Tại cuộc tọa đàm thúc đẩy Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI) được tổ chức ngày 13-9 tại Hà Nội, việc Việt Nam vẫn chưa tham gia thực hiện EITI nhằm minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả quản lý ngành công nghiệp khai thác khoáng sản được nhiều chuyên gia trong ngành coi là một điều đáng tiếc.
EITI minh bạch hóa trong hoạt động khai thác khoáng sản ra đời từ năm 2003 và đến nay thế giới đã có 51 quốc gia, kể cả các nước phát triển và đang phát triển áp dụng cơ chế này để giúp giảm tỷ lệ tham nhũng, thất thoát tài nguyên. Khu vực ASEAN đã có 4 nước tham gia là Indonesia, Myanmar, Philippines và Đông Timor... Việt Nam tiếp cận và xem xét tham gia EITI từ năm 2007, song cho đến nay vẫn chưa chính thức tham gia.
Suốt 9 năm qua, trong lúc chờ đợi Bộ Công thương, cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu, đưa ra kiến nghị cuối cùng về vấn đề này, khoáng sản vẫn đang “chảy máu” và đứng trước nguy cơ cạn kiệt trong tương lai không xa.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau. Vào năm 2013, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn apatit, 193.000 tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn. Ước tính, với quy mô khai thác như trên, tính từ thời điểm đó, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit (21 năm), thiếc (19 năm), chì - kẽm (17 năm) và vàng (21 năm). Trong khi đó, nguồn thu trong lĩnh vực này hoàn toàn chưa tương xứng với quy mô khai thác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013, chỉ đạt từ 0,9%-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh, số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.
Từ góc độ khung khổ chính sách, thuế tài nguyên hiện hành được coi là còn nhiều bất cập. Cụ thể, thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Giá bán để tính thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Từ đó, một số doanh nghiệp đã tìm đủ mọi chiêu thức từ thô sơ đến tinh vi để trốn, tránh thuế: khai báo sản lượng, chất lượng thấp hơn thực tế, không khai báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm thu hồi được; khai giá bán thấp hơn thực tế, kê khai khống các chi phí, lợi dụng các chính sách ưu đãi thuế; chuyển giá và thậm chí có doanh nghiệp FDI còn chây ỳ không trả nợ thuế với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đã vậy, khâu kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế còn rất yếu...
Điều đáng mừng là cách đây hơn một tháng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên quyết chỉ đạo: “Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia EITI giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”. Chắc hẳn, Bộ Công thương tới đây sẽ phải giải trình đầy đủ nguồn cơn trước người đứng đầu Chính phủ về sự dùng dằng chưa quyết nói trên.
Cũng phải nói thêm rằng, việc tham gia EITI hay bất cứ một sáng kiến, cơ chế quốc tế nào khác mới chỉ là bước khởi đầu, là điều kiện cần mà chưa đủ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường để đảm bảo thực thi nghiêm túc pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mới là yếu tố quyết định - liều thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh “chảy máu” khoáng sản và thất thu thuế.
ANH THƯ