Miền Trung Trung bộ “khát” nước đầu vụ

Nông dân các tỉnh miền Trung Trung bộ đang nỗ lực chống hạn, diệt chuột để chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa đông xuân 2015. Trong khi đó, các hồ thủy lợi tại khu vực này chỉ đạt xấp xỉ 50% dung tích do lượng mưa cả năm 2014 thấp nhất trong lịch sử.
Miền Trung Trung bộ “khát” nước đầu vụ

Nông dân các tỉnh miền Trung Trung bộ đang nỗ lực chống hạn, diệt chuột để chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa đông xuân 2015. Trong khi đó, các hồ thủy lợi tại khu vực này chỉ đạt xấp xỉ 50% dung tích do lượng mưa cả năm 2014 thấp nhất trong lịch sử.

Các trạm bơm tại vùng cao khu vực Trung Trung bộ đang hoạt động 24/24 giờ để đủ nước tưới cho đầu vụ lúa đông xuân 2015.

Lo mất mùa từ đầu vụ

Dù rét lạnh thấu da thịt nhưng bà con nông dân Quảng Trị vẫn ra đồng từ sáng sớm để be bờ giữ nước trong ruộng, chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân. Với kinh nghiệm nhà nông, ông Mai Văn Hóa, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, vào thời điểm này mọi năm mưa, đồng trắng nước nên không có cỏ, cũng không có chuột và ốc bươu. Năm nay nắng nhiều, từ sau vụ hè thu 2014 tới giờ chỉ có vài trận mưa nhỏ nên đất ruộng cứng, phải thuê máy cày làm đất chứ trâu bò kéo không xuể…

Ngoài ra, khô hạn kéo dài đã khiến chuột đồng sinh sôi nhanh khiến nông dân diệt chuột không kịp, sợ giống má sẽ bị chuột phá hoại. Bà con đoán lúa vụ này năng suất sẽ rất thấp. Ông Phan Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, địa phương dự định xuống giống 4.200ha lúa đông xuân. Song chỉ tiêu này khó đạt khi nguồn nước tưới cho đồng ruộng căng thẳng ngay từ đầu vụ. Hồ thủy lợi Trúc Kinh sức chứa gần 40 triệu m³ nước, đảm bảo tưới cho trên 1.000ha đất nông nghiệp nhưng giờ chỉ đạt trên 17 triệu m³. Huyện đã có phương án chuyển đổi những diện tích trồng lúa vùng cao sang trồng bắp, đậu…

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tác động, thời tiết năm có những diễn biến bất thường, mưa ít lại xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Nhiều hồ chứa có dung tích lớn nhưng đạt ở mức còn thấp như: hồ Rào Đá chỉ đạt 76%, An Mã 47%, Cẩm Ly 24%, Tiên Lang 36%, Trung Thuần 26%. Các hồ còn lại ở mức khoảng 65% dung tích gây khó khăn cho việc cung cấp nước tưới cho vụ đông xuân, nhất là ở các chân ruộng cao. Đó cũng là khó khăn chung đối với ngành nông nghiệp các tỉnh còn lại ở khu vực Trung Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế. Do lượng mưa năm 2014 quá ít nên các sông cũng thiếu hụt nguồn nước, có nhiều khả năng trên một số sông xuất hiện mực nước thấp nhất trong lịch sử.

Sẽ chuyển đổi giống cây trồng

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, khoảng 4.000ha lúa chủ yếu tại huyện Cam Lộ và Gio Linh nguy cơ mất trắng vì khô hạn. Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường các biện pháp tưới tiết kiệm, sử dụng nước có hiệu quả ngay từ đầu vụ đông xuân; thực hiện biện pháp tưới luân phiên kết hợp cắt giảm các đợt tưới hợp lý để tiết kiệm nước. Chủ động khoanh vùng và đặt máy bơm hỗ trợ đối với những vùng có điều kiện bơm. Ưu tiên nguồn tự chảy cho các vùng không có nguồn bơm. Điều chỉnh kế hoạch tưới cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết. Tập trung nạo vét các sông, hồ, đảm bảo dẫn nước thông suốt, tận dụng nước hồi quy cho các trạm bơm hoạt động. Với các đập ngăn mặn, chú ý không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng, tạo nguồn để cho các trạm bơm ven sông hoạt động. Phối hợp với ngành điện để ưu tiên điện cho công tác chống hạn có hiệu quả, tránh tình trạng cắt điện nhiều lần trong ngày… Vận động các địa phương thực hiện vùng thiếu nước, vùng cuối kênh khó tưới chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất ngay từ đầu vụ đông xuân.

Tương tự, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các địa phương tu sửa bờ ao, đập dâng để giữ nước, đồng thời tu sửa và đầu tư mới các trạm bơm nội đồng để chủ động chống khô hạn, miễn thủy lợi phí cho người dân trong năm 2015. Riêng Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương thực hiện quy trình tưới tiết kiệm bằng cách áp dụng hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước. Đồng thời chỉ đạo các địa phương cân đối lại lượng nước thực có của các hồ chứa với nhu cầu dùng nước vụ đông xuân để xác định diện tưới phù hợp, đảm bảo đủ nước tưới cho vụ lúa đông xuân; kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi diện tích lúa nguy cơ thiếu nước bằng các giống cây trồng thích hợp, chịu hạn cao hoặc không canh tác để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Hỗ trợ nông dân diệt chuột

Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cho biết, từ cuối tháng 12-2014 đến đầu tháng 1-2015, hàng vạn nông dân đã tích cực diệt được khoảng 2 triệu con chuột tránh nguy cơ thất bát vụ đông xuân 2014. Các huyện, xã, hợp tác xã tại các địa phương này cũng hỗ trợ người dân từ 500 - 2.500 đồng với mỗi con chuột diệt được.

Văn Thắng - Minh Phong

Tin cùng chuyên mục