Miền Trung ngổn ngang trước mùa mưa bão - Bài 1: Làng trôi

LTS: Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành thì mùa mưa bão năm nay dự báo đến sớm sẽ thêm gánh nặng cho các tỉnh miền Trung. Tình thế buộc các địa phương phải một lúc làm nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó, nhiệm vụ cần làm ngay là lên kịch bản đối phó mùa mưa bão sắp đến. Nhóm phóng viên Báo SGGP ghi nhận thực tế tại các vùng xung yếu ở miền Trung nhằm cảnh báo về hàng loạt vấn đề tồn tại trước mùa mưa bão.
Triều cường đe dọa làng biển Hòa An (Phú Yên). Ảnh: NGỌC OAI
Triều cường đe dọa làng biển Hòa An (Phú Yên). Ảnh: NGỌC OAI

Nhiều ngôi làng dọc dải miền Trung đã treo bên họng hà bá hàng chục năm qua. Mỗi khi mưa lũ đổ về, người dân ngày qua ngày sống thấp thỏm, phó mặc cho sự may rủi của trời đất.

Hút cát - nát làng

Cứ nghe đài báo có bão lũ là hàng trăm hộ dân sống dọc theo sông Bồ thuộc địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) lại đứng ngồi không yên vì sợ nhà cửa bị xô sạt xuống sông. Dọc sông Bồ, thời gian này xuất hiện hàng chục đoạn sạt lở mới nghiêm trọng, có nơi sạt lở sâu 5-7m, tấn công vào sát vách nhà dân.

Sông Bồ bị sạt lở ngày càng nặng là do nạn hút cát lòng sông. Đứng cạnh ngôi nhà của gia đình đang bị dòng sông Bồ ngoạm sâu, bà Nguyễn Thị Thanh (thị xã Hương Trà) hoang mang nói: “Chỉ cần nghe đài báo bão hoặc lũ lên là cả nhà tôi lại tay xách nách mang vào giữa làng tìm nhà kiên cố xin trú ẩn. Sạt lở như ri diễn ra hơn 6 năm rồi, năm sau nặng hơn năm trước, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm, khắc phục”.

Ngược ra Hà Tĩnh, chúng tôi được người dân thôn Quyết Tiến và thôn Đông Đoài (xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) đưa đi thực tế tại một số điểm sạt lở nặng nề bên sông La. Đến cánh đồng giáp thôn Quyết Tiến và thôn Đông Đoài, nhiều diện tích đất sản xuất sát bờ sông bị sụp lún, sạt lở đổ sập hẳn xuống lòng sông. Phía trên, những vách đất bị ngoạm sâu khoét hàm ếch đang chờ đổ sập bất cứ lúc nào. Sụp lún, sạt lở đất lan rộng, đe dọa đến hệ thống kênh mương, trạm bơm thủy lợi ở gần đó đang phục vụ tưới tiêu cho gần 100ha lúa của xã Bùi La Nhân.

Từ xã này chạy dọc khoảng 20km đến hai bên bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa phận xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ), dân làng cũng đang kêu cứu về tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở tại thôn Vĩnh Yên không những gây nguy hiểm cho mố cầu treo Chợ Bộng nối liền huyện Đức Thọ và huyện Vũ Quang mà còn đe dọa an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua cầu hàng ngày.

“Sạt lở nặng ở sông Ngàn Sâu có nguyên nhân chính là nạn hút cát lòng sông. Nhiều năm qua, người dân khiếu kiện khắp nơi nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Bây giờ, mong chính quyền sớm can thiệp ngăn chặn cát tặc, chứ không vài năm nữa đất đai sản xuất, nhà cửa của chúng tôi sẽ bị cuốn trôi hết xuống sông”, cụ bà Bùi Thị Tâm, 73 tuổi, thôn Quyết Tiến, lo lắng.

Cùng cảnh ngộ, ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, những ngôi làng bên bờ sông đang kêu trời vì nạn khai thác cát gây sạt lở. Dọc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), hàng chục điểm bị sạt lở rất nghiêm trọng. Riêng sông Thu Bồn đoạn từ huyện Duy Xuyên đến Cửa Đại (Hội An) dài khoảng 46km có hơn 20 vị trí xói lở khoảng trên 20km… Tại sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), những bờ tre và nhiều ngôi làng đang ngả dần ra sông.

Ông Lê Hoa (60 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, Điện Bàn) lo lắng: “Đất vườn nhà tôi đều bị sông ngoạm gần hết rồi. Bây giờ dù mùa nắng hay mưa, tôi cấm con cái ra vườn sau nhà hoặc ra bờ sông vì lo sông sạt bất cứ lúc nào. Cứ đà này, e rằng mùa mưa lũ tới, chắc nhà chúng tôi cũng không còn”.

Đôi bờ các dòng sông Côn, La Tinh (Bình Định), sông Cái (Phú Yên), tình trạng sạt lở cũng tàn phá nghiêm trọng. Tại cánh đồng Soi Xum (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định), người dân phản ánh việc thủy điện Tiên Thuận hàng chục năm tạo lũ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất của người dân đang canh tác. Tương tự, tại nhiều cánh đồng, ngôi làng ở xã Cát Hanh, Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) người dân cũng đang nín thở mỗi khi lũ đổ về cuốn xé sông La Tinh…

Nửa thế kỷ sống treo

Giữa ngày nắng rát cuối tháng 8-2020, ông Nguyễn Văn Hòa, Hội trưởng Hội Nông dân thôn Hòa An (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), dẫn chúng tôi đi ghi nhận hàng trăm mét sạt lở bờ biển ở địa phương. Ngồi lên chiếc thúng câu úp trên bãi cát, ông Hòa kể: “Ngày nắng, làng biển này rất bình yên nhưng đến mùa mưa bão, khủng khiếp lắm. Triều cường mỗi ngày đêm dội như bom tấn rầm rầm, không ngừng lấy đất, lấy nhà của các hộ dân dọc bờ biển. Cứ nghe đài báo mưa bão là làng lại phải di dời, sơ tán khắp nơi, khốn khổ không kém chạy giặc!”.

Miền Trung ngổn ngang trước mùa mưa bão - Bài 1: Làng trôi ảnh 1 Nhiều nhà dân ở làng biển Hòa An bị sóng biển phá nát. Ảnh: NGỌC OAI

Bãi biển Hòa An kéo dài trên 500m đều nghiêng về phía biển. Trước biển, hàng loạt ngôi nhà bị sóng đánh vỡ nát chỉ trơ lại vách, nền nhà hoang hóa. Những cao niên ở làng biển kể rằng, tình trạng này đã xảy ra hơn nửa thế kỷ nay, đã có 5 lớp nhà (gần 100m) bị biển lấy đi. Trước biển dữ, những lớp nhà kế cận lại hồi hộp mỗi khi nghe đài báo bão.

Bà Nguyễn Thị Điệp (41 tuổi, thôn Hòa An) chỉ tay vào những xác nhà bị sóng đánh, nói: “Những hộ giàu có mới sống được trước biển, còn nghèo khó thì phải bỏ đất bỏ nhà đi hết. Riêng nhà tôi bị sóng đánh sập cách nay 2 năm. Được nhà nước hỗ trợ, chúng tôi xây lại nhà tạm. Giờ không có kè nên cứ mỗi khi mưa bão đến, lo sợ lắm…”.

Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), cho biết, toàn thôn Hòa An có 700 hộ dân, khu vực bị ảnh hưởng là trên 100 hộ, có 32 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ nhiều năm trước, người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị cấp trên nhưng do kinh phí đầu tư kè biển này quá lớn nên nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Trước mắt, cứ mỗi mùa mưa lũ, địa phương cùng người dân chủ động gia cố kè tạm, bao cát để giữ đất giữ làng…

Ở xã biển Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ông Trần Văn Hùng chỉ tay giữa lớp sóng cách ngôi nhà mình hàng trăm mét, nói: “Trước kia làng tôi kéo dài ra ngoài đó, nhưng bây giờ triều cường đã xóa sổ đất đai, nhà cửa, cây cối của làng. Tình trạng sạt lở đang rất phức tạp, khu rừng phòng hộ trước làng bây giờ cũng bị sóng đánh tan hoang rồi!”.

Cùng cảnh ngộ với xã Xuân Phổ, các xã ven biển của tỉnh Hà Tĩnh như: Xuân Hội, Đan Trường… (huyện Nghi Xuân); xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) đều chung nỗi ám ảnh về triều cường khi mưa bão đổ về. Riêng xã Kỳ Ninh, hiện có hơn 10km bờ biển qua các địa bàn thôn Bàn Hải, Tân Tiến, Tiến Thắng, Hải Hà, Tam Hải 1, Tam Hải 2 bị sạt lở uy hiếp trên 7.000 người dân.

Hàng ngàn hécta đất biến mất

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, trên địa bàn đã có hơn 100ha đất bị biến mất do biển xâm thực trong những năm qua. Có những điểm tái xâm thực sau khi khắc phục tạm thời như ở Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Ngoài ra, toàn tỉnh có 65/1.056km bờ sông chính bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2010 tới nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở tỉnh này diễn biến gia tăng cả về phạm vi lẫn mức độ nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, xói lở làm mất hàng chục đến hàng trăm hécta đất ven sông, ven biển. Trong đó, sạt lở bờ sông có 17 điểm với chiều dài 46,9km, sạt lở bờ biển có 19 điểm với chiều dài 39,4km. Đáng ngại nhất, hiện địa phương có 14 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển (dài 24,8km) được liệt vào danh mục đặc biệt nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục