Các địa phương miền Trung từ Thừa Thiên - Huế, ra Quảng Trị, đến Quảng Bình, Hà Tĩnh có 18 hệ thống sông lớn. Các hệ thống sông này không chỉ đảm bảo tưới tiêu cho cư dân trong lưu vực mà còn là hệ thống cảnh quan có giá trị từ ngàn vạn đời nay. Nhưng các hệ thống sông này đang đứng trước vấn nạn “cát tặc” hoành hành trái phép, ngày đêm móc ruột các dòng sông khiến đất đai bờ bãi bị sạt lở nghiêm trọng, gây bất an cho hàng vạn hộ dân sống dọc hai bên các bờ sông.
Móc ruột từ sông Hương đến Ngàn Sâu
Nhóm PV Báo SGGP đã tỏa về những dòng sông của các địa phương trên và thấy rõ tình trạng khai thác cát sạn lậu diễn ra như nơi không người. Mặc dù đầy đủ ban bệ quản lý các dòng sông của địa phương sở tại, nhưng dường như “cát tặc” đang làm chủ những dòng sông để trục lợi bất chính.
Trên sông Hương, đoạn từ xã Thủy Bằng đến khu vực cầu Tuần về bến Than, nhiều thuyền máy công suất lớn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra một cách vô tội vạ. Có khoảng 1km chiều dài từ xã Hương Thọ đến Thủy Bằng bị “cát tặc” chà xát móc ruột ngày đêm khiến vùng đất trù phú hoa trái này bị sạt lở mỗi năm hàng chục mét đất, khoét sâu vào ruộng vườn. Tình trạng này đã khiến hàng trăm nhà cửa và một số di tích lịch sử văn hóa ven sông đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Cách cố đô Huế hơn 200km về phía Bắc, dòng sông Gianh, một trong 5 hệ thống sông chính của Quảng Bình, “cát tặc” lộng hành không chỉ hai bên bờ sông, mà còn hút cát tại điểm cách các trụ cầu Văn Hóa (Tuyên Hóa) mấy chục mét. Chủ tịch UBND xã Văn Hóa, Nguyễn Tiến Hạnh nói: “Đuổi bắt thì thuyền khai thác lậu chạy qua bên kia xã Cảnh Hóa nên khó xử lý, có khoảng 70 phương tiện khai thác cát sạn hoặc vận hành cát sạn trên sông Gianh”.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, huyện Quảng Trạch có 15 bãi tập kết cát sạn, 18 tàu thuyền khai thác cát sạn đều hoạt động trái phép. Huyện Tuyên Hóa có 28 tàu thuyền, 5 bãi tập kết, 3 mỏ khai thác cát sạn chỉ có 1 mỏ hoạt động hợp pháp.
Cùng thời điểm, 5 dòng sông lớn của tỉnh Hà Tĩnh, PV Báo SGGP cũng ghi nhận từ miền xuôi lên miền ngược, từ sông Ngàn Sâu đến sông La, sông Lam đang bị móc ruột với các cách thức tinh vi. Men theo dòng sông La chúng tôi tìm đến một số điểm nóng về nạn “cát tặc” ở địa bàn các xã Đức Vĩnh, Đức Quang, Trường Sơn, Tùng Ảnh, Đức Hòa... (huyện Đức Thọ). Tại đây, thực trạng khai thác cát, sạn trái phép diễn ra công khai.
Từ cầu Thọ Tường nhìn về dưới lòng sông La, có hơn 15 chiếc thuyền lớn nhỏ 20 - 40 tấn và sà lan tải trọng hàng trăm tấn (có 4 - 5 nhân công làm việc trên mỗi thuyền, sà lan) với trang bị máy móc công suất lớn, hiện đại. Tiếng máy nổ ầm ầm, từng cuộn ống dài ngoằng như vòi bạch tuộc được thả cắm sâu xuống tận đáy sông rồi liên tục hút cát đưa lên dây chuyền tuôn xối xả vào sà lan. Chỉ sau vài giờ vận hành, những chiếc thuyền, sà lan này đã đầy ắp cát (khoảng từ 40 - 60m³) rồi lần lượt chạy về các bến cát quen thuộc ở gần đó giao hàng. Khi đổ xong hàng thì tiếp tục quay trở lại hút cát. Cái vòng tròn ấy cứ diễn ra suốt ngày lẫn đêm. Cả khúc sông La đục ngầu dài hàng chục cây số qua địa bàn huyện Đức Thọ ngày này qua ngày khác luôn là một đại công trường.
Cụ Nguyễn Thị Hợp (80 tuổi, ở xóm 3, xã Trường Sơn) cho biết, nạn khai thác cát hoành hành ở đây lâu lắm rồi. Vừa rồi, huyện và một số xã có đầu tư kinh phí tiền tỷ xây dựng tuyến kè bê tông, đá hộc vùng gần cầu Thọ Tường. Tuy nhiên, nếu cứ để họ khai thác cát tràn lan như thế này thì trước sau bờ sông cũng sẽ bị sạt lở mất thôi.
Làm gì để chấn chỉnh?
Thống kê sơ bộ từ các địa phương trên cho thấy, mỗi ngày “cát tặc” lấy đi từ các dòng sông ở Hà Tĩnh hơn 5.000m³ cát, tại Quảng Bình khoảng 5.400m³ cát. Cộng cả Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, khoảng chừng 20.000m³ cát bị lấy đi ở các dòng sông. Mỗi khối cát có trị giá 180.000 đồng thì giá trị của 20.000 khối cát là con số không hề nhỏ. Và các địa phương hiện rất lúng túng xử lý việc này.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về mặt hành chính đã ra 10 văn bản chấn chỉnh khai thác cát sạn nhưng tình trạng vẫn không khả quan. Tại Quảng Bình, có đến 188 tàu thuyền khai thác cát lậu thu lợi bất chính mỗi ngày nhưng chính quyền chưa có biện pháp mạnh khiến người dân kêu ca sạt lở mất đất, địa phương xã không đủ sức để đẩy đuổi.
Để chấm dứt vấn nạn khai thác cát lậu trái phép tràn lan kéo dài trên các dòng sông, các cấp chính quyền và ngành chức năng của các địa phương trên cần phải vào cuộc đồng bộ quyết liệt hơn nữa, kết hợp với biện pháp xử phạt thật nặng những đối tượng cố tình vi phạm. Đồng thời cần xem xét mức hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tài nguyên cát sạn bị lấy đi mỗi ngày hàng chục ngàn mét khối, gây ra bao hệ lụy cho cảnh quan và đời sống dân sinh hàng vạn hộ dân bai bên bờ sông.
MINH PHONG - VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG
Sông Krông Ana sạt lở vì “cát tặc” Trong thời gian qua, sông Krông Ana lại tiếp tục sạt lở vì “cát tặc”. Tại đoạn sông Krông Ana chảy qua xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) và xã Yang Ré (huyện Krông Bông), nhiều tàu hút cát của Hợp tác xã Giang Sơn và Nam Sơn ngang nhiên cắm vòi hút cát. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản cấm các giàn khoan hút cát trên sông Krông Ana, thế nhưng lúc này vẫn có 4 giàn khoan đang hút cát tại đây khiến nhiều đoạn sông Krông Ana bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản- Sở TN-MT Đắk Lắk, cho biết: Trên đoạn sông Krông Ana chảy qua địa phận huyện Cư Kuin, Krông Bông và Krông Ana, tỉnh đã cấp phép cho 5 đơn vị khai thác cát giữa lòng sông. Nhưng nhiều tàu cát của họ lại đưa vòi vào gần bờ hút cát, làm bờ sông bị sạt lở. “Chúng tôi cũng biết điều đó, nhưng khi đi kiểm tra thì họ biết tin và cho tàu ra giữa lòng sông. Chỉ khi nào cảnh sát môi trường của tỉnh mai phục mới bắt quả tang được những tàu cát vi phạm”, ông Thiềm cho hay. CÔNG HOAN |