Miệt mài hàn gắn ''vết thương'' chiến tranh

Là bác sĩ quân y người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, ám ảnh về sự khốc liệt, đau thương của cuộc chiến tranh phi nghĩa đã khiến GS Joseph Rohan Lex trở nên yêu quý, gắn bó hơn với đất nước, con người Việt Nam. Nhiều năm qua, GS Joseph Rohan Lex đã liên tục trở lại Việt Nam miệt mài chia sẻ những kiến thức, kỹ thuật về y học hiện đại của thế giới cho nhiều y, bác sĩ Việt Nam với mong mỏi xoa dịu nỗi đau chiến tranh để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Miệt mài hàn gắn ''vết thương'' chiến tranh

Là bác sĩ quân y người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, ám ảnh về sự khốc liệt, đau thương của cuộc chiến tranh phi nghĩa đã khiến GS Joseph Rohan Lex trở nên yêu quý, gắn bó hơn với đất nước, con người Việt Nam. Nhiều năm qua, GS Joseph Rohan Lex đã liên tục trở lại Việt Nam miệt mài chia sẻ những kiến thức, kỹ thuật về y học hiện đại của thế giới cho nhiều y, bác sĩ Việt Nam với mong mỏi xoa dịu nỗi đau chiến tranh để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Ám ảnh chiến tranh

Tại hội thảo quốc tế về y học cấp cứu cho những ca bệnh nặng diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội, có một vị chuyên gia người Mỹ giành được rất nhiều sự quan tâm của các y, bác sĩ Việt Nam. Đó là GS Joseph Rohan Lex, chuyên gia hàng đầu về y học cấp cứu của thế giới. Điều đặc biệt hơn, ít ai biết rằng trong những năm tháng của cuộc chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, GS Joseph Rohan Lex từng là bác sĩ quân y Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Nhớ lại những ngày tháng đó, GS Joseph Rohan Lex chia sẻ: “Tôi ở Sài Gòn, Củ Chi, Tây Ninh... từ năm 1968, đó là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh cho tới khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Mặc dù có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị vết thương cho lính Mỹ tham chiến nhưng tôi cũng rất nhiều lần cùng đồng nghiệp khám chữa bệnh cho người dân bản xứ. Chúng tôi cảm thấy rất buồn khi thấy nhiều trẻ nhỏ và người già đau ốm, mắc các bệnh nhiễm trùng nhưng không có thuốc men, bệnh xá để chữa trị...”.

GS Joseph Rohan Lex cùng với các y, bác sĩ trẻ Việt Nam

Mặc dù không trực tiếp cầm vũ khí và phải ra chiến trường nhưng chứng kiến những thương tật lính Mỹ gặp phải hàng ngày và cả những bệnh tật, chết chóc mà người dân địa phương gánh chịu, đã khiến GS Joseph Rohan Lex cảm nhận rõ hơn ai hết rằng cuộc chiến tranh phi nghĩa này vô cùng tàn khốc. “Lúc đó tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng khám chữa bệnh thật nhiều cho người dân và không ngừng cầu nguyện sự bình an đến với họ...”, GS Joseph Rohan Lex nhớ lại.

Nỗ lực hàn gắn

Chiến tranh kết thúc, quay trở lại Mỹ, ông Joseph Rohan Lex làm việc tại một bệnh viện lớn ở phía Bắc của thành phố Philadelphia. Mặc dù không còn chứng kiến đạn bom, chết chóc nhưng ký ức về chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục ám ảnh, khiến ông day dứt, mong mỏi được trở lại Việt Nam để làm điều gì đó xoa dịu những vết thương của cuộc chiến tranh. Thời gian cứ trôi cho tới năm 2008, trong chuyến công tác ở New York, GS Joseph Rohan Lex đã gặp và trò chuyện với một đồng nghiệp có ý tưởng sẽ thực hiện các công việc thiện nguyện tại Việt Nam. Không cần suy nghĩ, ông tham gia ngay chương trình đặc biệt này. Trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào năm 2008, GS Joseph Rohan Lex đã thuyết phục, vận động được gần 50 chuyên gia, không những ở Mỹ mà còn từ nhiều nước khác đến Việt Nam để bắt đầu công việc thiện nguyện trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

Thế rồi suốt 8 năm qua, GS Joseph Rohan Lex cùng các đồng nghiệp đã rất nhiều lần trở lại Việt Nam với tình cảm rất đặc biệt và gần gũi. “Tôi không che giấu quá khứ, tôi luôn nói mình là một cựu binh từng có mặt trong chiến tranh ở Việt Nam. Và ở đâu tôi cũng được mọi người chào đón, khiến tôi luôn cảm thấy những ký ức về chiến tranh đã lùi rất xa. Con người Việt Nam luôn thân thiện và tràn ngập tình cảm chân thật. Đó là sự động viên lớn lao đối với tôi ”, GS Joseph Rohan Lex bày tỏ. Trở lại với công việc chuyên môn, GS Joseph Rohan Lex chia sẻ: “Trong y học, các kỹ năng về cấp cứu rất quan trọng, cũng như áp lực rất lớn vì bác sĩ cấp cứu phải đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác để có thể giành lại sự sống cho người bệnh. Các bác sĩ Việt Nam rất giỏi nhưng lại thiếu cơ hội thực hành với những kỹ thuật cấp cứu hiện đại, tiên tiến của thế giới. Vì thế, tôi và các đồng nghiệp đã và sẽ còn tiếp tục đến Việt Nam để có thể chia sẻ những kỹ năng mới, hiện đại về cấp cứu cho các đồng nghiệp Việt Nam nhằm cứu sống được nhiều người bệnh hơn”.

Năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng chuyến đi dài ngày tới Việt Nam không hề làm ông mệt mỏi vì GS Joseph Rohan Lex luôn coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình. “Tôi sẽ còn đến lúc nào không thể đi được nữa. Tôi hy vọng có thể tạo ra được cảm hứng, lôi cuốn những người khác tham gia làm việc, giúp đỡ Việt Nam hơn nữa để đất nước các bạn và người dân có nhiều cơ hội tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe...”, GS Joseph Rohan Lex nhấn mạnh.

Trước những đóng góp to lớn, hiệu quả của GS Joseph Rohan Lex cho chuyên ngành y học cấp cứu của Việt Nam, mới đây, Bộ Y tế đã trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho GS Joseph Rohan Lex để ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp thiết thực của ông cho ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

NGUYỄN QUỐC - LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục