- Hơn 700 tàu thuyền còn nằm trong vùng nguy hiểm
(SGGP).- Chiều 27-10, Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây Nguyên, cho biết: Đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã thông báo vào kêu gọi được 46.900 tàu/155.399 lao động vào trú tránh bão hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 8. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 724 tàu/4.997 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm.
Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 8, trong ngày 27-10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Đến chiều 27-10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế lên nhanh và tiếp tục lên trong ngày 28-10. Trong đợt lũ này, các sông trong khu vực Trung Trung bộ có khả năng xuất hiện lũ với đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ở mức BĐ2 đến BĐ3; các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ở mức BĐ1, có sông trên BĐ1.
Khẩn trương đối phó bão, lũ
Đến 18 giờ 30 tối 27-10, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy anh Võ Văn Hường (SN 1964, trú xóm Tân An, xã Tân Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Trước đó, khoảng 11 giờ 30 ngày 26-10, anh Hường làm thuyền trưởng tàu NA 90071 đang trên đường chạy vào bờ tránh bão, do bất cẩn đã rơi xuốn biển. Mặc dù được 7 thuyền viên trên tàu và các tàu bạn phát hiện kịp thời, tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể anh Hường.
Sáng 27-10, tại tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa rất to trên diện rộng, đặc biệt tại các cửa biển huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Lộc Hà gió bắt đầu thổi mạnh, sóng biển có thời điểm đánh cao 3-4m. Thị sát công tác phòng chống bão số 8 tại huyện Lộc Hà và Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCBL Trung ương Cao Đức Phát lưu ý các địa phương cần phải quản lý chặt chẽ tàu thuyền, nghiêm cấm các phương tiện ra khơi, thường xuyên kiểm tra công tác PCLB, chủ động phương án bảo vệ sản xuất… Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai phương án sơ tán khẩn cấp 15.069 hộ dân với 53.155 nhân khẩu của các khu vực xung yếu nguy hiểm thuộc huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh… đến nơi trú ẩn an toàn.
Ngày 27-8 UBND tỉnh Quảng Bình đã cử 3 đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh về các địa phương kiểm tra tình hình phòng chống bão lũ, chỉ đạo hộ dân tích trữ lương thực, thực phẩm từ 5-7 ngày tới do lũ có thể cô lập bất cứ lúc nào. Suốt ngày 27-10 mưa lớn trên diện rộng tại Quảng Bình đã diễn ra khiến một số địa phương bị ngập cục bộ ở miền tây các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Tại 100 hồ chứa nước lớn nhỏ đã được cắt cử người túc trực 24/24 giờ đề phòng vỡ đập, lũ quét.
Tại Quảng Trị, người dân lo nhất tình trạng thủy điện Đakrông hiện chưa hàn khẩu được khu vực vỡ khoang vai trái. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông, địa phương có 47 đập dâng và 3 đập thủy điện, cho biết, các xã sẵn sàng di dời trên 700 hộ dân và đang chỉ đạo xả hết các phai ngăn đập, không cho tích nước làm ảnh hưởng đến đập, đến hồ trong giai đoạn này.
Tính đến 14 giờ chiều 27-10, 100% di tích thuộc quần thể di sản cố đô Huế đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế gia cố bằng giá gỗ đỡ và ràng buộc thêm dây thừng, thép buộc chắc chắn. Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cho học sinh các cấp nghỉ học từ sáng 27-10 đến khi bão tan.
Mực nước Thủy điện Sông Tranh 2 chưa cao
Suốt đêm qua TP Đà Nẵng có mưa to, gió lớn kéo dài. Lượng mưa đo được ở Đà Nẵng là 79mm. Tại dọc các con đường ven biển như: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa… ngư dân đã khẩn trương đưa tàu thuyền, thúng chai lên tập kết trên bờ để tránh bão. Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), hàng trăm tàu cá công suất lớn của các tỉnh miền Trung đã vào neo đậu trú bão an toàn.
Tại Quảng Nam, từ ngày 26 đến 27-10 có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trên địa bàn huyện có mưa nhỏ, lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 không cao, ngày 27-10 vẫn ở mức 139m. Đây là điều đáng mừng vì nếu mưa lớn xảy ra, nước nguồn về hồ nhanh thì có nguy cơ gây động đất lớn.
Cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu V - phối hợp với UBND huyện Đại Lộc và UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam), đi kiểm tra công tác PCLB tại Thủy điện A Vương. Theo đó, Công ty thủy điện A Vương siết chặt quy trình vận hành thủy điện tại những thời điểm có bão lũ, giữ mực nước của hồ chứa hiện tại ở mức an toàn là 344m, so với mực nước tràn bình thường là 380m. Công ty mua 1.000 áo phao cấp phát cho người dân các huyện Đại Lộc, Đông Giang, xây dựng đài thông tin sóng ngắn để thông báo tình hình lũ lụt đến nhân dân…
| |
Nhóm PV