Theo dự báo của ngành khí tượng-thủy văn và NN-PTNT các tỉnh miền Trung, khả năng hạn hán gay gắt sẽ diễn ra vào cuối vụ đông-xuân và đầu vụ hè-thu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, những giải pháp chống hạn đã và đang được các địa phương quyết liệt triển khai.
Dân lo lắng
Dọc sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam), dù mới đầu năm nhưng nước đã cạn khô. Những cánh đồng dọc bờ sông khô khốc dưới cái nắng chang chang bất thường của miền Trung. Bà Đặng Thị Mười (thôn Song Bình, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) đứng bên đám đậu, thở than: “Năm ngoái mưa ít quá, thủy điện lại chặn trên đầu nguồn nên nước sông cạn khô. Nông dân chúng tôi trồng hoa màu ở triền sông lo ngay ngáy. Nếu nắng nữa, sông cạn thêm thì mấy sào hoa màu này chỉ có héo”.
Mùa mưa năm 2014 mưa ít nên mới đầu năm 2015, các hồ chứa ở miền Trung mực nước rất thấp.
Trong khi đó tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), những cánh đồng dọc sông Liêng thỉnh thoảng có những đám ruộng bị bỏ hoang, mặt ruộng đã khô trắng đất. Hỏi ra mới hay đó là do đợt lũ năm 2013, vùng này bị cát và đá trên núi trôi xuống bồi lấp, phá hỏng hết các hệ thống kênh mương nên nước đã ít lại không giữ được đành bỏ hoang.
Dọc theo sông Trà Khúc, tuyến sông của Quảng Ngãi được chắn bởi hệ thống đập dâng Thạch Nham, bình thường mọi năm người dân trồng lúa nước. Nhưng vụ đông-xuân năm nay, họ chuyển đổi qua trồng bắp và đậu ngắn ngày.
Bà Huỳnh Thị Học (56 tuổi) ở xã Sơn Hạ (huyện Sơn Hà) đang vun những luống bắp xanh ngút tầm mắt, cho biết giống bắp không cần nhiều nước, lại ngắn ngày nên thu hoạch xong có thể trồng gối vụ loại cây khác. Chứ nếu trồng lúa như mọi năm thì đã mất trắng rồi, vì lúa chưa làm đòng mà đã không có nước tưới.
Nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lo hạn hán thiêu cháy ruộng đồng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ngược ra các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị tình trạng cũng không khả qua hơn khi vừa ăn tết xong, bà con đã bắt đầu lo nạo vét kênh mương để dẫn nước về những thửa ruộng mới gieo sạ được hơn một tháng, vì sợ nếu lúa chuẩn bị trổ bông nhưng thiếu nước hạt sẽ lép hết.
Triển khai nhiều giải pháp
“Năm nay, trước dự báo hiện tượng El Nino xảy ra sớm, bắt đầu từ những tháng cuối năm 2014, khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015 với cường độ trung bình so với các đợt El Nino đã xuất hiện trong 50 năm gần đây, hạn hán cho vụ sản xuất 2014-2015 sẽ còn cao hơn” - ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Quảng Ngãi, nhận định.
Theo ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, hiện ngành nông nghiệp tỉnh này đang có phương án lo chống hạn vào cuối vụ đông xuân đầu vụ hè thu bằng việc tuyên truyền nhân dân tiết kiệm nước. Nạo vét thông thoáng kênh mương, sửa chữa các trạm, máy bơm để chống hạn. Đồng thời, theo dõi thời tiết bất lợi sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua bắp, đậu…
Theo ông Văn, các hồ chứa hiện đã đầy nước. Tuy nhiên dù số lượng hồ nhiều (119 hồ chứa) nhưng dung tích chỉ đạt 120 triệu m³. Nếu không mưa, nắng nóng kéo dài thì cuối vụ đông xuân là hết nước. Sở NN-PTNT cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 25 tỷ đồng để triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Tại Quảng Nam, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Do mùa mưa năm ngoái ít, các hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh chỉ chứa nước ở mức trung bình so với hàng năm. Với lượng nước hiện nay chỉ đủ phục vụ cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu chắc chắn thiếu nước, hạ du sẽ nhiễm mặn. Ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan triển khai ngay các phương án chống hạn. Theo đó, ngay từ đầu vụ đông xuân, các địa phương thực hiện chính sách tiết kiệm nước. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn hoặc sử dụng ít nước tại các vùng sản xuất có nguy cơ thiếu nước.
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam luôn đối diện với hạn hán và nạn xâm nhập mặn. Vì thế năm nào Quảng Nam cũng mất nhiều tỉ đồng để đắp đập và triển khai các biện pháp chống hạn.
Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Bên cạnh đó, ngày 28-2 tới, Sở NN-PTNT ra quân đắp đập ngăn mặn tại các cửa sông để giữ nước và chống xâm nhập mặn. Đề phòng khả năng khô hạn diễn ra trên diện rộng phạm vi toàn tỉnh Bình Định trong các tháng mùa khô 2015 cũng đã được đặt ra ngay đầu năm.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định: “Chúng tôi đang chống hạn dựa trên quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh do Chính phủ ban hành”.
Trong khi đó, “Để đảm bảo thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, tỉnh Quảng Trị sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác trên đất lúa chuyển đổi, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về tình hình hạn hán và sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng kinh phí thực hiện phương án chuyển đổi dự kiến gần 14 tỷ đồng” - ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Cùng với các địa phương khác, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quyết định hỗ trợ kinh phí để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh trích ngân sách trên 17 tỷ đồng từ nguồn kinh phí trung ương bổ sung, có mục tiêu hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở NN-PTNT để nạo vét, sửa chữa sông ngòi, kênh mương, nâng cấp hồ chứa nước, đập dâng phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn.
HÀ MINH - NGUYÊN KHÔI - VĂN THẮNG