Miền Trung: Mưa lũ gây sạt lở, chia cắt nhiều nơi

* Áp thấp nhiệt đới liên tục đổi hướng, đề phòng mưa lũ lớn

Ngày 7-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lớn liên tục trong 2 ngày qua khiến nhiều tuyến đường vào trung tâm các xã Pa Nang, A Vao, Ba Lòng... (huyện Đakrông) bị ngập sâu, chia cắt.

Lực lượng chức năng tiến hành khắc phục sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 588A đoạn qua địa bàn huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Lực lượng chức năng tiến hành khắc phục sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 588A đoạn qua địa bàn huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Mưa lớn cũng đã làm sạt lở đất đá tại Km5+690 tỉnh lộ 588A khiến giao thông bị ách tắc từ chiều 6-10. Sáng 7-10, lực lượng chức năng cùng phương tiện được huy động khắc phục điểm sạt lở, tạm thời lưu thông một chiều.

Trong khi đó, tại huyện Hướng Hóa, mưa lớn khiến một số cầu tràn ở các xã Thanh, Ba Tầng, Húc bị ngập cục bộ, giao thông ách tắc. Riêng tại xã Thuận, mưa lớn làm mực nước sông Sê Pôn dâng cao khiến cho các cầu bản 2, bản 3 và một số vị trí khác trên tuyến đường vào các xã vùng Lìa bị ngập từ 0,5m đến gần 1m. Hiện xã đã bố trí lực lượng chốt trực tại các ngầm, tràn hướng dẫn, không cho người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (trực thuộc Cục Quản lý đường bộ 2, Bộ GTVT), cho biết, qua rà soát, xác định trên tuyến quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có 7 điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở taluy dương mỗi khi mưa kéo dài. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chi cục Quản lý đường bộ II.3 đã chủ động, sẵn sàng các phương án, bố trí các loại vật tư, thiết bị, phương tiện… dự phòng tại các vị trí xung yếu trên tuyến quốc lộ 8A, để xử lý nhanh nhất khi có sự cố sạt lở.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), thông tin, Tân Hóa là rốn lũ sâu nhất huyện Minh Hóa nên người dân đã chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, đồ đạc, áo quần… vào 620 nhà phao (đủ sức chứa hơn 3.000 nhân khẩu).

* Chiều 7-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài việc Sở Công thương chủ động dự trữ 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo, các địa phương cũng dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm trong 7 ngày.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) đã vận hành điều tiết hồ Tả Trạch qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần 250-350m3/s, để hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất +25m. Đồng thời thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng vận hành đảm bảo mực nước tại trạm Kim Long không vượt mức +1,7m.

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đến chiều 7-10, tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nằm ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ đạt cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trung tâm và các cơ quan cảnh báo thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi nhận định về hướng di chuyển của ATNĐ này. Dự báo trong 24 giờ, từ chiều 7-10, ATNĐ di chuyển chậm, chủ yếu theo hướng Tây Bắc (khoảng 5-10km/giờ) và có khả năng cao mạnh thành bão. Đến chiều 8-10, tâm bão hoạt động ở vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), đạt cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm với tốc độ 5km/giờ, đổi hướng sang Bắc - Tây Bắc...

Dự báo, đến ngày 8-10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; ở Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên mưa 50-100mm. Từ ngày 9-10 đến 12-10, mưa lớn mở rộng ra Bắc Trung bộ và Đông Bắc bộ. Tại các tỉnh phía Nam, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh, từ ngày 7-10 đến 9-10, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to tập trung vào chiều tối (lượng mưa phổ biến 60-80mm).

mTổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin, ngày 7-10, 164 tàu đã ra khỏi khu vực ảnh hưởng của ATNĐ; 60 tàu với 480 lao động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa đang di chuyển để thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311 của Thủ tướng; không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm, tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh bão có phương án đảm bảo an toàn với dịch Covid-19; tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh ATNĐ (bão).

Đồng thời, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là ở khu vực ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian mưa bão lũ. Di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu; có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu. Sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp.

Tin cùng chuyên mục