Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2013
Ngày 7-11 sắp tới, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ năm 2013 sẽ diễn ra tại TPHCM. Đây là lần thứ 2, Sở Công thương TPHCM phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành tổ chức, đã trở thành hội nghị được nhiều doanh nghiệp (DN) trông chờ nhất trong năm.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu là nhằm hiện thực hóa các nội dung trong Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ (giai đoạn 2011- 2015) do Sở Công thương TPHCM ký kết với sở công thương các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ đã ký kết vào tháng 12-2011.
Chương trình cũng là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN, HTX, các làng nghề sản xuất trên địa bàn TPHCM và các địa phương tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường. Với chương trình này, TPHCM sẽ tìm kiếm giải pháp tối ưu trong việc hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng đặc sản từ các làng nghề với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng vào hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán năm 2014.
So với năm ngoái, chương trình kết nối năm nay đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo các tỉnh, thành. Ngoài các DN, HTX của 20 tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại với TPHCM, các mặt hàng đặc sản nổi tiếng của phía Bắc cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ có 2 nội dung chính, đó là Hội thảo “Kết nối cung - cầu hàng hóa theo mô hình liên kết: Nhà nước - nhà nông - nhà sản xuất - nhà phân phối”, được tổ chức trong buổi sáng ngày 7-11.
Tại đây, lãnh đạo các tỉnh thành cũng như các DN sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình, từ đó thảo luận những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy công tác kết nối cung - cầu hàng hóa đạt hiệu quả tốt nhất, như nhà phân phối cần gì ở nhà sản xuất, ngược lại nhà sản xuất sẽ làm gì để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đối tác, cũng như người tiêu dùng. Còn lãnh đạo các tỉnh, thành và các bộ chức năng cũng có dịp gặp gỡ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các DN để đưa ra những chính sách phù hợp…
Song song với hội thảo, phần trưng bày, giới thiệu sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề như nông sản, thực phẩm, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, đồ uống... sẽ diễn ra với quy mô 70 gian hàng tiêu chuẩn. Mỗi địa phương được bố trí 2 gian hàng miễn phí cho DN.
Riêng các DN của TPHCM sẽ trưng bày hàng hóa, giới thiệu thông tin của mình dưới hình thức “Ngôi nhà chung thành phố Hồ Chí Minh” với 10 gian hàng (trong đó có 3 gian hàng cho các HTX nông nghiệp, 3 gian hàng của DN bình ổn thị trường, 1 gian chợ đầu mối và 3 gian hàng cho DN sản xuất bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm phục vụ tết). Ngoài ra, ban tổ chức cũng bố trí 1 gian hàng cho các ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường giới thiệu các chương trình tài trợ, các gói cho vay hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực cho các đối tượng là tiểu thương chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại.
Theo dự kiến, có khoảng 1.500 lượt khách sẽ tham gia chương trình giới thiệu và trưng bày hàng hóa, bao gồm lãnh đạo, giám đốc thu mua các hệ thống phân phối gồm các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể tại TPHCM; đại diện BQL, tiểu thương, tổ trưởng ngành hàng các chợ đầu mối, chợ loại 1, loại 2 trên địa bàn TPHCM, cùng đại diện của DN các tỉnh, thành… Chính sự tham gia của đông đảo các thành phần, hiệu quả thiết thực mang lại, là yếu tố quan trọng để hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa thực sự trở thành sự kiện lớn nhất trong năm của ngành công thương phía Nam.
Ban tổ chức cũng mong muốn, ngay trong hội nghị, các nhà phân phối và sản xuất sẽ thực hiện được nhiều hợp đồng ghi nhớ so với năm 2012 nhằm tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, đồ uống, sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền, sản phẩm phục vụ tết vào hệ thống phân phối tại TPHCM. Đây cũng chính là nỗ lực của TPHCM và các tỉnh, thành thực hiện ngày càng hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
UYỂN CHI