Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đã thể hiện góc nhìn của ông đối với những quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp.
Cần hiểu về DNNN trong bối cảnh mới
* PV: Thưa ông, qua quá trình thảo luận của QH tại kỳ họp thứ 7 về dự án luật này, trong đó có nhiều ý kiến liên quan đến các quy định về DNNN, ủy ban dự kiến sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo hướng nào?
* Ông NGUYỄN VĂN PHÚC: Hiện có 2 văn bản luật quan trọng chế định hoạt động của DNNN đang trong quá trình sửa đổi, đó là Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Định hướng sửa đổi những nội dung về thành lập và quản trị doanh nghiệp thì đưa vào Luật DN; những nội dung về quản lý, sử dụng vốn thì đưa vào Luật Quản lý vốn.
Trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, dù có tổ chức thành chương riêng hay không thì chắc chắn vẫn phải có những quy định riêng về DNNN. Khi Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực thì thực tế đã có một “lỗ hổng” về luật đối với loại hình DNNN. Luật Doanh nghiệp sửa đổi phải trả lời cho được những câu hỏi: DNNN được thành lập trong lĩnh vực nào, quản lý theo mô hình nào để thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay về cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN.
Tôi thiên về hướng không tách thành chương riêng mà đưa nội dung về DNNN vào từng chương, mục trong dự luật. Ví dụ về mô hình công ty TNHH một thành viên thì đưa vào đây những đặc thù về quản trị DNNN. Hoặc những quy định đặc thù về HĐQT, thành viên quản lý DNNN cũng phải đưa vào. Vì đối với DN tư nhân không thể quy định nhiệm kỳ, pháp luật tôn trọng ý chí của chủ đầu tư, nhưng DNNN thì phải quy định nhiệm kỳ…
* Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước - đặc biệt là trong việc đảm bảo tính độc lập tự chủ của nền kinh tế - được thể hiện như thế nào trong dự luật để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 2013 về vấn đề này?
* Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 2013 đã xác định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế nhà nước là một trong những công cụ để thực hiện định hướng. Đương nhiên, kinh tế nhà nước, trong đó có DNNN, giữ vai trò chủ đạo, nhưng khái niệm “vai trò chủ đạo” cũng phải được hiểu trong bối cảnh mới. Luật, cũng như các chính sách khác, phải diễn giải vai trò đó theo tinh thần mới, ví như không thể hiểu “chủ đạo” nghĩa là tăng số lượng, rót thêm nhiều vốn hơn nữa...
Tương tự, khái niệm “độc lập tự chủ của nền kinh tế” cũng phải được hiểu đúng. Cương lĩnh của Đảng và điều đầu tiên trong Chương 3 Hiến pháp 2013 khẳng định yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập và hợp tác. Yêu cầu hội nhập, hợp tác cho thấy các nền kinh tế hiện nay đều có sự tùy thuộc lẫn nhau một cách khách quan, tự nhiên. Nói cách khác, nền kinh tế độc lập, tự chủ là nền kinh tế có thể quản trị được rủi ro, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực khi có biến động từ bên ngoài; có thể thông qua việc xây dựng năng lực cho các ngành, các lĩnh vực quan trọng, cả sản xuất trong nước lẫn giao thương, hợp tác quốc tế.
Và như thế thì toàn bộ cộng đồng DN phải nỗ lực, chứ không riêng gì DNNN. Tôi cho rằng về cơ bản, nội dung Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã thể hiện được quan điểm này. Đương nhiên cũng đang có một số điểm cần tiếp tục cân nhắc, hoàn thiện. Đơn cử như có nên coi DN có 51% vốn nhà nước là DNNN hay không. Một số chuyên gia và ĐBQH cho rằng đã gọi DNNN thì phải là 100%, chứ 51% cũng không phải. Nếu Nhà nước chỉ có 51% mà lại nắm quyền kiểm soát quá lớn, làm cho các thành phần khác bị lép vế, mất quyền chủ động, không khuyến khích được các thành phần kinh tế khác bỏ vốn vào các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên mà Nhà nước có phần vốn góp. Cá nhân tôi cho rằng đây là ý kiến hợp lý. Cũng giống như khái niệm “DN có vốn đầu tư nước ngoài” và DN nước ngoài là khác nhau vậy.
Tóm lại, cần có cách hiểu về DNNN, kinh tế nhà nước trong bối cảnh mới, điều này cực kỳ quan trọng, nếu không sẽ rất khó điều chỉnh linh hoạt, khó thích ứng được với thực tiễn của nền kinh tế và chắc chắn sẽ quay lại căn bệnh cũ.
Lĩng vực nào cũng phải theo Luật Doanh nghiệp
* Có ý kiến cho rằng muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ để đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế thì vai trò của DNNN cũng rất quan trọng, thậm chí vì thế mà tiến trình cổ phần hóa một số tập đoàn nhà nước cần tính lại. Ông nghĩ sao?
* Tôi cho rằng để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì yếu tố quan trọng nhất là chính sách đúng. Có chính sách đúng thì khối DN vừa và nhỏ hoàn toàn có thể làm tốt vai trò xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
* Hiện nay có một số DNNN, cụ thể như Viettel, được tổ chức theo mô hình không có hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị mà chỉ có tổng giám đốc và được giải thích đó là do đặc thù của một DN quân đội. Nhưng cũng là DN của quân đội thì mô hình của Ngân hàng Quân đội (MB) lại rất khác. Tất nhiên khối tư nhân cũng vậy, như Ngân hàng Á Châu có mô hình “Hội đồng sáng lập” không thấy có trong luật. Nên có cách nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
* Với khối DN tư nhân, có loại hình quản trị được quy định trong luật, có loại được quy định trong điều lệ DN để tôn trọng ý chí của người sáng lập. Nếu “Hội đồng sáng lập” được thành lập để tư vấn, hỗ trợ HĐQT, bảo vệ cổ đông… thì không sao, nhưng lập ra một tổ chức có quyền hạn quyết định các vấn đề về hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhân sự, xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn… thậm chí chi phối cả đại hội đồng cổ đông mà không theo Luật Doanh nghiệp thì không đúng.
Đối với DNNN, theo tôi, dù là hoạt động trong lĩnh vực nào (ngay cả quốc phòng an ninh thì cũng là đặc thù về nhiệm vụ chứ không phải đặc thù về quản trị) nên về mô hình tổ chức vẫn phải tuân theo Luật Doanh nghiệp.
* Nói cách khác, việc thành lập và quản trị DN không phụ thuộc cơ quan chủ quản?
* Luật Doanh nghiệp đưa ra mô hình chung, không thể mỗi cơ quan chủ quản một kiểu mô hình. Nghĩa là tiêu chí quản trị chung phải được tuân thủ. Cũng có ý kiến đề nghị luật cho phép lựa chọn một trong nhiều phương án quản trị DN, có thể có hoặc không có ban kiểm soát. Vấn đề này QH sẽ bàn thêm và quyết định tại kỳ họp sau, nhưng tinh thần là đã tham gia lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, bất kể trực thuộc bộ ngành nào.
Cụ thể, dù gọi là tổng công ty cổ phần hay công ty cổ phần tập đoàn hay gọi là gì đi nữa, thì về cơ bản DN cũng chỉ hoạt động theo một trong các loại hình, gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, DN cá thể (DN tư nhân), hoặc hoạt động theo mô hình DNNN, hoặc nhóm công ty. Đăng ký theo mô hình nào, DN phải hoạt động theo các quy định về tổ chức, quản trị của mô hình đó, được quy định trong Luật Doanh nghiệp.
BẢO ANH thực hiện