Mô hình nào để quản lý doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế quốc gia là chủ đề “nóng” từ nghị trường Quốc hội đến đông đảo dư luận trong thời gian qua. Từ những tồn tại của việc quản lý, giám sát kém hiệu quả vốn nhà nước, từ yêu cầu của các hiệp định FTA, WTO, TPP về công bằng giữa các thành phần kinh tế, yêu cầu về minh bạch thông tin, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền,… đòi hỏi cần có một mô hình hiệu quả trong việc quản lý và giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quản lý theo mô hình tập trung là xu hướng hiện nay trên thế giới
Trên thế giới, mô hình quản lý vốn nhà nước có thể chia làm ba loại: mô hình phân tán, mô hình tập trung và mô hình kép. Mô hình phân tán là Bộ quản lý ngành thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước như ở nước ta hiện nay. Mô hình tập trung là vốn các DNNN được tập trung về một tổ chức chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu, có thể là Bộ, cơ quan ngang Bộ như Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản nhà nước (SASAC) ở Trung Quốc, hoặc là công ty độc lập quản lý vốn nhà nước như Tập đoàn Temasek (Temasek Holdings) ở Singapore. Mô hình kép đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong thực hiện chức năng chủ sở hữu, quản lý tài chính tại doanh nghiệp với Bộ quản lý ngành (Bộ chủ quản) trong thực hiện chức năng quản lý khía cạnh kỹ thuật và nhiệm vụ hoạt động của doanh nghiệp như ở Hàn Quốc.
Cầu Sài Gòn 2.
Ngày càng có nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển áp dụng mô hình quản lý tập trung mà chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Singapore và Trung Quốc.
Chính phủ Singapore thành lập Temasek năm 1974 nhằm quản lý tốt hơn DNNN và tài sản tích tụ được của Singapore kể từ khi thành lập Nhà nước (các tài sản này trước đó do Bộ Tài chính quản lý), theo đó Bộ Tài chính Singapore có thể tập trung vào vai trò xây dựng chính sách và quản lý nhà nước. Mặc dù Temasek hoàn toàn thuộc sở hữu của Nhà nước Singapore với đại diện chủ sở hữu là Bộ Tài chính, nhưng Chính phủ Singapore không can thiệp vào việc quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh của Temasek (ngoại trừ vai trò độc lập dành riêng cho Tổng thống liên quan đến việc bảo vệ các tài sản nhà nước đã tích tụ được trong giai đoạn trước Temasek). Do đó, Temasek là một tổ chức kinh doanh thuần túy, với cam kết về mặt chính sách được hoạt động trên cơ sở thương mại, tách bạch với vai trò là công cụ chính sách và điều hành thị trường của Chính phủ, với mục tiêu hoạt động là tối đa hóa thu nhập trên vốn đầu tư. Thành công của Temasek trong việc quản lý hiệu quả các DNNN ngoài lý do được trao quyền tự quyết trong các hoạt động của công ty, còn do Temasek được quản lý và điều hành bởi đội ngũ lãnh đạo có đủ năng lực và kinh nghiệm, hướng tới văn hóa khuyến khích và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tập trung toàn bộ các DNNN cho một đơn vị để quản lý khó áp dụng ở những nước khác bởi Singapore là một quốc gia có diện tích nhỏ nên dễ tập trung quản lý và kiểm soát các doanh nghiệp nhìn từ góc độ phạm vi tác động.
Chính phủ Trung Quốc thành lập Ủy ban Quản lý giám sát tài sản nhà nước (SASAC) năm 2003 trên cơ sở cơ cấu lại và gộp chung các tổ chức chuyên quản DNNN ở trung ương, nhằm mục đích khắc phục sự chia cắt về quản lý giữa các Bộ, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, tập trung hóa việc quản lý và giám sát DNNN đối với các vấn đề quan trọng về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển, kế hoạch đầu tư hàng năm, quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi thành lập, SASAC đã thúc đẩy tổ chức công tác quản lý, giám sát tài sản nhà nước ở 3 cấp trung ương, tỉnh thành phố và địa khu bằng việc thành lập Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản các cấp.
Chuyên sâu, hiệu quả và kiểm soát tốt hơn
Ở nước ta hiện nay, các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được phân cấp thực hiện đồng thời vừa chức năng quản lý nhà nước về kinh tế vừa chức năng chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với định hướng xây dựng một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc trung ương như hiện nay là một giải pháp nhằm giúp tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của nhà nước, đảm bảo mục tiêu thực hiện một cách tập trung, hiệu quả và chuyên nghiệp quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu và trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bệnh viện Đại học Y dược.
Mô hình này bên cạnh ưu điểm giúp hình thành bộ máy chuyên sâu để quản lý doanh nghiệp hiệu quả, còn thêm ưu điểm là xác định rõ quyền và trách nhiệm trực tiếp của đơn vị đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, giúp cho quá trình đánh giá, giám sát, kiểm tra của Chính phủ, của Quốc hội và các cơ quan như kiểm toán nhà nước và thanh tra được độc lập và minh bạch, dễ xác định để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, với đặc trưng của quốc gia đang phát triển như Việt Nam là giới hạn ngân sách hạn hẹp, thì nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng tại các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề thường xuyên được đặt ra, đặc biệt là đối với các đô thị lớn có vị trí chính trị quan trọng cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách tạo động lực và đòn bẩy kinh tế để thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm thành công từ mô hình Temasek của Singapore cho thấy vai trò rất quan trọng của đội ngũ quản lý, điều hành doanh nghiệp, thì nguồn lực đội ngũ doanh nhân có năng lực và kinh nghiệm thương trường để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh còn đang rất khan hiếm đối với khu vực kinh tế nhà nước.
Vì vậy có thể thấy, nếu đứng ở góc độ đầu tư, việc “chia trứng ra nhiều giỏ” là một cách để giảm thiểu rủi ro, đồng thời đạt được kỳ vọng từ việc bảo toàn và quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước; thì đứng ở góc độ quản lý nhà nước, việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố lớn quản lý các DNNN trực thuộc là cần thiết, bên cạnh mục tiêu phân bổ nguồn lực hợp lý để phân tán rủi ro, còn tạo động lực phát huy nguồn lực về vốn cũng như về nguồn nhân lực tại chỗ, có thể được xem như là cánh tay nối dài của ngân sách nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương cho đầu tư phát triển, góp phần đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của cả nước.
Cùng với việc hình thành một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc bộ ngành trung ương, thì tại các địa phương là trung tâm kinh tế lớn cũng cần thiết có công ty chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc địa phương (kiểu SCIC địa phương) là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn tại doanh nghiệp cũng như đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của chủ sở hữu tại địa phương.
Đồng thời với việc chuyên môn hóa các cơ quan, đơn vị thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, xem công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra chính phủ nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp nhà nước cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cảnh báo rủi ro và đề ra biện pháp chấn chỉnh để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, tạo không gian cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển; hoàn thiện khung pháp lý tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; xây dựng chế độ đãi ngộ thu hút đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm... sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách DNNN, góp phần hình thành hệ thống doanh nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tạo sân chơi bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế theo đúng chủ trương Chính phủ đã đề ra.
Phạm Phú Quốc
Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh