Năm học mới 2015 - 2016 đã bắt đầu. Nhiều địa phương ở miền Trung ngoài việc tất bật chuẩn bị trường lớp, thiết bị dạy và học… còn gặp nhiều khó khăn khi Nghị định 74 - phao cứu sinh đối với học trò nghèo - vừa hết hiệu lực. Trong khi đó ở Quảng Bình, trước việc sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không có việc làm đã khiến nhiều học sinh giỏi bỏ ngang việc học...
Báo động học sinh bỏ học
Huyện Quảng Ninh vốn được xem là “đất học” của Quảng Bình với nhiều dòng họ đã sớm biết lấy sự học làm con đường khai sáng, tạo ra truyền thống hiếu học, giàu chí tiến thủ. Nhưng nay, nhiều gia đình tại nhiều xã ven biển con cái chỉ mới vừa học hết lớp 9. Ông Trương Luật ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, có con trai bỏ học giữa lớp 10, đón xe vào miền Nam học nghề rồi ở lại xin làm công nhân, thật thà nói: “Thu nhập của cháu không cao nhưng công việc ổn định, chứ thấy ở ngoài này hầu hết các anh chị trong làng học đến cao đẳng, đại học nhưng khi ra trường chạy ngược xuôi vẫn không xin được việc làm… Thôi, để con cái ít chữ còn hơn học cao rồi lại đi làm thuê không bằng thu nhập của mấy đứa học cấp 2 thì tội”. Đó là lý do được hầu hết phụ huynh và học sinh ở đây đưa ra khi không tiếp tục theo học cấp 3.
Hàng vạn học sinh nghèo các tỉnh miền Trung gặp khó khăn khi Nghị định 74 hết hiệu lực vào đầu năm học 2015-2016
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cũng nhìn nhận nguyên nhân như trên nên con em lớp sau không theo đuổi tiếp việc học, dù có nhiều cháu học giỏi. Năm học mới bắt đầu nhưng cả xã chỉ có 13 học sinh thi vào cấp 3. Đó là thực trạng rất đáng báo động vì các năm trước, địa phương thường có từ 80 - 100 học sinh thi và đi học cấp 3. Số học sinh nghỉ học từ lớp 9 phần đi biển mưu sinh, phần vào miền Nam làm công nhân trong các khu công nghiệp. Tình trạng trên cũng đang xảy ra tại các xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc của huyện Quảng Ninh khi ở năm học mới này học sinh vào học cấp 3 giảm rõ rệt so với các năm trước. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư xã Ngư Thủy Nam cho biết, chỉ có 23/41 cháu tiếp tục vào học cấp 3, số còn lại đi biển, làm thuê. Việc học sinh không học lên cấp 3 là thiệt thòi với các em, nhưng gia đình đã chọn như thế thì chính quyền địa phương đành chịu.
Khó chồng khó
Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở miền Trung, giúp cho đường tới trường của các em bớt gập ghềnh hơn rất nhiều. Song bước vào năm học 2015 - 2016, nghị định này hết hiệu lực khiến việc học tập của các học sinh ở đây gặp muôn vàn khó khăn.
Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, hơn 1.200 học sinh nghèo và cận nghèo của địa phương là con em đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi đang theo học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở; sang năm học 2015-2016 sẽ không được hưởng lợi từ Nghị định 74. Những năm trước, với 70.000 đồng/tháng nhận được từ Nghị định 74 hỗ trợ, phụ huynh có thể chắt bóp để sắm sách vở, bút thước và may áo quần cho các em. Miếng ăn nhiều lúc chưa đủ nhưng được thầy cô, Nhà nước quan tâm nên học sinh đến lớp đầy đủ. Nay ưu đãi không còn nên các trường học phải chạy vạy mọi nơi, xin nguồn tài trợ sách vở để học sinh không bỏ trường lớp. Bà Nguyễn Thị Ánh, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính (thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Bộ GD-ĐT cũng như cơ quan hữu quan hiện chưa có văn bản hướng dẫn có tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ dành cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nữa hay không nên việc chi trả cho đối tượng này phải dừng lại để chờ hướng dẫn”.
Ở khía cạnh khác, ngành giáo dục các địa phương miền Trung, nhất là các huyện miền núi đang gặp muôn vàn khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Ông Nguyễn Sĩ Huấn, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị chia sẻ, hiện còn nhiều trường phải chia phòng học, ghép lớp. Trong khi các công trình trường học đã khởi công cây dựng từ năm trước nhưng nay đã ngừng thi công do thiếu vốn.
Một năm học mới bắt đầu, song những khó khăn mà ngành giáo dục các tỉnh miền Trung đang đối mặt rất cần sự chia sẻ từ các bộ, ngành trung ương.
VĂN THẮNG - MINH PHONG