Miền Trung lại lao đao vì tôm

* Phác đồ trị bệnh sữa trên tôm hùm

* Phác đồ trị bệnh sữa trên tôm hùm

Hàng trăm hộ nuôi tôm tại các tỉnh miền Trung lại đang lao đao vì tôm chết. Nhiều hồ nuôi thả đúng lịch thời vụ nhưng tôm vẫn chết.

Ông Nguyễn Lân (52 tuổi), chủ hồ nuôi tôm ở xã Tam Phú, Tam Kỳ (Quảng Nam), nhìn xuống mặt hồ nuôi tôm màu xanh lơ, không một tiếng động, than thở: “Gần 100.000 tôm thẻ chân trắng thả nuôi vụ đầu trên 30 ngày bỗng dưng chết nổi trắng hồ. Chưa thu hoạch nhưng đã cầm chắc lỗ gần 20 triệu đồng rồi”. Ông Lê Văn Hùng, ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, cũng đang lo lắng không kém vì tôm của ông cũng bắt đầu chết hàng loạt. Ông Hùng cho biết đã thả 1,5 triệu con tôm giống trong 2ha hồ nuôi, tổng cộng chi phí đầu tư vụ này khoảng 300 triệu đồng. Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 30 ngày nữa sẽ thu hoạch nhưng gần đây tôm cứ chết rải rác theo đợt, chẳng đêm nào ông ngủ được.

Xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 60 ha diện tích ao hồ, trong đó diện tích mặt nước hồ nuôi tôm bị chết hàng loạt chiếm hơn 50 ha. Sự cố này bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 1 tháng và đang tiếp diễn. Vụ tôm này, gia đình bà Lê Thị Hoa ở thôn Thu Xà, thả nuôi 8 sào (0,4 ha) với 20 vạn tôm chân trắng. Tôm đã trên 2 tháng tuổi nhưng nhiễm bệnh rồi chết dần. Đây là vụ thứ 2 liên tiếp xảy ra tình trạng này, khiến gia đình bà Hoa lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Không riêng người nuôi tôm ở xã Nghĩa Hòa, nông dân ở khắp 5 xã phía Đông của huyện Tư Nghĩa là Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Hà, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp cũng đang chịu chung tình trạng tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Theo ông Trần Tấn, Phó phòng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa: Diện tích nuôi tôm trong vụ 1-2012 theo đúng lịch thời vụ của 5 xã phía Đông là 150ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng tôm chết hàng loạt trên diện tích khoảng 100ha. Chưa bao giờ, hiện tượng này lại xảy ra nhiều như năm nay. Xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mất trắng 65ha nuôi tôm do bị bệnh gan, tụy, đốm trắng… 260ha nuôi tôm xen ghép với cá đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua.

Nguyên nhân tôm chết hàng loạt chủ yếu là do ngộ độc cấp tính, đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình. Trước đó, tại tỉnh Quảng Bình đã có gần 19 ha nuôi tôm của người dân bị chết hàng loạt, nguyên nhân chủ yếu là do ngộ độc cấp tính gây hoại tử gan tụy trên diện tích 13 ha, số diện tích tôm chết còn lại được xác định do bệnh đốm trắng, tập trung chủ yếu ở hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch.

Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình yêu cầu những hộ dân có ao nuôi có tôm bị chết đã thu hoạch không vội thả giống ngay mà phải vệ sinh ao hồ thật kỹ, nạo vét bùn đáy, phơi ao từ 5-7 ngày; bón vôi để nâng độ PH lớn hơn hoặc bằng 9,5; xả nước ngâm ao, hồ từ 2 đến 3 ngày, thau, rửa để giảm các chất độc hại trong bùn đáy ao; không sử dụng hóa chất cấm, thuốc có nguồn gốc bảo vệ thực vật để xử lý nước. Đối với tôm giống phải mua ở những cơ sở có uy tín, chất lượng, tuyệt đối không mua giống trôi nổi, không có giấy kiểm dịch và không sử dụng các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc có hoạt chất Cypermethrin, Deltamethrin... thuộc nhóm Pyrethroid (thuốc bảo vệ thực vật), các loại thuốc và hóa chất mới, lạ chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vừa công bố kết quả thử nghiệm phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm tại hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Theo Cục Thú y, bệnh sữa trên tôm hùm xuất hiện ở các tỉnh miền Trung từ cuối năm 2007 và bùng phát thành dịch từ năm 2008, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Từ cuối tháng 2-2012 đến nay, bệnh sữa có dấu hiệu quay trở lại ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Riêng tại tỉnh Phú Yên có hơn 7.550 lồng trong số hơn 24.200 lồng nuôi tôm hùm từ 6 đến 10 tháng tuổi bị bệnh, chủ yếu là tôm thương phẩm làm chết gần 500.000 con, chiếm từ 20% đến 30% số lượng thả nuôi, trong đó nặng nhất là thị xã Sông Cầu với 7.000 lồng làm chết khoảng 390.000 con.

Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6-2012, Cục Thú y đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Trường Đại học Nha Trang, ngành thú y hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và các chuyên gia đầu ngành về thủy sản tiến hành thử nghiệm 3 phác đồ điều trị. Kết quả thử nghiệm cho thấy, với cả 3 phác đồ tỷ lệ tôm hùm sau khi điều trị có biểu hiện hết dấu hiệu lâm sàng cao như: tôm có cơ bụng trong trở lại, lột xác được, khả năng hoạt động và bắt mồi trở lại bình thường. Qua đó, Cục Thú y đưa ra kết luận: Trong điều trị bệnh sữa cho tôm hùm cần dùng thuốc Oxytetraxylin 20% pha theo tỷ lệ 1ml thuốc với 9ml nước cất tiêm cho tôm với liều lượng 0,1ml/100g tôm; kết hợp với bổ sung thuốc bổ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Cục Thú y kiến nghị có thể dùng Doxycylin trộn với thức ăn cho tôm hùm, kết hợp với thuốc bổ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền và tập huấn phác đồ điều trị, kỹ thuật tiêm cho người nuôi; tăng cường giám sát vùng nuôi và báo cáo tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Cục Thú y.

H. Minh - V. Thắng - P. Trung

Tin cùng chuyên mục