Miền Trung: Nhiều công trình thủy điện về đích

Những ngày đầu năm 2011, nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung đang nỗ lực hoàn tất những khâu cuối cùng. Nhiều tổ máy lần lượt được đưa vào vận hành, sản xuất hòa lưới điện quốc gia, bổ sung sản lượng điện đáng kể góp phần duy trì, đảm bảo điện sinh hoạt, sản xuất và an ninh năng lượng quốc gia.
Miền Trung: Nhiều công trình thủy điện về đích

Những ngày đầu năm 2011, nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung đang nỗ lực hoàn tất những khâu cuối cùng. Nhiều tổ máy lần lượt được đưa vào vận hành, sản xuất hòa lưới điện quốc gia, bổ sung sản lượng điện đáng kể góp phần duy trì, đảm bảo điện sinh hoạt, sản xuất và an ninh năng lượng quốc gia.

Chuẩn bị đổ mẻ bê tông cuối tại đập chính của Nhà máy thủy điện sông Tranh 2. Ảnh: HÀ MINH

Chuẩn bị đổ mẻ bê tông cuối tại đập chính của Nhà máy thủy điện sông Tranh 2. Ảnh: HÀ MINH

Trên công trường đường dẫn và hầm ống áp lực dài gần 12km của Dự án thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) dẫn nước từ hồ chứa về nhà máy trong ngày đầu năm 2011, hơn 100 cán bộ, công nhân đang thi công 3 ca để đảm bảo tiến độ.

Đại diện Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư) cho biết, Dự án thủy điện A Lưới với đường hầm và đường ống áp lực dài gần 12km dẫn nước vào nhà máy thủy điện. Vì vậy, đường hầm và ống áp lực được xem là “đường găng” của dự án, nghĩa là những khó khăn, căng thẳng nhất của dự án thủy điện A Lưới đều tập trung vào hạng mục này. Vì vậy, các đơn vị thi công đang ngày đêm tiến hành đổ hàng vạn mét khối bê tông khoan phun lấp đầy, bê tông cửa nhận nước và sớm hoàn thành việc lắp đặt cửa van nhận nước đường hầm.

Sau gần 40 tháng thi công, nhiều hạng mục công trình phụ và một số công trình hạng mục chính cũng đã và đang hoàn thành. Hiện công trình đang thực hiện việc lắp đặt các thiết bị tại tổ máy 1 để đưa vào hoạt động quý 1-2011.

Theo thiết kế, A Lưới là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với công suất 170MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 686,5 triệu kWh. Tổng mức dự toán 3.234 tỷ đồng.

Trong khi đó, sau 5 năm khởi công xây dựng, những ngày cuối năm 2010, thủy điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ đã đưa vào vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia với hai tổ máy với công suất ban đầu là 54MW, sau đó tiếp tục nâng công suất lên 81MW với 3 tổ máy với sản lượng điện bình quân hàng năm hơn 300 triệu kWh. Như vậy, sau thủy điện Bình Điền (sông Hương) công suất 44MW vận hành đi vào hoạt động trong năm 2009, Thừa Thiên - Huế đã và đang có thêm hai nhà máy thủy điện Hương Điền và A Lưới chính thức đi vào hoạt động, cung cấp nguồn điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia.

Đập chính Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: HÀ MINH

Đập chính Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: HÀ MINH

Tại Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 thuộc  xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), gần 700 cán kỹ sư, công nhân không nghỉ Tết Dương lịch, nỗ lực hoàn tất những công đoạn cuối lắp đặt thiết bị, hoàn thiện nhà máy để phát điện tổ máy số 2, dự kiến ngày 20-1.

Trước đó, tổ máy số 1 của nhà máy này đã phát điện, hòa lưới quốc gia. Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 có tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, công suất 2 tổ máy 190MW, lượng điện cung cấp hàng năm 679,6 triệu kWh, lớn nhất trong 8 nhà máy đã được quy hoạch trên bậc thang thủy điện của hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn.

Theo BQLDA thủy điện 3 (chủ đầu tư), các công trình thủy điện của miền Trung nói chung và sông Tranh nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nên rơi vào tình trạng vận hành không đều. Riêng với Sông Tranh 2, nếu phát điện tổ máy 2 thì tổ máy 1 sẽ tạm dừng để đảm bảo nguồn nước và ngược lại. Nhà máy thủy điện A Vương trên địa bàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) hiện cũng đang chạy cầm chừng vì thiếu nước nên sản lượng điện sản xuất hiện đạt rất thấp so với công suất thiết kế.

Hà Minh - Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục