguy hiểm thì còn giảm ga. Nhưng những tài xế mới lưu thông qua tuyến đường này chẳng khác nào “cái bẫy chết người” - anh Nhân chia sẻ.

Quốc lộ 1 qua đèo Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế) được các tài xế gọi là “cung đường tử thần” thường xuyên gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Quốc lộ 1 qua đèo Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế) được các tài xế gọi là “cung đường tử thần” thường xuyên gây tai nạn và ùn tắc giao thông.

Vượt hầm Hải Vân, chúng tôi theo các chuyến xe đi về hướng TP Huế. Bỏ lửng câu chuyện với chúng tôi, anh Lưu Văn Bảy, tài xế xe khách Nghệ An, chăm chú nhìn vào cung đường phía trước: “Cung đường tử thần đấy” - anh Bảy lẩm nhẩm. Hơn 10 năm chạy xe đường dài, anh Bảy không nhớ đã bao nhiêu lần chứng kiến cảnh lật xe, kẹt xe kéo dài cả ngày trời tại đoạn đèo này. Mới đây nhất, ô tô BKS 77K-000.88 chở gỗ lưu thông theo hướng Nam - Bắc khi xuống đoạn cua ngoặt nằm ở giữa đèo Phước Tượng thì bất ngờ đứt thùng xe chở đầy gỗ, bị lật nhào xuống mặt đường bên phải theo hướng xe lưu thông, tắc đường cả ngày. Anh Nguyễn Hùng, ở sát chân đèo phía xã Lộc Thủy, kể: “Có khi 4 giờ sáng tôi đã thấy xe tải, xe khách xếp hàng dài trên quốc lộ ngay trước cửa nhà. Mà lần kẹt xe nào cũng đều khá lâu, tài xế chờ đợi mệt mỏi”.

Ông Lê Viết Phương, Phó Trưởng phòng CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Tuyến QL1A qua Thừa Thiên - Huế còn tồn tại hàng chục điểm đen về TNGT. Nguyên nhân là do thiết kế các ngã ba giao nhau chưa hợp lý, bề phẳng mặt đường chưa được tính toán kỹ… Ngoài việc tuần tra thường xuyên, chúng tôi cũng đã làm các gờ giảm tốc, dải ngăn cách mềm nhưng cũng chỉ nhằm hạn chế phần nào chứ không thể giải quyết căn cơ những bất cập trên tuyến đường này”.

“Những điểm đen tồn tại do những bất cập của hạ tầng giao thông đường bộ thì có thể khắc phục, chỉnh sửa được, nhưng còn không ít “điểm đen” vô hình gây nên những vụ TNGT đó là ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe còn kém. Nếu khắc phục được điều này, chúng tôi tin là TNGT sẽ giảm” - Phó Trưởng phòng CSGT Quảng Ngãi Hồ Văn Thư khẳng định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hiện trường vụ tai nạn tại Nghệ An chiều 17-2 làm 2 người chết, 12 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn tại Nghệ An chiều 17-2 làm 2 người chết, 12 người bị thương.

Tin cùng chuyên mục