Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Lào đã gây nên nắng nóng cao độ tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định. Nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Đã hơn nửa tháng qua, hàng trăm học sinh Trường THCS Trưng Vương, TP Đà Nẵng phải ngồi học trong những phòng học nóng như… lò luyện. Không khí nóng bức, hơi người tỏa ra khiến phòng học trở nên ngột ngạt. Cả thầy cô và học sinh đều cầm quạt hoặc cuốn tập phe phẩy với khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Khổ nhất là các cô giáo hàng ngày phải mặc áo dài dạy học.
Đợt nắng lần này khắc nghiệt hơn lần trước, nhiệt độ lên trên 40°C, thậm chí có nơi như Quảng Trị - “kinh đô gió Lào” – nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 46°C. Ở vùng núi huyện Đakrông, những đợt gió Lào khô rát cùng với nắng nóng “cháy da cháy thịt” đã khiến nhiều cây cối khô quắp.
Ông Hồ Văn Đang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đakrông (Quảng Trị), cho biết: Sản xuất nông nghiệp của người dân 7 xã dọc theo sông Đakrông (Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long, Tà Rụt, A Ngo, A Bung, A Vao) gặp khó khăn. Nắng hạn đến quá sớm khiến hàng trăm hécta ngô bà con trồng trong vụ đông-xuân đang đến kỳ trở cờ bị nắng đốt cháy hết, coi như mất trắng. Bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở khu vực thượng nguồn sông Đakrông đang đối mặt với một năm mất mùa. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân đang diễn ra trầm trọng.
Ông Hồ Pườm, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết, từ bao đời nay bà con dân bản nơi đây đều dùng nước sông Đakrông để sinh hoạt. Nay, 3 công trình nước tự chảy trên địa bàn xã không hoạt động được. Người dân A Bung phải gánh từng thùng nước đục từ sông Đakrông để dùng qua ngày.
Tại Nghệ An, nắng nóng bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Đang là thời điểm chăm sóc lúa, thu hoạch lạc… nhưng vì nắng nóng nên người dân chỉ có thể ra đồng thật sớm hoặc khi chiều muộn. Do nhiệt độ lên quá cao, hôm 6-5, trong khi ra đồng cắt cỏ, bà Nguyễn Thị Quý (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) đã bị đột tử. Nguyên nhân ban đầu được cho là bà Quý bị say nắng nhưng không có ai phát hiện nên dẫn đến tử vong.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, lượng bệnh nhân quá đông, các khoa Nhi, Nội hô hấp… trở nên quá tải, bệnh nhân phải nằm 2 người/giường. Người nhà bệnh nhân không thể ở trong phòng bệnh buộc phải ra hành lang trải chiếu nằm la liệt. Trong khi đó, dọc sông Bạch Đằng và bãi biển Đà Nẵng chật kín người ra hóng gió.
Những đợt nắng nóng diễn ra với mật độ dày đặc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân các tỉnh miền Trung, làm cuộc sống đảo lộn và sản xuất cũng trở nên trì trệ.
N.Khôi - D.Cường - P.Lê
Xuất hiện nhiều đợt nắng nóng Ngày 8-5, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, trong 4 ngày vừa qua (tính từ 5-5 đến nay), trên cả nước (ngoại trừ khu vực phía Đông Bắc bộ) đã xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng, trong đó 3 khu vực nắng nóng dữ dội, nhiệt độ tăng vọt so với các khu vực khác là Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Cụ thể các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… có ngày nhiệt độ vượt 40°C. Nhiệt độ phổ biến ở Bắc bộ là 37-39°C. Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên nhiệt độ cao nhất khoảng 35-37°C. Một số nơi vượt quá 37°C như Ayunpa (Gia Lai): 38,7°C; An Khê: 37,8°C; TPHCM: 37,6°C... V.Phúc |