Thông tư 52 của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2012. Thông tư 52 có thể được xem là “bàn tay sắt” để chấn chỉnh lại tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp, ngăn chặn cổ đông nội bộ lướt sóng trục lợi để xây dựng tính minh bạch cho thị trường.
Siết thời gian và đối tượng công bố thông tin
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa công bố danh sách 8 công ty niêm yết bị nhắc nhở chưa nộp báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2012. Ngoài ra, HOSE cũng nhắc nhở đối với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP) về việc chậm nộp Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 do đã trễ nộp hơn nửa tháng so với quy định. Ngày 25-4-2012, HOSE ra “tối hậu thư” nhắc nhở 35 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn này về việc chậm nộp báo cáo thường niên 2011, mặc dù thời hạn hoàn thành và công bố chậm nhất là ngày 20-4-2012.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin trong thời gian qua. Thông tư 52 được nhận định là có nhiều điểm khác biệt và theo hướng siết chặt hơn về vấn đề công bố thông tin để thay thế cho Thông tư 09 ban hành đầu năm 2010.
Việc công bố thông tin được phân lớp nghĩa vụ không chỉ dựa trên đối tượng doanh nghiệp niêm yết hay chưa niêm yết mà dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng. Theo đó, những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng và có 300 cổ đông trở lên đều phải thực hiện công bố thông tin.
Thông tư 52 cũng có những thay đổi về các mốc thời gian để công bố thông tin, có những thông tin bắt buộc phải công bố trong vòng 72 giờ hay 24 giờ tùy theo tính chất. Thậm chí những thông tin cần công bố gấp nhưng lại rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ thì doanh nghiệp cũng phải công bố kịp thời lên website của doanh nghiệp. Các tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên, bất thường phải được công khai cho cổ đông trước 15 ngày thay vì 7 ngày như quy định trước đây tại Thông tư 09.
Từ trước đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề khá nhức nhối về vi phạm công bố thông tin từ phía doanh nghiệp như chậm công bố thông tin, bưng bít hoặc công bố thông tin sai lệch... Do đó, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ý kiến hy vọng rằng với những biện pháp “mạnh tay” từ thông tư lần này sẽ góp phần hạn chế các vi phạm công bố thông tin trên thị trường.
Ngăn chặn cổ đông nội bộ “lướt sóng” trục lợi
Ngoài nhắc nhở, cảnh cáo những trường hợp chậm nộp các báo cáo, HOSE còn thường xuyên công bố hàng loạt vi phạm quy định công bố thông tin mà chủ yếu là rơi vào trường hợp các cổ đông nội bộ, người nhà của cổ đông nội bộ hoặc cổ đông lớn đã mua, bán cổ phiếu nhưng lại không công bố thông tin trước khi giao dịch. Gần đây nhất là trường hợp tổ chức Vietnam Holding Limited là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) đã thay đổi tỷ lệ sở hữu từ 6,15% xuống còn 4,62% và không còn là cổ đông lớn của JVC (do công ty phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ) nhưng tổ chức này lại chậm báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn. Hoặc trường hợp ông Huỳnh Phú Quốc, Phó Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), đã bán 20.000 cổ phiếu TTF từ ngày 18-4-2012 đến ngày 23-4-2012 nhưng ông này lại không công bố thông tin.
Tình trạng cổ đông nội bộ đăng ký lướt sóng cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình luôn là nỗi bức xúc của nhà đầu tư. Giá cổ phiếu thường rất nhạy cảm với thông tin từ doanh nghiệp, chính sự biến động giá sẽ tạo cơ hội kiếm lời cho những người nắm rõ thông tin cũng như việc điều tiết thực hiện công bố thông tin ra bên ngoài. Có thể thấy rõ, cổ đông nội bộ là những người có lợi thế trong giao dịch khi họ nắm được nhiều thông tin về doanh nghiệp. Do đó nhiều mã chứng khoán xảy ra trường hợp chính cổ đông nội bộ lại là những người đi “lướt sóng” cổ phiếu của doanh nghiệp mình.
Trường hợp cổ đông nội bộ phải báo cáo và công bố thông tin trước 3 ngày giao dịch, chỉ được thực hiện trong vòng 30 ngày (trước đây là 2 tháng), sau đó phải báo cáo trong vòng 3 ngày và không được đăng ký mua - bán trong cùng một khoảng thời gian; chỉ được đăng ký đợt tiếp theo sau khi đã báo cáo đợt trước đó. Nội dung của điều khoản này cũng đồng nghĩa với việc cổ đông nội bộ không còn có thể trực tiếp “lướt sóng” cổ phiếu của doanh nghiệp mình nữa.
Minh bạch là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của thị trường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc xử lý giao dịch nội gián, chậm công bố thông tin không phải là không có biện pháp ngăn chặn, xong phải có sự “mạnh tay” và kiên quyết từ các cơ quan quản lý. Một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải thực hiện cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho thị trường. Sự minh bạch là hết sức cần thiết giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Phú Thuận