Mô hình sáng tạo, hiệu quả thiết thực

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) trên địa bàn TPHCM năm 2013, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhận định: Sau một năm triển khai, Chương trình kết nối NH-DN đã giải quyết vấn đề rất lớn đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế của TPHCM trên 9%, tăng trưởng tín dụng cũng trên 9%. Điều đó thể hiện đồng vốn của ngân hàng đã được sử dụng rất hiệu quả thông qua chương trình này.
Mô hình sáng tạo, hiệu quả thiết thực

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TPHCM

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) trên địa bàn TPHCM năm 2013, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhận định: Sau một năm triển khai, Chương trình kết nối NH-DN đã giải quyết vấn đề rất lớn đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế của TPHCM trên 9%, tăng trưởng tín dụng cũng trên 9%. Điều đó thể hiện đồng vốn của ngân hàng đã được sử dụng rất hiệu quả thông qua chương trình này.

DN được ký vay 800 tỷ đồng đầu tiên của Chương trình kết nối NH-DN 2014 trong ngày 27-2. Ảnh: HUY ANH

DN được ký vay 800 tỷ đồng đầu tiên của Chương trình kết nối NH-DN 2014 trong ngày 27-2. Ảnh: HUY ANH

Ký kết thật và làm thật

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, Chương trình kết nối NH-DN là một mô hình kết nối trực tiếp NH-DN dưới hình thức chương trình lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi, là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước - NH-DN. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHNN. NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã giải ngân được gần 13.000 tỷ đồng và tạo điều kiện cho DN, khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua chương trình này, chính quyền TP cũng nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua đối thoại với DN và giải quyết nhu cầu vốn, xử lý khó khăn trong quan hệ tín dụng NH-DN. Các NHTM trên địa bàn TP cũng đã phối hợp với UBND các quận - huyện trực tiếp ký kết hợp đồng tín dụng cho các DN tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Ngoài ra, chương trình này cũng là bạn đồng hành của Chương trình bình ổn thị trường của TP vì thông qua đó, các NHTM cũng đã cho các DN tham gia bình ổn thị trường vay với lãi suất thấp để TP không phải sử dụng vốn ngân sách như trước đây, tạo điều kiện cho chương trình bình ổn thị trường của TP tiếp tục phát huy hiệu quả, tác động tích cực đối với ổn định kinh tế TP. Chương trình này cũng đã được UBND TPHCM đưa vào Chương trình trọng điểm của TP trong năm 2014.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, đây là mô hình mới chỉ có tại TPHCM trong khi các tỉnh thành khác chỉ dừng lại ở việc đối thoại DN. Thông qua chương trình này, việc kết nối ngân hàng và DN đã được nâng cao hơn một bước, đó là: “ký kết thật và làm thật” nghĩa là các khoản vay được ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi tại lễ ký kết sẽ phải được thực hiện giải ngân theo đúng cam kết trừ trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay. Đánh giá về chương trình này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhận định: Chương trình kết nối NH-DN là mô hình mới của TPHCM thể hiện tính chủ động và sáng tạo của TP trong hoạt động chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chương trình này đã mang lại những ý nghĩa và kết quả thiết thực, tích cực cũng như có hiệu ứng lan tỏa cao đối với cả cộng đồng DN lẫn hệ thống NHTM trên địa bàn TP.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Đánh giá về chương trình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, mặc dù kết quả qua con số của chương trình chưa thực sự lớn nhưng có ý nghĩa rất lớn. Từ đó Thống đốc cũng đã đề nghị cần phải nhân rộng chương trình hơn nữa và triển khai chương trình này một cách quyết liệt trong năm 2014 để chương trình đạt kết quả cao hơn. Từ đó, Thống đốc đề nghị các NHTM tham gia tích cực hơn; đồng thời kêu gọi tất cả các TCTD tiến hành cam kết với TP để tham gia chương trình trong năm 2014. Theo đó, mục tiêu của chương trình này trong năm 2014 là phải giải ngân được ít nhất 20.000 tỷ đồng. Với tinh thần đó, Thống đốc cũng đã yêu cầu lãnh đạo của các ngân hàng có trụ sở trên địa bàn TP như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV hỗ trợ, triển khai và giám sát việc thực hiện chương trình này để đạt được kết quả tốt nhất. “Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 là 12% - 14%, ngay từ  quý 1, ngành ngân hàng phải bắt tay vào triển khai mạnh chương trình này để khơi thông vốn, đồng thời sẽ nhân rộng mô hình này ra cả nước để đạt được mục tiêu đề ra” - Thống đốc nhấn mạnh.

Về lãi suất trong năm 2014, Thống đốc khẳng định ít nhất giữ mặt bằng hiện nay. Trong điều kiện cho phép thì có thể giảm 1% - 2% đối với lãi suất cho vay. Chỉ đạo về hướng triển khai Chương trình kết nối NH-DN năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khuyến khích các NHTM trước mắt có thể giảm thêm 0,5% và tiếp tục giảm tổng cộng 1% trong năm 2014, xuống mức 5%/năm khi tham gia cho vay ở Chương trình bình ổn thị trường của TP (hiện nay mức cho vay 6%/năm). Riêng đối với Chương trình kết nối NH-DN, có thể chia làm 2 đối tượng: các DN cho vay ngắn hạn có thể xem xét giảm lãi suất xuống mức 7% - 8%/năm (hiện khoảng 8% - 9%/năm); trung và dài hạn ở mức 9,5% - 10%/năm (hiện 9% - 12%/năm). Riêng đối với các tiểu thương, Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng chủ động phối hợp với ban quản lý chợ giảm thủ tục để đối tượng này được tiếp cận vốn chính thức từ ngân hàng, hạn chế tình trạng vay nóng từ bên ngoài.

HẠNH NHUNG

  • Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình: Chương trình là chiếc phao cứu sinh của doanh nghiệp

Các DN trên địa bàn quận chủ yếu là DN có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế chung. Sau 2 đợt ký kết đã có 30 DN trên địa bàn quận được vay 309,3 tỷ đồng, gần 60 tiểu thương cũng đã được vay 24,8 tỷ đồng để có vốn tăng thu nhập cho gia đình, nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Chương trình kết nối NH-DN là chiếc phao cứu sinh của DN. Chương trình này không những đã giúp các DN nhỏ và vừa trên địa bàn quận vượt qua khó khăn, duy trì được sản xuất, kinh doanh mà quan trọng hơn là đã tạo ra thêm việc làm hàng trăm lao động và tăng nguồn thu nộp cho ngân sách… Do đó kiến nghị UBND TP tiếp tục cho triển khai thực hiện mạnh chương trình kết nối NH-DN trong năm 2014.

  • Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: Cần mở rộng lĩnh vực cho vay

Qua 3 đợt ký kết, 10 chi nhánh ngân hàng đã cho 71 DN trên địa bàn quận vay với 543 tỷ đồng. Thông qua chương trình này đã giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng nhanh chóng với lãi suất ưu đãi đã giúp DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của DN và hộ kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp còn rất lớn. Trong thời gian tới, Chương trình kết nối NH-DN nên lập tổ công tác hỗ trợ DN để tư vấn về thủ tục, định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đối thoại và cung cấp thông tin kịp thời cho DN; xem xét mở rộng lĩnh vực cho vay, mở rộng đối tượng cho vay trung và dài hạn để nhiều DN có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ chương trình.

  • Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM: 40.000 tỷ đồng cho vay Chương trình kết nối NH-DN 2014

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM và NHNN về tháo gỡ khó khăn cho DN năm 2014, NHNN chi nhánh TPHCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình kết nối NH-DN 2014. Theo đó, ngoài việc tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các nhóm đối tượng khách hàng thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong năm 2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay hỗ trợ các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Chỉ tiêu kế hoạch về tổng doanh số cho vay chương trình này trong năm 2014 là 40.000 tỷ đồng, gồm cho vay ngắn, trung và dài hạn; cho vay cả VNĐ và ngoại tệ trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao.

  • Ông Phan Huy Khang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank: 1.500 tỷ đồng tham gia Chương trình Bình ổn thị trường TP 2014

Trên nền tảng năm 2013, Sacombank sẽ tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng DN và cá nhân, đặc biệt chú trọng tới các DN vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh, tiểu thương… cũng như tích cực hưởng ứng những chủ trương của UBND TPHCM, Sở Công thương, NHNN và các cơ quan quản lý để phát huy nguồn vốn ưu đãi hiệu quả hơn. Cụ thể, trong năm 2014, Sacombank sẽ triển khai nguồn vốn ưu đãi lên đến 1.500 tỷ đồng để tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trong năm 2014 của UBND TPHCM và Sở Công thương với lãi suất từ 6% - 10%/năm. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với chính quyền TPHCM, các địa phương và NHNN Việt Nam để thực hiện các chương trình xã hội hóa, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

  • Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Ngân hàng là trụ cột trong liên kết hỗ trợ bình ổn

Trước đây, các DN bình ổn chỉ vay không lãi tương ứng với 15% tổng vốn lưu chuyển nhưng nhờ có sự tham gia của hệ thống ngân hàng vào Chương trình bình ổn thị trường TP, trong năm 2013 DN đã được vay với hạn mức cao hơn nhưng lãi vay cũng chỉ bằng với lãi suất ưu đãi là không quá 6%/năm. Quan trọng hơn, không phải chi phí vay hay lãi suất cho vay được giảm mà là có sự tham gia của ngân hàng đã tạo nên một bức tranh toàn diện cho Chương trình Bình ổn thị trường. Trong đó, các DN tìm thấy sự yên tâm, ổn định hơn vì trước đây giữa ngân hàng và DN luôn có khoảng cách thì nay đã “gặp nhau”, cùng song hành, đồng hành và trở thành những đối tác gần gũi. Vai trò của hệ thống ngân hàng là trụ cột trong liên kết hỗ trợ bình ổn, góp phần rất lớn vào sự thành công của chương trình này.

MINH HUY ghi

Tin cùng chuyên mục