Miền Trung: Dân trồng rừng điêu đứng sau bão

Tư thương ép giá
Miền Trung: Dân trồng rừng điêu đứng sau bão

Nông dân tham gia trồng hàng trăm ngàn hécta keo lai ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang điêu đứng khi rừng keo lai bị bão cuốn đổ. Nỗi lo chồng chất khi số rừng trồng bị đổ đó bị tư thương ép giá.

Đoàn xe chở gỗ keo lai nối đuôi tại Khu kinh tế - Lăng Cô - Chân Mây chờ được vào Nhà máy chế biến dăm gỗ. Ảnh: VĂN THẮNG

Đoàn xe chở gỗ keo lai nối đuôi tại Khu kinh tế - Lăng Cô - Chân Mây chờ được vào Nhà máy chế biến dăm gỗ. Ảnh: VĂN THẮNG

Tư thương ép giá

Dọc miền Tây các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình, ngoài bạt ngàn cao su là bạt ngàn rừng thông và keo lai bị ngã đổ sát đất. Đến nay, những rừng keo lai vẫn chưa thu dọn hết, bởi người dân ngoài việc khắc phục hậu quả nhà cửa chưa xong thì khó để ý đến rừng rú, tài sản khác. Nhiều nông dân cho biết, tư thương trước đây vào tận vườn keo trên đồi ngã giá và thu hoạch với giá tốt, có lãi thì nay họ chẳng màng đến.

Ông Nguyễn Văn Đồng ở huyện Lệ Thủy nói: “Nhà tui làm được 5ha rừng keo, được 4 tuổi, vài năm nữa cắt bán cũng khá lắm, keo tốt, mỗi hécta được 50 triệu đồng, keo xa đường, phải dùng máy xúc mở đường vô núi cũng mất 30 - 40 triệu đồng mỗi hécta. Nhưng chừ, họ chỉ trả chưa tới chục triệu đồng mỗi hécta, vì họ chê cây non, gãy đổ lâu ngày đã khô như củi”. Hiện Quảng Bình có diện tích rừng keo lai và thông bị ngã đổ khoảng trên 30.000ha, chủ yếu do các hộ dân tự trồng. Tư thương ngoài việc ép giá ra còn không thu hoạch như trước đây mà nông dân phải tự cắt để tư thương tới thu gom.

Có mặt tại các địa phương thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn hécta keo bị bão quật gãy la liệt, ngổn ngang khắp núi rừng. Trước tình cảnh trên, người dân mong sớm giải quyết hậu quả để trồng lại đợt keo mới. Tuy nhiên, điều dở khóc dở cười là nhiều thương lái lắc đầu không mua vì keo cỡ “cổ tay” quá nhiều, khiến hàng trăm người dân đứng ngồi không yên. Không chỉ vậy, số keo 5 - 6 năm tuổi, người dân bán được thì phải đầu tư tiền thuê máy cày, công nông đưa keo từ rừng ra đường lớn và nhân công cắt cây với giá cao hơn 1,5 lần so với ngày thường, đồng thời chỉ bán với giá khoảng 800.000 - 850.000 đồng/tấn.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết, sau 2 cơn bão số 10 và 11, toàn tỉnh có hơn 10.000ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai bị gãy ngã. Việc tiêu thụ số keo này cùng một lúc là rất khó vì sức  mua của các nhà máy có hạn. Các huyện đang cố can thiệp với nhà máy, đề nghị không giảm giá mua, giúp người dân phần nào vượt khó sau thiên tai. Tuy nhiên, việc này cũng không hề đơn giản vì nhà máy mua keo chế biến liền chứ không dự trữ. Ông Bài cho biết thêm, trước tình cảnh này, biện pháp duy nhất là người dân cố gắng khắc phục số keo 1 - 3 năm tuổi bằng cách dọn dẹp, phá bán được cây nào hay cây đó để sớm trồng lại lứa keo mới. Riêng số keo 4 - 5 năm tuổi thì người dân tập trung khai thác bán dần, không còn cách nào khác.

Quá tải

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có trên dưới 10 nhà máy chế biến dăm gỗ nhưng trên quốc lộ 1A mấy ngày qua lại xuất hiện những xe tải hạng nặng chất đầy gỗ keo lai từ các tỉnh nói trên ì ạch nối đuôi nhau Nam tiến rồi xếp hàng dài tại khu vực cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) ngóng đợi bán hàng. Thì ra, các nhà máy dăm gỗ tại các tỉnh nói trên thu mua keo lai để chế biến liền chứ không dự trữ nên không có cách nào giải quyết hết cùng một lúc hàng triệu tấn gỗ keo lai bị quật đổ trong bão.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ đại lý thu mua gỗ keo lai tại Quảng Bình, cho biết: “Hiện các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ tại khu vực cảng Hòn La đều không thể tiếp nhận thêm nguyên liệu vì không có chỗ dự trữ. Các chủ đại lý thuê xe tải hạng nặng vận chuyển gỗ keo lai dự định đưa vào xuất bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ tại khu vực cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Nhưng giá keo lai tại đây thấp hơn các nhà máy khu vực cảng Chân Mây đến 100.000 đồng/tấn. Tôi quyết định đưa vào khu vực cảng Chân Mây bán hàng”. Nhưng không phải riêng ông Minh mà hàng trăm người khác thuê xe chở hàng vào Huế đã khiến 3 nhà máy chế biến dăm gỗ tại khu vực cảng Chân Mây bị quá tải.

Hiện tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 3 nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu xuất khẩu khoảng 3.000 - 4.500 tấn/ngày (chủ yếu keo lai) để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng sau các cơn bão số 10, 11 bình quân mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn gỗ nguyên liệu đưa về các nhà máy chờ bán. Ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty cổ phần PISICO Huế, cho biết, đơn vị xác định đây là khó khăn chung của người trồng rừng nguyên liệu, nên dù chất lượng gỗ nguyên liệu có giảm sút do một phần cây keo còn non chưa đến kỳ thu hoạch do bị gãy đổ vì bão, nhưng công ty chấp nhận lợi nhuận thấp hơn để vẫn tiếp tục duy trì ổn định giá thu mua nguyên liệu như trước bão là 1.080.000 đồng/tấn.

Việc làm này đã góp phần giải quyết khó khăn cho người dân trồng rừng nguyên liệu và giúp giữ ổn định giá thu mua nguyên liệu trên thị trường. Nhưng hiện mỗi ngày, công ty này chỉ thu mua vào hơn 1.600 tấn do năng lực bốc dỡ hạn chế của cảng Chân Mây, hiện cảng chỉ có 1 cầu cảng duy nhất, thiết bị bốc dỡ thiếu thốn, các nhà máy phải trực tiếp đầu tư băng tải ngay tại cầu cảng để đảm bảo thời gian cho các tàu vào chuyên chở.

Song thực tế, thời gian gần đây, lượng tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây khá lớn, khi tàu du lịch vào, tàu hàng phải dạt ra nằm chờ, mọi chi phí tại cảng tăng lên đã đành nhưng làm chậm việc giải quyết hàng hóa tồn đọng ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu cho nông dân. Ngoài ra, khi thời tiết có gió cấp 5, cấp 6, cảng không có đê chắn sóng nên tàu không thể vào cảng vì vừa sợ hỏng tàu và sợ hư cầu cảng… Thực tế hiện nay, cảng Chân Mây mỗi năm hàng hóa thông quan qua cảng khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn, đã vượt quá khả năng thiết kế khoảng 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Hiện các nhà máy tại Huế vẫn thu mua với gỗ nguyên liệu từ 1.050.000 - 1.080.000 đồng/tấn bằng với giá trước bão. Nhưng nhiều đầu nậu đã tung tin gỗ hạ giá để ép giá của người trồng rừng. Không chỉ keo lai, mà nông dân các địa phương trên còn rơi vào cảnh túng bấn khi gỗ cao su, gỗ thông, gỗ bạch đàn bị bão quật ngã hàng chục ngàn hécta cũng đang bị tư thương ép giá khiến cuộc sống lao đao

MINH PHONG - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục