Liên tiếp các đợt bão lũ vừa qua đã đẩy hàng ngàn người dân làm nghề trồng hoa, cây cảnh ở miền Trung vào cảnh khốn khó. Những làng trồng hoa, cây cảnh, nhất là hoa cúc đại đóa, quất và mai cảnh tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Định bị bão lũ quật nát. Nông dân miền Trung đứng trước một cái tết buồn.
Tả tơi làng quất cảnh
Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm về làng trồng quất ở xã Cẩm Hà, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Chỉ còn hơn tháng nữa là đến tết, nhưng làng trồng quất Cẩm Hà buồn đến lạ. Những nhà vườn trồng quất cảnh ở Cẩm Hà phủ màu lá vàng úa.
Bà Nguyễn Thị Hiệp (thôn Bàu Ốc thượng, xã Cẩm Hà) ngồi thẩn thờ trước vườn quất lá vàng úa, thở than: “Nhà tui trồng được 200 chậu quất bán tết nhưng cơn bão 11 ập tới quật ngã hết hơn 150 chậu, số còn lại cũng bị lung lay gốc rồi suy kiệt; tiếp đến nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ số quất cảnh bị vàng lá. Mặc dù gia đình đã bổ sung nhiều phân, thuốc… nhưng cũng chỉ cứu được vài chục chậu là kịp bán tết…”.
Cạnh nhà bà Hiệp, ông Lê Phụng trồng 500 chậu quất cảnh, thế nhưng hơn 350 chậu bị bão quật, vỡ chậu. Đang dọn dẹp mớ chậu vỡ chất thành đống, ông Phụng buồn rầu: “Mấy năm trước, giờ chừ biết mình lời được bao nhiêu rồi, còn năm ni đã thấy mất vốn. Trồng được 500 chậu mà bão làm hư hết hai phần, số còn lại phải tốn nhiều công, phân bón, thuốc,… chăm bẵm nhưng không biết có ra chi không? Làm cả năm, bão tới là sạch vốn”.
Ở TP Hội An, còn có hàng trăm hộ với khoảng 200.000 chậu quất bị mưa bão dập tơi tả.
Mai cảnh, cúc chậu... chung số phận
Không chỉ quất cảnh bị thiệt hại nặng bởi bão lũ, hàng trăm hộ dân trồng hoa cúc đại đóa, mai cảnh ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Định cũng cùng chung số phận.
Ở xã Cẩm Hà, nhiều hộ dân trồng quất cảnh đã xen canh các loại giống hoa ngắn ngày như cúc đại đóa, ly ly, lan, huệ…, trong đó cúc đại đóa trồng nhiều nhất, để “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy nhiên, nhiều đợt lũ liên tiếp vừa qua đã làm ngập úng và hư hại gần như toàn bộ diện tích trồng cúc đại đóa nơi đây.
Chị Đặng Thị Quyên (thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà) cầm ống nước gắn xoa tưới cho sào hoa cúc đại đóa mới nhú khỏi mặt đất, lo lắng: “Tui gieo giống lần ni là lần thứ 2 rồi đây, lần trước mưa bão làm ngập úng, hư hại hết trơn rồi. Chừ gieo lại biết là trễ bán tết nhưng phải làm, làm để bán rằm tháng Giêng chứ không thì mất vốn. Mấy ngày ni thấy trời lạnh và sương mù tui lo quá, mưa thêm nữa là hư sạch”.
Không thảm hại như ở Hội An, người trồng hoa ở TP Đà Nẵng tại xã Hòa Châu, Hòa Phong (huyện Hòa Vang), phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu),… cũng bị mưa bão làm hư hại nhưng không đáng kể. Nhưng điều lo lắng nhất của người trồng hoa cúc chậu ở đây là dịch bệnh tấn công. Ông Nguyễn Quang Khải (Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) mấy tuần rồi liên tục bón phân và phun phân bón lá cho 1.000 chậu cúc của mình vì bệnh vàng lá và có nguy cơ bị sâu bệnh tấn công.
Ông Khải cho biết, ông đầu tư 60 triệu đồng để trồng 1.000 chậu cúc tại một khoảnh đất thuê trên đường 30-4. Mấy tháng qua mưa bão triền miên làm vỡ chậu, rụng lá, hư rễ khiến người trồng hoa lo lắm. Bão số 11 vừa rồi làm vỡ 100 chậu hoa cúc, ông mất hơn chục triệu, số còn lại bị gió và mưa kéo dài nên năng suất năm nay chắc chắn giảm nhiều. “Năm ni người trồng hoa sẽ lỗ hoặc hòa vốn. Bão vô làm hư hại hoa, cây cảnh một phần, phần khác người dân bị bão lũ triền miên nên kinh tế suy giảm, dẫn đến sức mua giảm. Cứ năm nào có bão lũ nhiều là năm đó nghề trồng hoa, cây cảnh cũng khốn khó theo”.
Trong khi đó, đợt bão lũ cuối tháng 11 vừa qua cũng làm hàng trăm hộ dân trồng mai cảnh tại Tuy Phước và An Nhơn (tỉnh Bình Định) bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, cơn lũ giữa tháng 11 vừa qua đã làm hư hại phần lớn chậu mai cảnh khiến nhiều nhà vườn điêu đứng.
| |
NGUYÊN KHÔI