Sông suối trơ đáy, ruộng đồng cháy khô, người dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Đó là tình cảnh mà hàng vạn người dân miền Trung đang phải gánh chịu trong suốt hơn 1 tháng qua. Đáng lo hơn, theo dự báo của ngành khí tượng, nắng nóng ở miền Trung còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ mất mùa, đói kém đang hiển hiện...
Những miền đất cháy
Đã hơn tuần qua, bà Võ Thị Hậu (ở phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cứ chạy ra chạy vào xem mảnh ruộng hơn 2 sào của gia đình đã… khô cháy chưa. Gặp bà giữa cái trưa nắng như thiêu, như đốt, ngồi bó gối dưới bóng cây bạch đàn nhìn đám ruộng mà não nề: “Ruộng nứt toác, lúa đang chết dần. Chắc chỉ vài ngày nữa thì khô thôi. Ngày nào tôi cũng ra xem có nước thủy lợi chảy về không để trổ vào ruộng, cứu được bụi lúa nào hay bụi đó. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào đám ruộng này. Giờ mất mùa thì vài tháng nữa đói là cái chắc”.
Cũng như bà Hậu, cả phường Hòa Quý có trên 100 hộ nông dân sống chủ yếu dựa vào 60ha lúa, thế nhưng nắng nóng, khô hạn đã làm cho họ như đang ngồi trên đống lửa. Ngay sát đó là xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), hơn 250ha lúa cũng bị khô nứt nẻ. Ông Lê Văn Tấn (thôn 5, xã Điện Ngọc) não nề: “Nắng kiểu này, đến cỏ cũng cháy khô nói gì đến lúa. Mấy hôm nghe đài báo là thủy điện xả nước để đẩy mặn cho các trạm bơm hoạt động, chúng tôi mừng hết biết, cả đêm thức trắng ra đồng chờ nước về để đưa vào ruộng. Thế nhưng chờ từ ngày này qua ngày khác mà có thấy nước đâu. Mấy ông thủy lợi nói nước mặn vẫn còn cao nên trạm bơm chưa hoạt động được.
Làm nông ở vùng đất khắc nghiệt này đúng là khổ quá, không gặp hạn thì gặp lũ, mất trắng liên tục thì lấy gì mà sống”.
Chạy dọc theo con sông Vĩnh Điện, các trạm bơm lấy nước từ con sông này, như Tứ Câu, Vĩnh Điện im ỉm thay vì phải chạy hết công suất để cứu lúa. Ông Trần Hữu Chung, Trạm phó Trạm bơm Tứ Câu, cho biết: “Nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ lên đến 13‰ (gấp 10 lần ngưỡng cho phép) thì đành đắp chiếu thôi. Không có nguồn nước, chúng tôi lập các trạm bơm dã chiến lấy nước từ các ao hồ để cứu được sào ruộng nào hay sào đó, nhưng cũng như muối bỏ biển. Hiện nay ao hồ cũng đã cạn, chỉ còn biết đứng xem lúa chết dần”.
Theo báo cáo khẩn của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có năng lực tưới cho 22.000ha đất sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm nay, nhưng đến thời điểm này, mực nước nhiều hồ như Phú Ninh, Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Khe Tân, Việt An… xuống thấp hơn mức trung bình so với nhiều năm. Ngoài ra, hệ thống các sông bị nhiễm mặn nặng nên hầu hết các trạm bơm phải ngừng hoạt động hơn 1 tháng qua. Không có nguồn nước, hơn 36.000ha lúa hè thu và 10.000ha hoa màu đang bị khô cháy.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, trong nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa cũng như mở rộng các khu công nghiệp đã làm diện tích đất nông nghiệp của Đà Nẵng giảm đáng kể. Ruộng không còn bao nhiêu, nông dân tập trung đầu tư để có năng suất cao, nhưng nay lại gặp khô hạn kiểu này thì nông dân các vùng ở huyện Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn… có nước kêu trời. Toàn thành phố có 6.000ha lúa và hoa màu đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đến nay khô hạn đã làm cho khoảng 10.000ha lúa và hàng ngàn hécta hoa màu khô héo. Trong đó, nặng nhất là các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị); các xã Vinh Hà, Vinh Hiền, Vinh Mỹ... (huyện Phú Lộc); xã Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế).
Người khát
Nắng nóng, khô hạn cũng đã làm hàng chục ngàn hộ dân miền Trung rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cuộc sống vốn đã khốn khó nay càng khổ hơn do sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn.
Chị Nguyễn Thị Hòa, nhà ở chung cư Hòa Cường (Đà Nẵng), thở dài: “Đã gần tháng nay, đêm nào cũng mang xô xuống dưới tầng trệt này chờ lấy nước. Cả khu chung cư hàng chục hộ, nhưng chỉ có mấy hộ tầng trệt thì nước còn chảy, từ tầng 2 trở lên không có một giọt. Muốn có nước phải thức trắng đêm chờ lấy, không thì ban ngày xin nghỉ việc ở nhà xách nước dùng cả tuần. Chồng con đã mấy tuần nay đi qua tắm nhờ nhà bà con, áo quần mang ra ngoài tiệm giặt, tốn kém quá”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ xảy ra tình trạng này là đã 2 tháng qua, nguồn nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước cho toàn TP Đà Nẵng, bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân, buộc nhà máy phải bơm nước từ đập An Trạch về, thế nhưng lượng nước ở An Trạch ngày càng giảm nên việc cung cấp nước cũng bị giảm đáng kể.
Ngược vào hướng thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là nơi thiếu nước ngọt nặng nhất do nguồn nước sông bị nhiễm mặn. Ông Võ Hiền, Phó Giám đốc Nhà máy nước Vĩnh Điện, cho biết: Chưa năm nào nguồn nước bị nhiễm mặn nặng như năm nay. Do không có nguồn nước thay thế nên buộc nhà máy lựa thời điểm độ mặn giảm, bơm nước vào bể, xử lý để cung cấp cho người dân.
Khốn khổ hơn cả là hàng ngàn hộ dân sống ở huyện miền núi ĐaKrông (Quảng Trị). Hàng ngày phải chịu những cơn gió Lào rát bỏng, nguồn nước cho sinh hoạt rất cấp thiết trong những ngày này. Thế nhưng, sông suối khô cạn, người dân không biết lấy đâu ra nguồn nước để phục vụ cho việc ăn uống chứ chưa nói đến tắm rửa, giặt giũ. Điều đáng nói ở đây là những công trình nước sạch tự chảy được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường của Chính phủ, nguồn vốn ADB và Chương trình 135 bị hư hỏng, không phát huy tác dụng.
Theo lãnh đạo xã ĐaKrông (huyện ĐaKrông), nếu không bị hư hỏng thì những công trình này cũng không có nước để chảy về. Bởi nắng nóng đã làm cho nguồn nước cạn kiệt đã hơn tháng nay. Người dân buộc phải ra những con suối đào giếng để lấy nước dùng tạm. Nhưng nguồn nước này lại bị nhiễm vôi nặng, có màu đục ngầu. Nếu dùng lâu sẽ rất nguy hại đến sức khỏe.
Thượng nguồn tích thủy...
Khi trao đổi với chúng tôi, các cơ quan chức năng cũng như người dân miền Trung đều cho rằng “thủ phạm” gây nên tình trạng khô hạn nghiêm trọng như hiện nay là do các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn. “Thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan. Đó là điều hiển nhiên. Các nhà máy thủy điện cứ đóng đập giữ hết nước trên đó thì dân chúng tôi dưới này chỉ có chết khát” – ông Nguyễn Hữu Phương, thôn Ngân Hà (Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam), bức xúc. Theo ông Phương, nhà nước phải có biện pháp mạnh để buộc các nhà máy thủy điện trả nước về hạ lưu để cứu lúa đang khô cháy, chứ nói qua loa cho qua chuyện thì dân có nước chết đói, chết khát.
Ông Huỳnh Vạn Thắng khẳng định: một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn nước các sông hạ lưu Vu Gia bị nhiễm mặn là do nước từ thượng nguồn đổ về quá ít, trong đó phải kể đến việc thủy điện ĐăkMi 4 chuyển dòng chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn. Cách đây 2 năm, chính quyền TP Đà Nẵng đã khiếu nại lên Chính phủ đề nghị buộc Nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 phải trả nước cho sông Vu Gia ít nhất 48m3/giây nhưng sau đó phía nhà máy chỉ đồng ý trả 25m3/giây, đã vậy lúc trả lúc không. Sắp tới TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục khiếu nại để phía thủy điện ĐăkMi 4 phải trả nước cho hạ lưu.
Không những không chịu xả nước theo quy định, mà từ cuối tháng 6 đến nay, các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) vận hành không ổn định, lượng nước xả phát điện thấp càng làm dòng chảy trên hệ thống 2 con sông lớn này bị suy giảm mạnh, khiến tình hình ngày càng xấu hơn. Trong đó, Nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 hiện xả với lưu lượng khoảng 6 - 8m3/giây, giảm hơn 10m3 so với những tháng trước; Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nước hồ xuống đến mực nước chết, vì vậy nhà máy này chỉ phát cầm chừng 3 - 4 giờ/ngày với lưu lượng khoảng 90 - 100m3/giây…
Trước tình hình cấp bách như hiện nay, các địa phương miền Trung triển khai nhiều biện pháp để cứu lúa thông qua việc đắp đập ngăn mặn, lập các trạm bơm dã chiến… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là biện pháp tình thế và hàng chục ngàn hécta lúa của nông dân miền Trung e rằng sẽ cháy khô trong vài ngày tới nếu thời tiết không có mưa, thủy điện không chịu mở đập.
Hùng - Thắng - Khôi