Mở hướng liên kết tiểu vùng

Trong khi việc liên kết vùng ở ĐBSCL triển khai chậm thì gần đây các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười…đột phá bằng cách liên kết tiểu vùng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phát triển du lịch, giao thông…Đây được xem là hướng đi mới trong việc liên kết thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.  
Nhu cầu bức bách 
Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích hơn 500.000ha thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Dù là vùng đất rất tiềm năng, nhưng thời gian qua các tỉnh trong tiểu vùng này phát triển kinh tế - xã hội theo dạng riêng lẻ, dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo về cơ sở hạ tầng, sản phẩm trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu kết nối trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, chưa khai thác hết lợi thế của từng địa phương.
Những vấn đề suy giảm nguồn nước ngầm, sụt lún đất, diện tích canh tác lúa 3 vụ quá nhiều và liên tục làm đất bạc màu, chi phí tăng cao, đặc biệt nhiều đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mê Công làm ảnh hưởng nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, tác động đến đời sống, sản xuất của người dân Tứ giác Long Xuyên. 
Trước những nhu cầu bức thiết đó, các địa phương đã đặt ra việc liên kết tiểu vùng. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Sau khi được Chính phủ và các bộ ngành chức năng đồng ý, tháng 10-2017, UBND tỉnh An Giang đã thành lập Ban điều hành và tổ giúp việc xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”. Mục tiêu của việc liên kết nhằm xây dựng Tứ giác Long Xuyên thành tiểu vùng phồn thịnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; thông qua hợp tác giữa các địa phương, đảm bảo sự quản lý, thống nhất nhằm phát huy hiệu quả, lợi thế của các tỉnh tham gia”.
Mở hướng liên kết tiểu vùng ảnh 1 Chế biến, xuất khẩu cá tra, thế mạnh của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết và quan trọng. Trong đó, tầm nhìn của liên kết cần đặt trong sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL. Việc liên kết cần quan tâm đến sử dụng công nghiệp 4.0 ứng dụng vào phát triển nông nghiệp; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng…”.
Cùng đó, 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An cũng khẩn trương thực hiện liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Lãnh đạo 3 tỉnh trên thống nhất 5 chương trình thuộc đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, gồm: Phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách liên kết và kêu gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Vùng Đồng Tháp Mười rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng hạn chế là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, trái cây, thủy sản… còn sản xuất dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Trên cơ sở nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười, việc liên kết tiểu vùng giữa 3 tỉnh cần được thực hiện theo nguyên tắc “tất cả cùng thắng” nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất…”. 
Mới đây, 4 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang và Trà Vinh cũng vừa họp bàn liên kết “Phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL”. Đây là vùng sản xuất nhiều loại trái cây, trồng dừa, nuôi tôm… Thế nhưng, vì thiếu liên kết nên nguồn nguyên liệu không ổn định về chất lượng và số lượng; quy mô canh tác còn nhỏ nên khó ứng dụng khoa học kỹ thuật; chế biến nông thủy sản chưa phát triển… Các địa phương đã nhận ra việc liên kết để cùng phát triển, thích ứng với tình hình mới. 
Liên kết để “chiếc bánh” lớn hơn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời buổi hội nhập, việc sản xuất riêng lẻ sẽ khó mang lại hiệu quả, bởi nội lực yếu, kém thế cạnh tranh. Việc các tỉnh vùng ĐBSCL có cùng chung điều kiện tự nhiên, cùng chung lợi thế, cùng ngành nghề… liên kết bằng hình thức tiểu vùng để tăng sức mạnh, tránh cạnh tranh trùng lắp là hết sức cần thiết.
Theo đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Trong sản xuất nông nghiệp việc “mua chung, dùng chung” sẽ giảm được chi phí giá thành sản xuất và mang lại nhiều cái lợi…
Đồng Tháp đã mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và được sự đồng ý cho Đồng Tháp chủ trì phối hợp với 2 tỉnh Tiền Giang và Long An thực hiện xây dựng đề án liên kết. Tinh thần chung của liên kết tiểu vùng không phải để chia phần, mà làm sao để “chiếc bánh” lớn hơn theo hướng từng tỉnh mạnh lên, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. 
Cùng quan điểm trên, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nhận định: “Để thúc đẩy kinh tế của từng địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, không thể không liên kết, hợp lực cùng nhau. Bản thân Bến Tre luôn mong muốn liên kết, hình thành tiểu vùng nhằm tạo ra môi trường chung, phát huy thế mạnh, khai thác lợi thế tiểu vùng; kiến nghị cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho tiểu vùng… Để việc liên kết thành công, các tỉnh cần quyết tâm, đồng lòng, mạnh dạn xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương để hợp tác trên tinh thần cùng có lợi”. 
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, việc liên kết phát triển tiểu vùng phía Đông ĐBSCL cần thuận tự nhiên. Trong đó, quan tâm đầu tư và phát huy tiềm năng kinh tế biển như đánh bắt, khai thác thủy hải sản; chú trọng nuôi thủy sản bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi khẳng định: “Sau khi bàn bạc và được sự góp ý từ các bộ ngành Trung ương, các địa phương thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cùng quyết tâm liên kết xây dựng nơi đây thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích nghi tốt với thị trường và phát huy tối đa chuỗi giá trị sản phẩm; công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh; du lịch hướng đến sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử…
Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người ở tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nằm trong nhóm khá của cả nước; xây dựng nông thôn và đô thị xanh, sạch, đẹp; không có ô nhiễm về đất, nguồn nước; xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ; mọi người dân đều được tiếp cận tốt các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Tất cả cùng nỗ lực nhằm xây dựng tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trở thành nơi đáng sống của người dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung”  

Tin cùng chuyên mục