Miền Trung: “Cú hích” các khu kinh tế

Khép lại năm 2010 được cho là “không thuận” trong thu hút đầu tư, các khu kinh tế (KKT) tại miền Trung đang hối hả cho những kế hoạch đón đầu và thu hút các dự án lớn trong năm 2011. Để tạo lực hút, các KKT đã hoàn thiện môi trường hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng...  Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp, lấy các KKT làm hạt nhân đang được minh chứng từ thực tiễn, đã trở thành đòn bẩy trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở miền Trung.
Miền Trung: “Cú hích” các khu kinh tế

Khép lại năm 2010 được cho là “không thuận” trong thu hút đầu tư, các khu kinh tế (KKT) tại miền Trung đang hối hả cho những kế hoạch đón đầu và thu hút các dự án lớn trong năm 2011. Để tạo lực hút, các KKT đã hoàn thiện môi trường hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng...  Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp, lấy các KKT làm hạt nhân đang được minh chứng từ thực tiễn, đã trở thành đòn bẩy trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở miền Trung.

  • Hiệu quả cao

Năm 2007, tỉnh Bình Định chính thức bắt tay vào xây dựng KKT Nhơn Hội. Lúc đó, những ai giàu trí tưởng tượng cũng khó mường tượng chỉ 3 năm sau, thay vào những động cát trắng đến lóa mắt, những vạt đồi bạt ngàn bạch đàn, sim mua dại ấy lại hình thành một KKT có hạ tầng kỹ thuật vững vàng và thuận lợi đến như vậy.

TS Man Ngọc Lý, Trưởng BQL KKT Bình Định cho rằng việc này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với Nhơn Hội, và cũng minh chứng “tham vọng” biến KKT này thành hạt nhân tăng trưởng, một “Hồng Kông - bên hông Quy Nhơn” trong tương lai. 3 năm, Nhơn Hội đã kịp khoác lên mình “tấm áo” mới, thu hút 32 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.500 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 495,7 triệu USD. Có 4 dự án đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và đóng góp một phần ngân sách không nhỏ cho tỉnh Bình Định.

“Mỗi KKT đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Khó so sánh được với nhau, nhưng rõ ràng các KKT này đang đóng vai trò rất tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách và giải quyết lao động tại chỗ” - ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng BQL KKT Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết. Bằng chứng, sau gần 15 năm thành lập, Dung Quất đã đem về 113 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, tạo ra hơn 12.000 việc làm.

Sự phát triển nhanh chóng của KKT Dung Quất đã tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó thu ngân sách năm 2010 đạt hơn 16.500 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005. Kế hoạch thu ngân sách năm 2011 gần 18.500 tỷ đồng. Đây được xem là giai đoạn chứng kiến sự phát triển bứt phá của tỉnh Quảng Ngãi ở một số chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm 18,66%; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 58,1%, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng từ 30% năm 2005 lên 58,95% năm 2010.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện (giữa) giới thiệu với Phó Thủ tướng CHDCND Lào Bounnhang Vorachith (thứ 2 từ phải sang) về KKT Nhơn Hội. Ảnh:VĂN LƯU

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện (giữa) giới thiệu với Phó Thủ tướng CHDCND Lào Bounnhang Vorachith (thứ 2 từ phải sang) về KKT Nhơn Hội. Ảnh:VĂN LƯU

“Mỗi năm qua đi, các KKT lại thêm một tuổi. Sự lớn lên, cùng những bước đi vững chắc đã khẳng định chủ trương cho thành lập các KKT ven biển tại miền Trung của Đảng, Chính phủ rất đúng đắn”, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ.

5 năm, cũng là chặng đường phát triển của KKT Chân Mây-Lăng Cô (CM-LC), với “đặc sản” là những dự án du lịch tầm quốc tế. Ở đó, dự án “nổi đình đám” nhất giữa năm 2009 - “dự án tỷ đô” - Laguna Huế do tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư trên diện tích 280ha đã tổ chức động thổ với 7 khu khách sạn cao cấp, 2.000 phòng, hơn 1.000 villa, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf… sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào quý 2 năm 2012.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là một trong 37 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.017 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD; trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 USD, 24 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 10.395 tỷ đồng, đã cho thấy sức hấp dẫn của khu kinh tế CM-LC.

  • Vẫn là “mũi nhọn”

Trong các nghị quyết HĐND các tỉnh, thành miền Trung thông qua tại kỳ họp cuối năm 2010, hầu như địa phương nào cũng đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp. Và đương nhiên, các chỉ tiêu ấy khi được xác lập, đích ngắm đầu tiên vẫn là các KKT. Chính vì vậy, tài khóa năm 2011, cũng ưu tiên một phần ngân sách không nhỏ cho việc đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư.

“Mục tiêu đến năm 2015, trên địa bàn KKT Nhơn Hội, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 20% và kim ngạch xuất khẩu chiếm 10% so với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh” - TS Lý cho biết thêm.

Trong năm 2011 Bình Định sẽ tập trung giải phóng mặt bằng để hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng: Vĩnh Hội, Hải Giang, Linh Phong… và hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm của KKT Nhơn Hội nhằm phục vụ hai dự án quan trọng sẽ được triển khai trong năm nay là Dự án Nhà máy lọc dầu - Nhà máy nhiệt điện công suất giai đoạn 1: 3 triệu tấn/năm) do Công ty TNHH STFE và Công ty Lọc hóa dầu Rayong (Thái Lan) làm chủ đầu tư và Dự án Nhà máy nhiệt điện có công suất 700 MW, sau đó sẽ nâng thêm công suất phù hợp với thực tế.

Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: KKT Dung Quất tiếp tục khẳng định vai trò của một KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm phát triển công nghiệp lọc dầu-hóa dầu-hóa chất và công nghiệp nặng. Mục tiêu đến năm 2015, thu hút 15 tỷ USD, vốn thực hiện 10 tỷ USD, giải quyết việc làm 25.000 lao động, thu ngân sách hơn 25.000 tỷ đồng

HÀ MINH-HOÀNG TRỌNG-VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục