(SGGPO).- Sáng 18-11, lũ trên các triền sông tại Thừa Thiên- Huế đã rút. Học sinh quay trở lại trường lớp tiếp tục học tập, người dân lại trở về nhà thu dọn đồ đạc, ổn định cuộc sống sau lũ.
Tại TP. Huế, nước lũ để lại một lớp bùn non có chỗ dày đến hàng chục phân trên các tuyến đường thấp trũng. Công ty Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình giao thông tỉnh đã huy động tối đa nhân công, máy bơm nước cùng hàng ngàn người dân sống bên đường dọn đi hàng ngàn mét khối bùn.
Trong khi đó, tại các huyện vùng thấp trũng như Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền lũ rút chậm nhưng với phương châm, lũ rút đến đâu vệ sinh môi trường ngay đến đó để hạn chế các loại bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy lây lan. Người dân cùng hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đoàn thanh niên, lực lượng xung kích địa phương, các đội y tế lưu động tiến hành khử trùng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống và thu gom rác thải và bùn nhão trên đường, khu dân cư sau khi lũ rút.
Tính đến 10 giờ sáng 18-11, Thừa Thiên- Huế đã có 7 người chết, 2 người mất tích và 1 bị thương. Hơn 500 hộ với 2.502 nhân khẩu tại TP. Huế và các huyện vùng ven nằm trong vùng thấp trũng, ngập lụt phải di dời tránh lũ đã di chuyển đổ đạc về nhà, tiến hành vệ sinh nhà cửa khi lũ rút. Bốn điểm sạt lở nặng trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện A Lưới đã được khắc phục và thông vào cuối ngày 17-11.
Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn lại bị ngập lụt sạt lở đang được các đơn vị giao thông đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, gia cố để giao thông được thông suốt.
Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp địa phương 1.000 tấn gạo, 500 tấn lúa giống, 1000 áo phao phục vụ cứu hộ và cứu sinh, 2 tàu 240CV chạy bằng dầu dilzen và 7 ca nô cao tốc 85CV. Hỗ trợ 50 tỷ đồng để khắc phục hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, công trình nước sạch và sạt lở vì mưa lũ.
Trong khi đó, Bộ Y tế vừa quyết định cấp khẩn cấp cho địa phương 200 ngàn viên Cloramin B và 30 cơ số thuốc để phòng dịch bệnh bùng phát trong và sau lũ. Sở Y tế và bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị phương tiện và thành lập các đội y tế cơ động trực 24h/24h, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân gặp nạn trong và sau mưa lũ. Đồng thời, cử cán bộ về các địa phương hướng dẫn các cơ sở y tế tuyến dưới giúp dân xử lý môi trường, nguồn nước ô nhiễm sau lũ nhằm hạn chế dịch bệnh.
UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xuất kho hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng rốn lũ trên địa bàn 500 tấn gạo, 10 tấn mì tôm, 200 tấn giống và 3 tấn hạt rau. Lãnh đạo tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến phức tạp của mưa lũ, tình hình các hồ chứa nước, thuỷ điện để kịp thời thông báo cho các địa phương chủ động đối phó.
Văn Thắng
Phú Yên: Lũ lớn nhanh tại huyện Đồng Xuân
Sáng 18-11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Phú Yên cho biết, trong chiều và đêm nay lũ trên các sông trong tỉnh đạt báo động xấp xỉ cấp II đến trên cấp III. Trong 12 giờ tới, nước sông Ba tại Củng Sơn là 30,5m, dưới mức báo động II là 1,5m, sông Đà Rằng tại Phú Lâm là 2m, dưới mức báo động II là 0,7m, sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 9,6m ở mức trên báo động III là 0,1m…
Tại huyện Đồng Xuân, do liên tục có mưa to nên đến chiều hôm qua cầu tràn sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3) ngập sâu gần 1m, tuyến ĐT642 từ xã Xuân Quang 3 đi Xuân Phước bị tê liệt. Xã Xuân Sơn Bắc lại bị cô lập hoàn toàn. Tối qua, gần 100 hộ dân ở xóm Giữa thuộc khu phố Long Châu, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) đã chủ động sơ tán.
Đầu giờ chiều 17-11, hai anh em ruột là Nguyễn Minh (1972), Nguyễn Văn Long (1976) và người cháu là Phạm Đình Lanh (1976), cùng trú ở xóm An Vũ, thôn Phú Hội (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) đang chài cá ở Bãi Dài (xã An Ninh Tây) thì bị sét đánh. Anh Minh bị sét đánh chết ngay tại chỗ. Sau khi sự việc xảy ra, Đồn Biên phòng 348 đã điều động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện cùng với người nhà của nạn nhân sang Bãi Dài để chuyển thi thể của nạn nhân về nhà.
13 giờ 30 ngày 17-11, mưa lớn đã khiến một lượng đất đá khoảng 150m³ từ trên núi đổ xuống, lấp một nửa mặt đường quốc lộ 1A tại km1293+750 thuộc xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu. Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã huy động lực lượng dọn dẹp lượng đất đá sạt lở này để các phương tiện có thể lưu thông hai chiều.
Hà Thanh
| |
Bình Định: Lũ dâng cao ở nhiều nơi
Sáng ngày 18-11, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to, đặc biệt là tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ… Đến 4 giờ sáng cùng ngày, mực nước trên sông Lão tại An Hòa là 23,1m, trên mức báo động II 0,1m, sông Lại Giang tại Bồng Sơn 7,06m, tương đương mức báo động II, sông Kôn tại Bình Tường 24,1m, dưới mức báo động III 0,4m…
Hầu hết các tuyến tỉnh lộ ĐT 629 từ Bồng Sơn đi An Lão qua các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ đã ngập trong nước lũ. Tuyến đường ĐT 630 từ Bồng Sơn đi Hoài Ân cũng ngập trong nước từ 0,5m - 1m gây ách tắc giao thông. Hiện lực lượng Công an, Thanh niên xung kích đã chốt chặn tại các đoạn đường bị ngập không cho người qua lại. Các khu dân cư dọc theo vùng trũng của sông An Lão và sông Kim Sơn trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có trên 1.600 nhà dân đã bị ngập sâu trong nước hơn nửa mét.
Tuyến tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Phù Cát và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn khu đông 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục bị lũ chia cắt nhiều đoạn. Các xã ven đê khu đông phía đông nam huyện Phù Cát và phía đông huyện Tuy Phước tiếp tục bị ngập chìm trong lũ từ 0,5m đến 1m. Tại huyện vùng cao An Lão, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã đã di dời 65 hộ dân ở các vùng bị ngập sâu tại xã An Hòa đến nơi an toàn. Trong ngày hôm qua và sáng nay, nhiều trường ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ Bình Định, 147 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có dung tích thiết kế hơn 125 triệu m³ đến chiều 17-11 đã tích được hơn 121 triệu khối, đạt hơn 96% dung tích thiết kế và hầu hết các hồ nước đã qua tràn. Từ chiều hôm qua, hồ Định Bình điều tiết nước qua cống, xả mặt và xả đáy với lưu lượng 1.393m³/s, hồ Núi Một xả 34m³/s.
Đến sáng ngày 18-11 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 4 người bị lũ cuốn chết. Đó là các nạn nhân: Dương Thị Diễm (17 tuổi - ở thôn Thạnh Danh, Nhơn Hậu, An Nhơn), Nguyễn Văn Phụng (34 tuổi - ở thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây, Hoài Ân), Đặng Văn Huân (29 tuổi - ở thôn Vạn Hội I, xã Ân Tín, Hoài Ân), Huỳnh Tự (60 tuổi - ở thôn Linh Chiểu, xã Ân Phong, Hoài Ân).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Định, ngày và đêm nay 18-11 khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to, nên mực nước trên các triển sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh, khả năng có lũ ở mức báo động cấp 2, cấp 3, có nơi lên trên báo động cấp 3.
Hoàng Trọng
Quảng Ngãi: Thiệt hại tiếp tục tăng
Sáng 18-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đợt mưa, lũ từ ngày 15-17/11, toàn tỉnh có 5 người chết và 3 người mất tích, 24 người bị thương; hơn 10 ngàn ha hoa, màu và lúa bị thiệt hại; 11 đập dâng bị hư hỏng, 8.200 m kênh mương bị hư hỏng, hơn 50 ngàn m3 đất, đá bị sạt lở, bồi lấp trên các tuyến kênh; hơn 4000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông có 5 cầu cống kiên cố bị hư hỏng, 11 cầu tạm bị cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập, sạt lở gây tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra có 40 nhà bị sập đổ, 29 nhà bị hư hỏng, 9.939 nhà bị ngập nước; 4 trường học bị hư hỏng; 2 tuyến nước sinh hoạt tại huyện Trà Bồng và Tây Trà bị hư hỏng, khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 2000 m³, hơn 10.000 giếng nước bị ngập lụt… Ước tổng thiệt hại khoảng 230 tỷ đồng.
Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến sáng nay, hai huyện Sơn Tây, Tây Trà vẫn đang bị cô lập do tuyến đường lên các huyện này bị sạt lở vẫn chưa được khai thông.
Hà Minh
>>Tập trung ứng cứu dân bị thiên tai