Trong khi chính quyền và người dân các tỉnh Bắc miền Trung đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua, ngày 15-10, mưa lớn liên tục xảy ra trên diện rộng, phổ biến từ 50 - 100mm, riêng tại Hà Tĩnh có nơi trên 200mm. Đến chiều tối 15-10, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lên mức báo động 2, báo động 3; riêng lũ trên các sông ở Hà Tĩnh lên trên báo động 3. Dự báo, trong ngày 16-10, lũ trên các sông này sẽ tiếp tục lên.
- Hà Tĩnh: Mưa to làm lở núi
|
Từ chiều 14 đến 15-10, tỉnh Hà Tĩnh lại liên tiếp xuất hiện nhiều trận mưa vừa, mưa to đến mưa rất to (trung bình từ 200 - 238,7mm) gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.
Đặc biệt tại huyện miền núi Hương Sơn đã xảy ra một trận lũ quét khiến 16/32 xã nằm ở vùng thấp trũng dọc hai bên sông Ngàn Phố với hơn gần 7 vạn dân đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Nhiều khu vực tại vùng 4 thượng nguồn của huyện Hương Sơn với hơn 3 vạn dân cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở núi nghiêm trọng, hiện UBND huyện Hương Sơn đã cho sơ tán khẩn cấp 30 hộ dân với gần 100 nhân khẩu tại xã Sơn Kim 1, 2 ở vùng nguy hiểm nhất đến nơi an toàn. Lúc 6 giờ 10 phút, em Đoàn Hiệp Đồng, SN 1996 (học sinh lớp 9, Trường THCS Thủy Mai, ở xóm Cao Sơn, xã Sơn Thủy) trên đường đến trường học bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi, hiện thi thể đã được tìm thấy.
Tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn đã xảy ra một vụ lở núi nghiêm trọng. Vào khoảng 3 giờ 30 phút sáng 15-10, tại khu vực núi Rú Giặc, thuộc địa phận xóm Hoàng Nam, xã Sơn Tây, một góc núi (khoảng 150m3 đất đá) nằm gần tuyến quốc lộ 8A, bất ngờ đổ ào xuống vườn nhà ông Lê Văn Bường, rất may không ảnh hưởng về người và tài sản.
- Hàng ngàn nhà dân bị ngập
Ngày 15-10 mưa kéo dài tại Tuyên Hóa, Lệ Thủy khiến lũ sông Gianh lên xấp xỉ báo động 3, sông Kiến Giang nước tiếp tục lên cao. Đã có hàng ngàn hộ dân bị ngập lụt trở lại. Tại huyện Tuyên Hóa, mưa lũ đang chia cắt lại 10 xã dọc sông Gianh phía thượng nguồn. Trong khi đó 9 xã phía Nam sông Gianh của huyện Quảng Trạch đã bị cô lập hoàn toàn.
Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết: “Chính quyền địa phương đã dùng trống, phèng la để đánh báo động di dân chạy lũ. Đã có hơn 1.800 hộ dân với hơn 4.000 khẩu phải di dời”. Căng thẳng nhất là hàng ngàn hộ gia đình mất hết lương thực nay lũ lên lại phải chịu cảnh đói, trong khi hàng cứu trợ chỉ chống đói được vài ngày vừa qua.
Tại xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), chính quyền xã phải di dời khẩn cấp 70 nhân khẩu bản Tăng Hóa chạy lũ ống khi mưa to đã chia cắt bản này với các khu dân cư còn lại. Các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy lũ đã cô lập hàng ngàn người dân Vân Kiều.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch xã Sơn Trạch (Bố Trạch), cho biết: “Mưa rất to, nước lên rất nhanh, xã khẩn cấp di dời hơn 2.000 người chạy lũ, công lao khắc phục trận lũ trước đã bị cơn lũ mới nhấn chìm”. Trong khi đó hai xã Thượng Trạch, Tân Trạch (Bố Trạch) có hàng ngàn người Ma Coong, A Rem sinh sống hoàn toàn không liên lạc được do đường 20 bị lũ vây.
- Thừa Thiên - Huế: Lốc xoáy làm 5 người chết và bị thương
Lúc 15 giờ ngày 15-10, một cơn lốc xoáy rất mạnh quét qua địa phận bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 60 nhà dân, trong đó 37 nhà bị sập hoàn toàn. Đặc biệt, cơn lốc đã làm 1 người dân thiệt mạng là ông Trần Văn Me (80 tuổi), đồng thời khiến 4 người khác bị trọng thương, trong đó có 2 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Ngoài ra, lốc xoáy cũng làm gãy đổ ít nhất 15 ha cao su của người dân địa phương và nhiều diện tích cây trồng khác. Do bản Hạ Long gần khu vực rào cống, cạnh thượng nguồn sông Ô Lâu nên nước tràn về nhanh khiến thôn này hoàn toàn bị cô lập.
Ngày 15-10, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cho các quận Hòa Vang, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang triển khai việc mua các loại nhu yếu phẩm… tập kết về các nhà cộng đồng tránh lũ để sẵn sàng di dời dân tại những vùng trũng thấp đến ở trong những ngày xảy ra lũ lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẵn sàng di dời trên 500 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 300 - 600mm, có nơi trên 600mm. Dự báo mực nước của các sông ở Quảng Nam sẽ lên báo động 2 đến báo động 3. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên thông báo cho tàu thuyền trên biển. Chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn xảy ra. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện trong quá trình vận hành xả lũ phải phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và các UBND địa phương ở hạ du để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du
NHÓM PV