Làm gì để tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang Myanmar, là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối giao thương Việt Nam - Myanmar do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Mandalay, Myanmar tổ chức vào ngày 19-5 vừa qua.
Đây là hoạt động mở đầu của chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar 2015 đã và đang diễn ra tại TP Yangon, Myanmar.
Doanh nghiệp VIệt Nam và Myanmar trao đổi, giới thiệu hoạt động và tìm kiếm đối tác tại hội Hội thảo Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối giao thương tổ chức tại TP Mandalay. Ảnh: Vân Nguyễn
Kim ngạch xuất khẩu tăng 4 lần
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, người “chủ công” xúc tiến vào Myanmar, ngay sau khi đất nước này mở cửa, thực hiện đổi mới nền kinh tế vào năm 2010, TPHCM xác định đây là thị trường trọng điểm, đầy tiềm năng cho DNVN. Từ đó đến nay, TP đã kiên trì thực hiện các đợt xúc tiến, thông qua các kỳ hội chợ, hội thảo, làm cầu nối cho DN hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TPHCM vào Myanmar tăng trưởng đều qua các năm. Nếu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM vào Myanmar mới chỉ đạt hơn 31 triệu USD thì năm 2014 đã tăng gấp 4 lần với 127 triệu USD.
Về cơ hội tăng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Myanmar, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, nhìn nhận, hiện tại hàng VN chất lượng cao với giá bán cạnh tranh đang được người tiêu dùng Myanmar quan tâm. Những DN sản xuất nông sản, thực phẩm chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại VN nên thuận lợi cho sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá tốt có thể cạnh tranh được với hàng cùng loại từ các nước châu Á khác tại Myanmar. Các DN may mặc cũng khẳng định nguồn vải sản xuất tại VN (nhất là của các công ty trong Tập đoàn Dệt may VN) có nhiều chất liệu phong phú từ dệt kim đến dệt thoi, từ giá thấp đến giá cao, nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng. Một số DN đã có nhà phân phối bản địa đã giúp việc tiêu thụ có khả năng tăng trưởng tốt. Từ đây, chúng ta có thể dùng các nhà phân phối của từng DN sẵn có để hướng đến việc các DN cùng là đối tác của một nhà phân phối cho nhiều mặt hàng cùng nhóm nhưng không cùng loại sản phẩm cạnh tranh trực tiếp nhau (ví dụ trong nhóm hàng thực phẩm chế biến: nước giải khát cùng đi với sữa, bánh kẹo; trong nhóm hàng thời trang: hàng may mặc đi với giày dép, phụ kiện thời trang;…). Cách làm này sẽ giúp giảm chi phí xúc tiến ban đầu cho DN.
Còn nhiều cản ngại
Bên cạnh những mặt thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa vào Myanmar vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thay mặt các DNVN, bà Phó Nam Phượng đã chuyển đến các quan chức của Myanmar nhiều vấn đề, đó là hải quan, kiểm dịch của Myanmar còn rất chậm và nhiều thủ tục rườm rà. Vận chuyển tàu thường mất 2 tuần, nhưng khi đến nơi, thủ tục để nhập hàng về kho cũng mất thời gian từ 2 - 3 tuần. Điều này gây khó khăn cho DN nhập khẩu thực phẩm chế biến có vòng đời sản phẩm ngắn 3 - 4 tháng. Theo đó, chi phí vận chuyển hàng từ VN đi Myanmar cao, sản phẩm của VN rất khó cạnh tranh giá với các sản phẩm cùng loại của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc,…
Nhiều DN tại Myanmar kinh doanh chưa theo thông lệ quốc tế trong phương thức giao hàng, điều kiện thanh toán, chưa phổ biến hình thức giao dịch qua email, fax hay điện thoại gây hạn chế trong việc trao đổi, thương thảo. Vấn đề giao dịch thanh toán của DNVN đến nay chưa thuận lợi do phải thông qua một ngân hàng nước ngoài khác. DNVN luôn muốn thông qua một nhà phân phối tại Myanmar, nhưng khó tìm được đối tác có kinh nghiệm và uy tín về từng lĩnh vực như thực phẩm, nước giải khát, hàng thời trang, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp, vì vậy một số DN vẫn xuất khẩu thông qua các công ty thương mại Thái Lan, Singapore. Chi phí vé máy bay kể cả quốc tế và quốc nội của Myanmar, cũng như chi phí khách sạn khá cao đang là rào cản phát triển ngành du lịch của hai nước. Liên quan lĩnh vực du lịch, DNVN nhận thấy có thể đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn quy mô trung bình, nhưng giá thuê đất, thuê mặt bằng ở Myanmar đắt nên khó khả thi.
Có mặt tại hội thảo, một số DNVN băn khoăn về môi trường đầu tư của Myanmar có đủ an toàn và công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài hay chưa? DNVN muốn liên doanh với đối tác Myanmar để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Myanmar. Hiện Myanmar có ưu đãi gì cho nhà đầu tư (như thuế, giá thuê đất, thời hạn thuê đất)?
Giải đáp cụ thể những vấn đề đặt ra, bà New Ni Oo, Vụ trưởng Tổng Vụ đầu tư và quản lý DN thuộc Bộ Kế hoạch và phát triển kinh tế quốc gia (Văn phòng tại TP Mandalay) nhấn mạnh, đối với VN, Mandalay đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực IT và truyền thông. Nhưng để đầu tư thành công thì thủ tục đầu tiên là phải có giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, có một hiệp hội của Chính phủ phụ trách mảng truyền thông đầu tư thành lập năm 2014, có chức năng kết nối giữa các cộng đồng DN liên quan đến đầu tư, tất cả có trên website của Chính phủ và hiệp hội, DNVN có thể truy cập vào địa chỉ website www.dicu.gov.mm. Tháng 11-2012, Myanmar đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vào Myanmar. Nếu như bộ luật cũ quy định giao dịch tiền tệ trước đây chỉ thông qua 2 ngân hàng thì nay các nước đều có cơ hội mở chi nhánh tại Myanmar để hoạt động.
Trong lĩnh vực thức ăn, nước uống không có cồn, trước đây DNVN phải có văn phòng tại Myanmar, nhưng nay chỉ cần liên doanh, liên kết với DN sở tại. Liên quan đến giá thuê đất, trước đây là 30, 50 và 70 năm thì nay chỉ còn 1 mức là 50 năm với mức giá linh hoạt cho từng thời điểm và từng khu vực. Thuế, trước đây DN FDI chỉ được miễn thuế 3 năm, nay tăng lên 5 năm và được miễn thuế tài sản và thuế về xuất khẩu. Trong lĩnh vực y tế và thiết bị bệnh viện, DN phải tìm cho được 1 DN Myanmar, vì theo luật mới đầu tư trang thiết bị phải thông qua công ty bản địa.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng khẳng định, TPHCM hiện có 140.000 DN hoạt động trong các lĩnh vực, có thể đáp ứng được các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của Myanmar. Bộ trưởng Kinh tế và kế hoạch quốc gia vùng Mandalay U Aung Zan cũng đánh giá cao năng lực đầu tư của các DNVN và mong muốn sẽ nỗ lực giải quyết tốt nhất các vấn đề VN đặt ra. Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP về chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng hóa của VN tại Mandalay, ông U Aung Zan nhấn mạnh: “Hàng VN có chất lượng rất tốt và ngày càng được người tiêu dùng chọn mua. Nhưng vì khoảng cách địa lý giữa VN và Myanmar không thuận lợi so với các nước khác nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Phía VN và Myanmar sẽ còn nhiều việc phải làm để mở đường cho hàng VN thâm nhập và cạnh tranh tốt hơn tại đây”.
THÚY HẢI
VN hiện xếp thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư vào Myanmar với tổng vốn đạt gần 600 triệu USD và đứng thứ 10 trong tỷ suất giao thương thương mại với Myanmar. Các lĩnh vực Myanmar ưu tiên kêu gọi đầu tư là cơ sở hạ tầng (cảng biển, đường sắt, đường bộ, sân bay), viễn thông, điện, điện tử, y tế, bất động sản,… Các lĩnh vực có tiềm năng là lương thực, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, khai khoáng, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm,… Lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vượt 500 triệu USD và vốn đầu tư trực tiếp từ VN vào Myanmar đạt 1 tỷ USD.