Mấy ngày nay, người dân bàn luận nhiều về việc phát hiện và xử lý kỷ luật vụ lương “khủng” của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TPHCM. Xâu chuỗi những vụ tham nhũng, tiêu cực từ trước tới nay, một lần nữa dư luận lại đặt vấn đề, chúng ta có cả bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới, vậy tại sao vẫn để những vụ việc như trên xảy ra mà không bị phát hiện sớm? Làm thế nào kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập (TSTN) của cán bộ có chức vụ, quyền hạn để họ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng?
Mối băn khoăn này phần nào được giải tỏa và thắp lên hy vọng khi các ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy vừa được thành lập và Nghị định 78/CP của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2013. Đây được coi là những giải pháp then chốt, trọng tâm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc kê khai, công khai để quản lý TSTN của cán bộ, công chức không phải là điều gì mới mẻ. Cách đây 5 năm, Chính phủ ban hành Nghị định 37/CP và sau đó bổ sung Nghị định 68/CP về kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Nhưng theo đánh giá chung, mặc dù thu được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra do việc tổ chức thực hiện còn nặng hình thức; các quy định hiện hành còn nhiều kẽ hở, chưa giúp các cơ quan, đơn vị theo dõi được biến động TSTN của cán bộ; việc xác minh TSTN chưa làm rõ tính trung thực của việc kê khai; bản kê khai TSTN chưa được công khai đầy đủ như quy định…
Từ thực tế đó, Nghị định 78/CP ra đời đã khắc phục được tình trạng lúng túng, những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo ra sự thống nhất trong việc xác định giá trị TSTN phải kê khai, tạo điều kiện dễ dàng cho việc kê khai, tăng cường việc công khai và kiểm soát việc kê khai theo các quy định của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Để tăng cường sự kiểm soát sự thật của bản kê khai, trong quy định mới có 2 điểm chính đáng lưu ý, đó là bản kê khai bắt buộc phải công khai và người kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm của mình. Những quy định đó không chỉ tác động đến ý thức, hành vi của người kê khai, tăng cường trách nhiệm của người kê khai mà còn giúp các cơ quan, đơn vị có cơ sở pháp lý, kiểm soát TSTN của cán bộ. Đối với xã hội, các quy định này còn giúp cho việc giám sát của xã hội, của nhân dân đối với TSTN và biến động về TSTN của cán bộ có chức vụ, quyền hạn được thuận lợi. Thực tế cho thấy, càng công khai, minh bạch TSTN của cán bộ, nhất là đại biểu dân cử thì người dân càng tin tưởng vào phẩm chất những người được bầu ra, sự công minh của chính quyền và công tác cán bộ của Đảng.
Theo quy định mới, việc công khai bản kê khai TSTN của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hàng năm. Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem các bản kê khai; thời gian niêm yết tối thiểu là liên tục 30 ngày. Việc công khai bản kê khai phải hoàn thành trước ngày 31-3 năm sau. Niêm yết công khai bản kê khai như vậy, người dân biết được tổng thể các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức phải kê khai, qua đó giám sát TSTN được chính xác. Để bảo đảm việc kê khai minh bạch, tăng tính chủ động trong việc phát hiện TSTN bất thường, cần có sự thay đổi về cơ chế giám sát, xây dựng cơ chế giám sát TSTN từ nhiều phía, trong đó cần thiết thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền, chủ động phân tích và thẩm tra các bản kê khai chứ không nên chỉ dựa vào việc tố cáo như hiện nay. Bởi có một thực tế, trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, không dám động chạm đến cấp trên, nhất là lãnh đạo cấp cao.
Nên về lâu dài, công khai cho toàn dân, ít nhất là trên công báo thì tính hiệu quả sẽ cao hơn. Việc giám sát của số đông sẽ càng làm cho sự thật về TSTN của cá nhân được sáng tỏ, rõ ràng. Ngược lại, với việc xã hội khuyến khích làm giàu chính đáng, việc kê khai và công khai TSTN vừa là công cụ pháp lý bảo vệ TSTN cá nhân, gián tiếp khẳng định năng lực, sự đóng góp chân chính của cá nhân đối với xã hội.
Cùng với sự ra đời ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy và với những quy định mới về minh bạch và kiểm soát TSTN của cán bộ có chức vụ, quyền hạn, người dân chờ đợi, hy vọng sắp tới sẽ có chuyển biến nhất định trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
TUẤN SƠN