Trước tình trạng thực phẩm “bẩn” ngày càng nhiều, chiều 19-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì một cuộc họp khẩn với 63 tỉnh, thành phố để mổ xẻ thực trạng, nguyên nhân và chỉ đạo những giải pháp “tuyên chiến” với thực phẩm mất vệ sinh an toàn.
Thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ nhiều năm nay đã rất nóng bỏng, làm nhiều người dân lo lắng. Trước hàng loạt sự cố mới đây như phát hiện chất gây ung thư trộn lẫn thức ăn chăn nuôi để làm đẹp thịt, doanh nghiệp lớn bị nghi ngờ có cơ sở gia công sử dụng chất tạo nạc để nuôi heo, thịt gà nhập khẩu là hàng quá hạn... Bộ NN-PTNT cho biết sẽ triển khai một chiến dịch “đánh” mạnh thực phẩm “bẩn”. Gần đây, Bộ Y tế cũng đã chủ động có những thông tin hoặc phản ứng trước các sự cố về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các lần phát hiện thực phẩm không đảm bảo có nguồn gốc ở ngay trong nước cũng như được nhập khẩu từ bên ngoài.
Năm 2015 đã được chọn là năm siết chặt an toàn thực phẩm, các ngành, các địa phương tích cực vào cuộc, để người tiêu dùng yên tâm hơn. Tuy nhiên vẫn có những vụ việc, thực trạng đang là thực tế công khai hoặc âm thầm tồn tại ở nhiều địa phương có liên quan tới thực phẩm và sức khỏe của hàng triệu người, cơ quan chức năng biết rõ nhưng giấu giếm hoặc chậm vào cuộc, thiếu trách nhiệm điều tra xử lý, cho đến khi giới truyền thông “bung ra” mới có thông tin phản hồi theo kiểu “chữa cháy”.
Có những vụ việc nóng, được dư luận rất quan tâm vì ảnh hưởng tới quyền lợi hoặc sức khỏe của nhiều người, khi giới truyền thông đặt câu hỏi hoặc tìm cơ hội tiếp cận cơ quan chức năng thường bị từ chối cung cấp thông tin cũng như giải pháp xử lý sự cố. Phần lớn vẫn sợ liên lụy trách nhiệm hoặc muốn lảng tránh trách nhiệm. Trong khi có những thông tin đơn cử như gà Mỹ vào Việt Nam chỉ bán với giá 20.000 đồng/kg có nghi ngờ từ vùng dịch hoặc bán phá giá, ngay lập tức cơ quan chức năng của Mỹ có thông cáo và thông tin gửi cho báo chí Việt Nam.
Và trong khi thông tin bị bưng bít thì Việt Nam đã và đang nếm những trái đắng bởi có rất nhiều nông sản xuất khẩu bị trả về do nước nhập khẩu phát hiện có dư lượng, dịch hại hoặc không đảm bảo. Đã đến lúc không phải vì sợ nông dân phải bán sản phẩm giá rẻ hoặc vì ảnh hưởng “điều tiếng” tới trách nhiệm của một cơ quan hoặc cá nhân nào, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu không thuận lợi... mà che đậy thông tin về tình trạng sản xuất gian lận, cách quản lý yếu kém.
Trước đây, chúng ta thường khá kiêng dè khi đưa tin về tình trạng lạm dụng các chất cấm độc hại trong nuôi trồng thủy hải sản vì sợ thủy sản Việt Nam không xuất khẩu được, nước ngoài chỉ trích... nhưng vài năm gần đây chúng ta không thể úp mở được nữa khi các nước nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu đã thiết lập hẳn hệ thống kiểm tra tận gốc và truy xuất khi cần thiết. Chưa kể việc nếu cơ quan chức năng trong nước càng lảng tránh thì các phương tiện truyền thông quốc tế có thể bóp méo, đưa tin không đúng sự thật hoặc chỉ phiến diện, dẫn đến bất lợi.
Có lẽ thông tin sẽ không thể phong bế mãi được trước xu thế phát triển như vũ bão của truyền thông và đặc biệt là mạng xã hội, khi nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin ngày càng nhanh và dễ dàng như hiện nay, như một xu thế tất yếu của sự phát triển và hiện đại hóa. Cho nên, minh bạch và công khai về thông tin, chất lượng thực phẩm là cách khôn ngoan và hiệu quả nhất của các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý thực phẩm. Bên cạnh công khai ra trước dư luận, giữa các cơ quan cũng cần phân định rạch ròi về quyền hạn và trách nhiệm trong kiểm soát, xử lý vi phạm để không giẫm chân lên nhau, dẫn đến gây khó dễ cho doanh nghiệp hoặc ngược lại là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Minh bạch cũng cần đi liền với xử lý mạnh, quản lý triệt để, thực sự nói không với nể nang, bao che, tiêu cực. Không chỉ cơ quan quản lý minh bạch mà doanh nghiệp cũng cần minh bạch về chất lượng sản phẩm. Đó là cách tốt nhất để quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm một cách hiệu quả theo mô hình mà các quốc gia phát triển vẫn đang áp dụng, thuận theo xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
VĂN PHÚC HẬU