Miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ chịu khô hạn nặng

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 22-2, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết, nhiều nơi thuộc các khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đang đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng trong mùa khô năm nay vì trời ít mưa, lượng mưa nhỏ và cục bộ.

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 22-2, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết, nhiều nơi thuộc các khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đang đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng trong mùa khô năm nay vì trời ít mưa, lượng mưa nhỏ và cục bộ.

“Mặc dù tại hai khu vực Tây Nguyên và Nam bộ vào khoảng tháng 4 sẽ bắt đầu mùa mưa, chấm dứt những tháng khô hạn kéo dài nhưng riêng ở khu vực ven biển Trung bộ, phải tới tháng 8-2013 mới trở lại mùa mưa mới. Như vậy liên tiếp 6 tháng nữa, nhiều địa phương phải chịu cảnh khô hạn, thiếu nước tưới cây trồng như lúa, cà phê và nguồn nước cho các nhà máy thủy điện hoạt động, ngoài ra nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng”, ông Lê Thanh Hải cho biết.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, các tỉnh miền Trung sẽ gánh chịu hạn hán nghiêm trọng. Hiện mùa mưa lũ ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Tây Nguyên và Nam bộ đã kết thúc. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Thuận đang ở thời kỳ cuối mùa và không còn khả năng xảy ra mưa lũ lớn.

Trong khi đó, theo ông Đàm Hòa Bình, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, các hồ thủy lợi ở miền Trung và Tây Nguyên đều thiếu hụt từ 30% - 50% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt, hồ thủy lợi ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk thiếu hụt tới 60% - 80%.

Tương tự, mực nước trên các hồ thủy điện cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 - 6m, riêng thủy điện A Vương (Quảng Nam) thấp hơn đến 32m. Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.

Do hiện nay mưa chỉ xảy ra cục bộ, lượng mưa khá nhỏ nên theo nhận định của cơ quan khí tượng quốc gia, trong các tháng mùa khô năm 2013, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15% - 30%, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn từ 40% - 50%, khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Ngoài ra, dòng chảy trên sông Mekong thiếu hụt từ 30% - 45% so với trung bình nhiều năm. “Vì vậy, năm nay xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn so với mọi năm và mặn cũng xâm nhập sâu vào đất liền từ 40 - 60km, có nơi sâu hơn” - ông Hải nhấn mạnh.

Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, tổng lượng mưa trong các tháng vừa qua đều rất thấp, riêng 2 tháng chính của mùa mưa là 11 và 12, từ Quảng Trị đến Ninh Thuận lượng mưa thiếu hụt 70% - 90% so với trung bình nhiều năm. Ông Hải nhận định: “Hiện tượng khô hạn trong năm 2013 có thể lặp lại tương tự như các đợt đại hạn kỷ lục vào năm 1998 và 2002”.

Trả lời về hiện tượng hai vùng áp thấp nhiệt đới đều xuất hiện sát nhau ngay trên khu vực Nam biển Đông, ông Lê Thanh Hải khẳng định đó là hiện tượng vẫn thường xảy ra chứ không phải là dị thường.

Chiều 22-2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5,4 độ vĩ Bắc và 109,6 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Huyền Trân (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 320km về phía Nam Tây Nam. Theo dự báo, sau khi đi chúc xuống khu vực gần vùng biển Singapore và Malaysia thì áp thấp nhiệt đới sẽ bị suy yếu.

PH.HẬU

- Thông tin liên quan:

>> Miền Trung: Đầu năm lo chống hạn

Tin cùng chuyên mục