Miền Trung - Giải pháp an cư với lũ?

Bài 1: Nhà khoa học “chân đất” chống lũ!
Miền Trung - Giải pháp an cư với lũ?

Bài 1: Nhà khoa học “chân đất” chống lũ!

Lũ ư? Miền Trung năm nào mà không có lũ, ít thì 1 - 2 cây, có năm liên miên 5 - 10 cây lũ. Điều quan trọng là phải có điều kiện để vượt qua lũ, sinh sống trong lũ. Cảm nhận lạc quan từ phía người dân là như vậy. Còn từ phía chính quyền, không ít những công trình dân sinh, công trình chống lũ đầu tư từ ngân sách vẫn cứ triển khai theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi”!

Lũ dữ nhấn chìm nhà cửa, người dân miền Trung ao ước có lửa, có nước sạch, có gạo lại có rau ăn... để duy trì sự sống. Từ nhu cầu thực tiễn, một số cá nhân đã mày mò sáng chế ra các vật dụng nấu chín, uống sôi, sấy lúa... giữa mùa lũ lụt. Họ được tôn vinh là những nhà khoa học chân đất.

  • Bếp lửa di động

Sau trận lũ lớn kéo dài từ ngày 15 đến 20-10 vừa qua, chúng tôi trở lại thôn Giáp Trung, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, nơi được xem là rốn lũ tại Thừa Thiên - Huế. Sông Bồ hết lũ đã 4 ngày, nhưng đường làng ngõ xóm ở đây vẫn ngập nước. Những bậc cao niên cho biết, nhờ chiếc bếp di động “Lão Thơ” sáng chế mà Giáp Trung kỳ này chống lũ đỡ cực. Hỏi ra mới hay, Lão Thơ tên thật là Phan Văn Thơ, năm nay 62 tuổi. Bằng kinh nghiệm thực tiễn người dân vùng thấp trũng Giáp Trung, ông đã dùng chiếc thau nhôm, cho vỏ trấu và vài thanh củi vào trong rồi kê lên đó chiếc kiềng sắt để đun nấu.

Lũ sông Bồ vượt báo động 2, nền nhà xăm sắp nước. Ông Thơ lấy chiếc bếp di động và bao củi chuẩn bị sẵn đặt lên mặt giường đã kê cao bằng gạch giữa nhà. Vợ và các con di dời đồ đạc đi tránh lũ ở mấy nhà cao tầng trên xóm chợ về lại nhà thì bữa cơm ngày lũ cũng được ông nấu nướng xong. Ông Thơ chia sẻ: “Đường cùng làm liều, chứ sáng chế gì! Nhà không có gác lửng nên mỗi lần mưa lụt, cả nhà lại tay xách nách mang bồng đi ở nhờ. Nhưng lũ chồng lũ, nhà tui có đến 7 miệng ăn thì nhà ai kham nổi... Bếp di động hay bếp nổi cũng để tiện cho gia đình có cái đun nấu tối thiểu cho các bữa ăn ngày lũ”.

Ông Phạm Văn Thơ huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng chế bếp đun nấu trên mặt nước. Ảnh: Văn Thắng

Ông Phạm Văn Thơ huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng chế bếp đun nấu trên mặt nước. Ảnh: Văn Thắng

Hiện tại, những hộ dân nằm trong diện di dời tránh lũ tại địa phương đều tự trang bị cho gia đình mình một chiếc bếp di động để được ăn chín uống sôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát trong và sau mưa lũ.

Về TP Huế, chúng tôi hay tin, chất lượng nước lũ sau quy trình xử lý của 3 học sinh lớp 11B6 Trường THPT Đặng Trần Côn đã được Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên - Huế phân tích và đánh giá: Mọi thông số môi trường đều đạt quy chuẩn về kỹ thuật chất lượng nước, có thể đưa vào phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân vùng nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch.

Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, Trương Văn Hòa, cho biết, với sự giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên môn Sinh) và cô Nguyễn Thị Năm (giáo viên môn Hóa) đã bắt tay vào thực hiện đề tài khoa học “Xử lý nước sau lũ ở nông thôn”. Nước lũ xử lý qua phèn chua, gạn lấy nước trong hòa với mủ cây chuối sứ trong vòng 30 phút lại gặn lấy nước trong ngâm với than củi rồi lọc qua một lớp bông để lấy nước sạch. Với tỷ lệ 20g phèn chua/m³ nước, 50g nước ép từ cây chuối sứ hòa với nước đã lọc qua phèn chua. Cuối cùng, đổ nước đã lọc qua lớp than củi với tỷ lệ 50 - 100g than củi/5 lít nước.

3 học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn (TP Huế) thực hiện đề tài “Xử lý nước sau lũ” tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Văn Thắng

3 học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn (TP Huế) thực hiện đề tài “Xử lý nước sau lũ” tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Văn Thắng

  • Lò sấy lúa bằng đất

Mưa lũ từ đầu tháng 10-2011 diện tích lúa bị ngập úng lâu ngày không thu hoạch được, hàng vạn tấn lúa nông dân gặt chạy lũ đưa về nhà không có nắng phơi hong, nảy mầm và bốc mùi hôi thối. Trong cái khó, ló cái khôn, nông dân Cao Văn Hướng (thôn Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã sáng chế ra lò sấy lúa từ những vật liệu đơn giản. Anh Hướng dùng tre trong vườn nhà đóng lại thành khung hình chữ nhật rỗng với chiều dài 3m, rộng 2m, rồi dùng bùn đất phết kín (trừ một lỗ nhỏ bằng hai mặt bàn tay để đưa chất đốt).

Tiếp đó, sử dụng lưới mắt cáo chăng ngang mặt trên phết xi măng cát một lớp dầy khoảng 2 - 3cm. Đưa chất đốt như rơm rạ và củi khô vào lò đốt và hun bằng quạt. Lúa mới thu hoạch đưa lên mặt lò hong sấy chẳng mấy chốc đã ráo vỏ. Nhờ đó, lúa thu hoạch trong mưa lũ không bị nảy mầm, giảm cấp. Hiện mô hình lò sấy của anh Cao Văn Hướng đang được người dân trong vùng học hỏi, làm theo và đem lại hiệu quả.

Sau 2 năm cần mẫn với sự giúp đỡ của Viện Tài nguyên Môi trường và công nghệ sinh học (Đại học Huế), mô hình trồng rau trên giá đỡ của nông dân xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bước đầu phát huy hiệu quả. Mô hình thực hiện bằng một giá đỡ cố định bằng bê tông hoặc cọc gỗ cao 1m so với mặt đất nhằm chống ngập úng do lũ lớn từ đầu nguồn ập về. Trên giá đỡ đặt tấm tôn cũ, rải lớp đất dày khoảng 25cm để trồng rau, phía trên đầu có vòm che lưới ni lông.

Ngoài việc chủ động về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đất và không khí khi thời tiết diễn biến thất thường, mô hình này còn là nơi ươm cây giống ngay trong mùa mưa lụt, giúp nông dân chủ động nguồn cây giống. Năng suất cao hơn nhờ rau được che chắn, giảm tác động của tự nhiên. Thời gian sinh trưởng và phát triển 25 ngày, ngắn hơn cách trồng rau thông thường 4 - 5 ngày. Lượng phân bón giảm, chủ yếu dùng phân vi sinh nên hạn chế được thiệt hại do các loài sâu bệnh, côn trùng gây ra và trồng được nhiều loại rau theo hướng sản xuất rau an toàn. Đặc biệt, rau trồng mùa mưa lụt, thị trường khan hiếm nên lãi ròng gấp từ 2 - 3 lần so với các vụ rau thông thường...

  • Đóng thuyền, kết bè, xây nhà chạn... vượt lũ

10 xã vùng ngoài đê La Giang (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn phải đối mặt với lũ lớn nguy hiểm. Vì thế, để sẵn sàng sống chung với lũ, nhà nào cũng chủ động mua sắm thuyền ba ván, có chạn gỗ kiên cố trên mái nhà để làm nơi dự trữ lương thực, thức ăn khô, nước uống, đảm bảo sinh hoạt trong nhiều ngày. Đặc biệt, người dân đã có sáng kiến rất độc đáo là làm nhà “chạn” dành cho đàn gia súc, gia cầm tránh lũ.

Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình có thể xây nhà chạn quy mô khác nhau (trung bình 15 - 50 triệu đồng/nhà). Nhà được xây làm 2 tầng, dựa trên kết cấu 4 cột bê tông kiên cố, diện tích mặt sàn bê tông rộng 15 - 25m², cao 3 - 4m. Tầng dưới, bố trí chuồng trại chăn nuôi khi không có lũ, tầng trên bố trí làm nơi cất giữ thức ăn dự trữ, tài sản, lương thực, cho gia súc lên tránh lũ. Theo thống kê, đến nay 14 huyện Đức Thọ đã làm mới gần 1.000 ngôi nhà chạn tránh lũ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBMTTQ xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, là vùng rốn lũ, toàn xã có 600 hộ dân, khoảng 3.300 nhân khẩu, ngoài phương án 4 tại chỗ, gần đây nhất nhân dân trong xã tiếp tục sáng kiến mô hình làm nhà bè nổi để sống chung với lũ. Cứ mỗi chiếc nhà bè được kết từ 7 - 20 chiếc thùng phuy nhựa rỗng, ở trên lát gỗ, dựng cột và lợp bằng bạt hoặc tấm lợp (với giá 3 - 4 triệu đồng/nhà), toàn bộ lương thực, đồ dùng được cất giữ đảm bảo an toàn.

Năm này qua năm khác, chiếc “đòn gánh” miền Trung đều phải oằn mình gánh chịu bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những sáng kiến từ thực tiễn của từng địa phương miền Trung để sống chung với lũ cần được chính quyền có chính sách đầu tư nghiên cứu, phổ biến và hỗ trợ nhân rộng.

Nhóm PV


Bài 2: Đối phó trước mắt hay “chung sống” lâu dài

Lũ về, hàng chục ngàn nhà dân ở miền Trung bị nhấn chìm; hàng ngàn hộ dân phải dắt díu nhau chạy lũ lúc nửa đêm... Hình ảnh ấy diễn ra năm này qua năm khác. Làm gì để người miền Trung an sinh trong mùa mưa lũ? Đâu đó hàng trăm dự án, công trình chống lũ, ngăn mặn, chống sạt sông lở núi, các khu tái định cư vùng lũ... được nhắc đi nhắc lại mỗi khi lũ về rồi vẫn “kẹt” lại đó sau mỗi mùa mưa lũ.

  • Sống trên miệng “hà bá”

Trong lúc xảy ra cơn lũ tháng 10 vừa qua, chúng tôi tìm đến những hộ dân sống ven sông Túy Loan (thuộc xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng). Tại khu chợ Túy Loan cũ, nước sau lũ vẫn còn chảy xiết, tiếp tục va đập vào nhà các hộ dân gần mố cầu, đất nền bị nước khoét sâu tạo thành những hàm ếch nguy hiểm. Nhiều ngôi nhà kiên cố không biết sẽ bị “hà bá” nuốt chửng lúc nào.

Đêm 18-10, nhà bà Huỳnh Thị Long tiếp tục bị sạt lở gian nhà dưới... Người dân chỉ lo thoát thân, cứu lấy mạng sống, còn vật dụng sau nhà mặc nước cuốn trôi... Ông Đặng Tuấn chỉ tay vào khu nhà bếp nằm chỏng chơ dưới dòng sông, than thở: “Tôi ở đây gần 70 năm rồi mà chưa có năm nào nước lũ sông Túy Loan lại uy hiếp khủng khiếp như vậy. Sống như thế này, không ai còn tâm trí đâu mà làm ăn”... Chỉ tính riêng khu vực này đã có trên 20 hộ dân đang bị uy hiếp đến tính mạng và tài sản, thế nhưng đến thời điểm này chính quyền vẫn chưa biết di dời người dân đi đâu do không có kinh phí cũng như nơi tái định cư.

Ở tỉnh Quảng Nam, hiện có trên 2.000 hộ dân sống dọc theo triền sông Thu Bồn, Vu Gia cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tất cả chỉ mong được di dời đến nơi an toàn để “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Sở NN-PTNT tỉnh này, cho rằng: Biết nguy hiểm đang đe dọa người dân nhưng lấy tiền đâu ra (?).

Một thực tế tréo ngoe đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành miền Trung. Trong khi các hộ dân ở phía Tây đường quốc lộ 1A bị nước lũ ngập nhà, còn những hộ dân phía Đông chẳng thấy lũ đâu. Nguyên nhân, tuyến quốc lộ 1A từ khi nâng cao mặt đường đã trở thành “đê” chắn lũ, không cho lũ thoát về vùng hạ lưu.

Còn ở Bình Định, trước khi chưa có tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, dòng lũ trên sông Hà Thanh có thể chảy ra biển rộng đến 7.000m thì nay chỉ còn lại 2.500m tại cầu Thị Nại và hơn 680m tại 5 nhịp cầu Hà Thanh.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Hầu hết các công trình xây dựng hạ tầng đều tính đến phương án tiêu thoát lũ nhưng chưa cụ thể, chưa hợp lý. Chẳng hạn như công trình xây dựng Trường Đại học Quang Trung ở phường Nhơn Phú, mặc dù đã có phương án tiêu thoát lũ nhưng trong năm 2010, nhiều hộ dân quanh công trình này vẫn bị ngập, xói lở bất thường do dòng chảy của lũ đã thay đổi”.

  • Nỗi lo còn đó

Một thực tế đang và chắc chắn sẽ còn diễn ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung là tình trạng di dời dân ở vùng sạt lở, vùng trũng thấp đến nơi an toàn vẫn tiếp tục với tốc độ … rùa bò.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2011, tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng 8 khu tái định cư do sạt lở bờ biển, lở núi. Tổng vốn đầu tư cho các dự án trên khoảng 27 tỷ đồng để tái định cư cho 487 hộ dân có nơi ở ổn định. Thế nhưng, tất cả các khu dân cư trên đều còn “nằm trên giấy”, bởi không có kinh phí. Còn tại Bình Định, hiện có 104.968 khẩu/25.844 hộ đang nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm. UBND tỉnh xác định trước mùa mưa bão năm nay phải di dời 2.478 hộ nhưng đến cuối tháng 8-2011 chỉ mới có 557 hộ được di dời. Nhiều khu tái định cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng rất ít hộ dân chịu dời đến ở vì nơi ở mới không có ruộng đất để người dân sản xuất sinh sống.

Ở Thừa Thiên - Huế, hiện có khoảng 1.140 hộ/5.735 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ và biển xâm thực. Từ sau cơn bão số 6 và các đợt bão lũ liên tiếp năm 2007, đến nay tình hình xâm thực bờ biển diễn ra phức tạp với tổng chiều dài 7,8km. Đặc biệt sạt lở nặng trên 300m, sâu từ 10-20m, bờ biển khu vực làng Thái Dương Hạ uy hiếp tính mạng 100 hộ dân sinh sống tại khu vực này, đồng thời có nguy cơ mở cửa biển mới thông vào phá Tam Giang. Địa phương đang xem xét xây dựng khu tái định cư cho họ. Liệu rằng việc “xem xét” này kéo dài bao lâu nữa?

  • Những kinh nghiệm cần chia sẻ

UBND tỉnh Quảng Bình đang tính đến phương án di dời xã Tân Hóa lên vùng cao hơn tránh tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

UBND tỉnh Quảng Bình đang tính đến phương án di dời xã Tân Hóa lên vùng cao hơn tránh tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Quảng Bình là địa phương liên tiếp hứng chịu những trận lũ nặng nhất ở miền Trung nên “trong cái khó ló cái khôn”. Tiêu biểu là làng tránh lũ Khe Su (Hưng Trạch, Bố Trạch). Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết đã có gần 200 hộ dân vùng Thanh Lâm thường xuyên bị ngập lụt được chuyển đến khu tránh lũ Khe Su. Tại nơi ở mới, mỗi hộ gia đình được cấp 400m² đất làm nhà ở, 3.500m² đất sản xuất; ngoài ra còn được nhà nước hỗ trợ thêm 10 triệu đồng di dời và 1 triệu đồng để đào giếng khơi lấy nước sinh hoạt. Dự án làng vượt lũ Khe Su có tổng diện tích 120ha được triển khai xây dựng tháng 6-2010, với tổng số vốn gần 14 tỷ đồng từ nguồn vốn di dời dân khẩn cấp của Chính phủ.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, trước khi triển khai dự án tái định cư dân vạn đò sông Hương, chính quyền sở tại rất khó khăn trong việc tìm kiếm các công trình xây kiên cố, phục vụ công tác di dời. Không những thế, 1.069 hộ vạn đò với hơn 7.000 nhân khẩu di dời một lúc đâu phải dễ, đó là chưa tính đến việc tìm vị trí khuất gió để neo đậu thuyền bè.

Ngoài việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm tại các khu tái định cư, lãnh đạo tỉnh còn thể hiện quyết tâm bằng việc thực hiện chủ trương, xây dựng khu tái định cư có bến neo đậu tàu thuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ khi lên bờ muốn duy trì nghề cũ như đánh cá, khai thác cát sạn; còn những hộ dân lên bờ sống bằng nghề buôn bán, đạp xích lô, xe thồ… được bố trí tại khu tái định cư nhà chung cư hay nhà liền kề kiên cố. Hộ mua nhà hoặc nhận đất tự xây nhà, ngoài việc được hỗ trợ 15 triệu đồng, còn được hỗ trợ 15% kinh phí mua nhà, phần còn lại được trả góp, không tính lãi trong vòng 10 năm (nhà liền kề) và 30 năm (nhà chung cư).

Đặc biệt, những hộ dân có trên 10 nhân khẩu hay 3 gia đình chưa tách hộ sẽ được cấp thêm một suất ưu tiên... Dự án hoàn thành vào cuối năm 2010 đã giúp Thừa Thiên - Huế giải quyết được bài toán đảm bảo tính mạng an toàn cho hơn 7.000 người dân trong thiên tai bão lũ.

Một trong những nét mới vào đầu mùa lũ 2011 là quy trình vận hành liên hồ (bao gồm cả hồ thủy điện và hồ thủy lợi) được áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, cho biết các hồ chứa thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như: Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4… đã chấp hành rất tốt và đúng yêu cầu quy trình vận hành liên hồ, trong đó rất chú trọng đến mức lũ ở vùng hạ du.

Ông Lê Đình Bản, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC), cho biết: Quy trình vận hành liên hồ giúp công tác dự báo lượng mưa, mực nước của AVC chính xác hơn, từ đó căn cứ vào mực nước lũ vùng hạ du để điều tiết. 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục