Miền Trung - Tây Nguyên héo hon vì “phủ sóng” thủy điện

Miền Trung - Tây Nguyên héo hon vì “phủ sóng” thủy điện

Lợi ích của điện năng đã rõ, nhưng việc “phủ sóng” thủy điện với khoảng 200 nhà máy đang triển khai tại miền Trung - Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về môi trường và tác động xấu đến cộng đồng.

Vấn đề trên được mổ xẻ  tại Diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” do Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội và Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức tại TP Huế ngày 28-10.

Thủy điện Hương Điền tích nước khiến sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) bị khô cạn bất thường.

Phớt lờ trồng rừng thay thế

Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định: “Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển đổi”. Nhưng kết quả khảo sát độc lập của Th.S Phạm Thị Diệu My, thành viên tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy, phần lớn các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên không trồng bù rừng. Nếu có trồng cũng chẳng đáng là bao, đó là chưa kể đến chất lượng rừng trồng. Nguyên nhân, trồng hoàn trả rừng của các dự án thủy điện ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, việc thực hiện còn lúng túng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong bố trí đất trồng rừng, loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ, đơn giá trồng rừng...

Tại Phú Yên, để có 3 nhà máy thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ, Krông Năng đi vào hoạt động, tỉnh này mất hơn 1.000ha rừng. Thế nhưng đến nay chỉ có dự án thủy điện sông Ba Hạ trồng được 1/10 trong tổng số hơn 200ha phải trồng bù rừng, hai dự án thủy điện còn lại vẫn chưa trồng trả lại diện tích rừng đã mất.

TS Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho rằng, các dự án thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đã đóng góp gia tăng một phần năng lượng quốc gia và khu vực, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong khoảng 5 năm qua do xuất hiện ngày các nhiều các hệ lụy tiêu cực về mặt môi trường và xã hội. Trong đó, thủy điện tạo ra những trận lũ dữ bất thường cho vùng hạ du, gây thiệt hại cho con người, cuốn trôi hoa màu, gia súc, sạt lở bờ sông, hư hại công trình giao thông, gián đoạn sinh hoạt như trường hợp thủy điện A Vương (Quảng Nam) tháng 9-2009; thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) tháng 10-2013. Gây khô hạn nghiêm trọng vùng hạ du, tình trạng thiếu nước sinh hoạt phổ biến, hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng, không đủ nước tưới làm nhiều cánh đồng không canh tác được hoặc năng suất kém. Ô nhiễm môi trường gia tăng như thủy điện Đắk My 4 (Quảng Nam) từ năm 2012 đến nay. Gây hoang mang cho người dân và giảm hiệu quả phát điện, hư hại công trình lân cận thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) từ năm 2012 đến nay...

Có rất nhiều lý giải cho các hệ lụy này, trong đó nổi bật là khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và xã hội từ các dự án thủy điện chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức. Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thủy điện, hoặc đầu tư không đúng mức, đặc biệt xem nhẹ các yếu tố môi trường và xã hội mà người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất. Nhiều cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã không thực thi đúng mức nhưng thiếu các biện pháp giám sát và chế tài.

Hệ lụy khó lường

Việc phát triển thủy điện bừa bãi không theo một quy hoạch quốc gia thống nhất, dẫn đến rừng bị hủy hoại, các con sông khô cạn, lũ lụt bất thường, kèm theo nhiều rủi ro và nguy cơ đe dọa đời sống của người dân. Kết quả nghiên cứu của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam chỉ ra rằng, diện tích đất của người dân ở trong các khu tái định cư được cấp sau khi xây dựng thủy điện rất ít và kém màu mỡ, dẫn đến nguồn cung cấp thực phẩm cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Ngoài ra họ phải vật lộn với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập kém và cuộc sống nghèo hơn trước. Chẳng hạn, dự án thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam đã buộc 1.046 hộ gia đình phải di dời tái định cư. Bồi thường đất cho các hộ di dời đã không được thực hiện đầy đủ. Điều này đã làm rất nhiều người dân phải vào rừng khai thác gỗ trái phép, hoặc săn bắn động vật hay đốt rừng để lấy đất sản xuất.

Theo ông Trần Bá Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội, từ khi đi vào hoạt động, thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) đã gây ra một số tác động đến môi trường, trong đó đã làm nguồn cung cấp cát sạn xây dựng và tác động đến thủy sinh vật và nghề cá trên sông Hương. Sản lượng cá đánh bắt được trong thời gian gần đây (2011, 2012) giảm từ 50% - 70% so với thời điểm trước 2009. Một số loài có giá trị kinh tế cao như cá xanh, cá lấu, cá chình đã giảm đi hơn 90% so với trước năm 2009. Trong năm 2009, sau khi thủy điện Bình Điền đi vào hoạt động, 100% các lồng cá nuôi trên sông Hương đều bị chết, đến nay hầu hết hoạt động nuôi cá lồng trên sông Hương không còn nữa. Ngoài ra, nguồn nước sông Hương bị ô nhiễm với hàng loạt thông số về Mn, Fe, pH, độ đục, COD đều tăng, đặc biệt năm 2009 - 2010 các thông số này tăng một cách đột biến, vượt quá tiêu chuẩn cho phép, do đó Công ty HueWaco (đơn vị cấp nước sạch tại Thừa Thiên - Huế) phải đầu tư thêm các trang thiết bị và thay đổi một số phương pháp xử lý chất lượng nước để đảm bảo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra.

Không những thế, do độ đục của sông Hương tăng lên nhanh nên đã làm cho các đường ống dẫn nước bị hư hại. Nguyên nhân là do thủy điện Bình Điền không thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như đã cam kết. 

Câu hỏi đặt ra là “Giải pháp nào để tạo sự phát triển năng lượng cho quốc gia đồng thời hạn chế tối đa các tổn hại đến môi trường và sinh kế của người dân?”. Theo TS Lê Anh Tuấn, cần tạo một chiến lược đồng thuận trong hợp tác và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước tổng hợp trên cơ sở lưu vực, trong đó coi trọng vai trò và quyền lợi chung của cộng đồng. Đảm bảo được các tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội như: xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng hoàn trả diện tích rừng phải được giảm thiểu tối đa, nếu không thì hậu quả sẽ bội phần và quá sức chịu đựng của con người. Bên cạnh đó, cần phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời, điện sinh học.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục