Hàng chục âu thuyền và cảng cá phục vụ tránh trú bão, tiêu thụ sản phẩm cho tàu thuyền các tỉnh miền Trung được nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, rất ít âu thuyền phát huy tác dụng do những bất cập trong thiết kế.
Nơi vắng tàu
Tin cơn bão số 8 liên tiếp dội về, các phương tiện truyền thông liên tục thông báo tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Vậy nhưng, về âu thuyền Phú Hải (huyện Phú Vang) - khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão hiện đại, lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2011 với vốn đầu tư 42 tỷ đồng chỉ loe ngoe vài chiếc tàu. Hỏi ra mới hay, các tàu “né” nơi này vì chỉ một năm đưa vào sử dụng, luồng lạch ra, vào âu thuyền đã bị bồi lấp khiến nhiều phương tiện mắc cạn, gây thiệt hại về kinh tế, bất an tính mạng ngư dân. Theo bà con ngư dân, luồng lạch ra, vào khu neo đậu chỉ khoảng 300m, mực nước sâu dưới 1,5m, khẩu độ 4 - 5m. Trong khi tàu thuyền công suất trên 90CV muốn lưu thông cần luồng lạch phải sâu ít nhất 5m và khi mưa to sóng lớn phải 7m. Bà Lê Thị Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải, lo lắng: “Trước bất cập này, xã đã phản ánh nhiều lần với các cấp nhưng chưa được giải quyết”.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Quang Thu Dương, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Cảng cá Thuận An, cho biết: “Với quy mô 500 ghe thuyền công suất từ 20CV trở lên neo đậu, hiện âu thuyền do Cảng cá Thuận An tạm quản lý. Ngoài luồng lạch bị bồi lấp, âu thuyền Phú Hải còn bị kẻ gian đánh cắp một số đèn báo chỉ dẫn, càng gây khó khăn cho ngư dân trong đêm tối. Đặc biệt, âu thuyền không có phương tiện dẫn đường cho những tàu thuyền của ngư dân các địa phương lân cận vào tránh trú mỗi khi thời tiết xảy ra gió bão… Trước mắt, cần có kinh phí nạo vét luồng lạch hàng tỷ đồng”. Được biết nguyên nhân âu thuyền bất cập là do từ khâu thiết kế, thi công. Bên cạnh luồng ra vào khu neo đậu quá hẹp và cạn, khi nạo vét luồng này, đơn vị thi công không mang cát nạo vét đổ đi nơi khác mà đổ qua hai bên luồng, nên lại bị bồi lấp trở lại.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, cửa biển Mỹ Á (Đức Phổ) bị bồi lấp nghiêm trọng ngay luồng lạch chính khiến tàu thuyền ra vào hết sức khó khăn, nguy hiểm. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua. Năm 2009, dự án cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 1 do Sở NN-PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng, đã “vẽ” ra một viễn cảnh tươi sáng, sau khi hoàn thành tàu có công suất 400CV ra vào cửa biển an toàn nhưng thực tế tàu công suất chỉ 45CV ra vào đã rất khó khăn.
Điều đáng nói, công trình này khi đưa vào sử dụng cuối tháng 12-2011 với số vốn lên đến gần 100 tỷ đồng nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề bồi lấp cửa biển. Nhiều tàu cá như QNg-44297 công suất 115CV của ông Nguyễn Quảng (43 tuổi) và tàu cá QNg-48090 TS công suất 80CV của ông Hành Văn Hóa (47 tuổi, đều ở xã Phổ Quang) đã bị chìm khi ra vào cửa, làm một ngư dân tử vong, gây thiệt hại gần 600 triệu đồng… “Cửa Mỹ Á đang được một doanh nghiệp tận thu cát nhiễm mặn, mai mốt sẽ khơi thông luồng thôi” - chúng tôi thông tin với các ngư dân, nhưng họ chẳng quan tâm lắm. Cũng tại tỉnh này, hàng loạt cửa biển đang bị bồi lấp từ chính việc chỉnh trị luồng hay xây mới âu thuyền như: Sa Cần, Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Sa Huỳnh (Đức Phổ), cửa Đại, ở xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa)… Và cũng đang được khắc phục bằng phương án tận thu cát nhiễm mặn, khơi thông luồng vào trước mùa mưa bão năm nay nhưng tiến độ vẫn chậm.
Nơi quá tải
Trong khi nhiều âu thuyền khác vắng hoe những chiếc tàu thì ven bờ sông Hàn (Đà Nẵng) tàu thuyền về neo đậu san sát, tràn cả ra mặt sông. Có thể lý giải và cảm thông với những phương tiện này khi âu thuyền, cảng cá Thọ Quang nằm đó không xa, các tàu thuyền về neo trú đã quá tải, vượt số lượng cho phép, đa số là những tàu của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Không phải ngẫu nhiên tàu cá các địa phương này chọn âu thuyền ở Đà Nẵng. Theo họ, ngoài hạ tầng cảng cá tốt, vào đây phương tiện và con người được bảo toàn, không lo va đập trong khi neo vì các cầu dẫn, cọc neo đậu được thiết kế xây dựng hoàn chỉnh, hợp lý. Hơn nữa, nếu có sản phẩm thì vào âu thuyền này bán được ngay. Ông Phạm Đình Quý (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) tìm đến cảng hơn 5 năm nay mỗi khi nghe báo có gió chướng hay bão đổ bộ vào miền Trung. Hỏi ông sao không về thẳng quê, ở đó cũng có cảng Sa Huỳnh? Ông Quý lắc đầu, bảo tàu lớn có về đó cũng chẳng vào được do luồng dẫn bị bồi lấp, kè chắn sóng bằng các cục acrobot án ngữ ngay bên cạnh, sóng lớn là đánh vỡ tàu trong nháy mắt. Theo ông Quý, mỗi khi ra khơi, ngoài ước muốn tôm cá đầy khoang sau mỗi chuyến đi thì ngư dân mong được cập cảng an toàn và bán được sản phẩm với giá cao để bù lại chi phí nhiên liệu ngày một tăng.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, hầu hết các cảng khu vực miền Trung công suất nhỏ, luồng tàu bị bồi lấp nghiêm trọng, quá nguy hiểm nên ông Quý cũng như các ngư dân khác đành chọn giải pháp an toàn là tìm đến với âu thuyền, cảng cá Thọ Quang dù khi vào đây, các ngư dân cũng phải “gánh” thêm nhiều loại phí như: cầu cảng, bến bãi, vệ sinh môi trường khoảng 130.000 đồng/đêm. Ngoài ra, mỗi chuyến xe tải chở sản phẩm cho tư thương hoặc doanh nghiệp chế biến cũng phải trả 50.000 đồng. Theo Ban quản lý âu thuyền cảng cá Thọ Quang, công trình này dù chỉ được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng (so với cảng khác của miền Trung giá thấp hơn nhiều) nhưng mỗi khi có gió bão, vẫn phục vụ cho khoảng 2.000 phương tiện của địa phương và hơn 600 phương tiện các tỉnh khác neo trú và bán sản phẩm sau khi đánh bắt. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm liên miên tại âu thuyền hiện đại nhất miền Trung này thường xuyên xảy ra, mặc cho chính quyền địa phương nỗ lực cải thiện.
Để xử lý tình trạng này, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quy định Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Theo đó, tàu thuyền khi hoạt động tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phải khai báo sản lượng khai thác, thời gian đến/rời cảng và phải thực hiện nghiêm việc thu gom rác thải, bơm nước thải lên hệ thống thu gom trên bờ, không được thải trực tiếp ra môi trường. Tàu thuyền vi phạm việc thu gom rác thải, nước thải sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và vi phạm 3 lần sẽ không được hoạt động tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
HÀ MINH - VĂN THẮNG