Mở hướng xây dựng Nông thôn mới bền vững

Trong lúc các loại hàng hóa nông sản nói chung, sản phẩm chế biến từ nông sản nói riêng phần nhiều đang “bít” đầu ra vì thiếu sức cạnh tranh, thì chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ra đời. Chương trình OCOP có ý nghĩa vô cùng quan trọng, như một luồng gió mới góp phần vực dậy, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trồng và thu hoạch rau sạch ở huyện Cần Đước, Long An
Trồng và thu hoạch rau sạch ở huyện Cần Đước, Long An

Khơi dòng kinh tế nông thôn

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, thì tỉnh Long An đã ban hành Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ đó, tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý các cấp, chủ thể sản xuất kinh doanh những nội dung cơ bản về chương trình OCOP. Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP, lồng ghép với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp... Qua đó giúp cán bộ quản lý, các chủ thể sản xuất kinh doanh hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của chương trình và đặc biệt là vận dụng để hình thành các sản phẩm OCOP; giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh nhìn nhận và củng cố lại đơn vị, nhất là bộ phận kế toán, bộ phận kinh doanh...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; thực hiện điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trạm dừng chân Đồng Tháp Mười trên tuyến quốc lộ 62 (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa), thu hút được trên 20 chủ thể sản xuất tham gia… Theo bà Phương Khanh, qua 3 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP thực sự là giải pháp quan trọng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, khơi dòng sản xuất ở nông thôn, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Quả thật, qua 3 năm thực hiện chương trình OCOP, nhiều vùng nông thôn ở Long An đã chuyển mình rất đáng kể. Trong 3 năm, từ con số không, đến nay Long An đã tổ chức đánh giá và công nhận 14 sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao…

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, điểm nổi bật của các sản phẩm OCOP là tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường tại nơi sản xuất. Ngoài ra, bao bì, nhãn mác của sản phẩm OCOP cũng từng bước được cải tiến, không chỉ đáp ứng nhu cầu đẹp, ấn tượng mà còn đảm bảo quy định về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là biện pháp hữu hiệu vừa chống hàng giả, hàng nhái vừa tạo niềm tin về sản phẩm OCOP với người tiêu dùng.

Sau hơn 3 năm Long An thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Nhờ thế mà đã có nhiều cơ sở sản suất kinh doanh trong tỉnh mạnh dạn tham gia chương trình với mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh của địa phương.
Theo người dân, chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, thị và thành phố. Mục đích cao nhất là tập trung sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng thu nhập cho người dân nông thôn, giúp họ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cùng phong trào xây dựng NTM ngày càng hiệu quả và bền vững.

Trăm hoa đua nở

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước (Long An), cho biết, để cụ thể hóa chương trình OCOP, huyện Cần Đước triển khai mô hình trọng điểm phát triển nông nghiệp gắn với chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, DN nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Cũng từ đó, Cần Đước có 3 sản phẩm được đưa vào chương trình OCOP của tỉnh: lạp xưởng Cô Châu ở thị trấn Cần Đước, cải bẹ xanh của HTX Rau an toàn Mười Hai ở xã Long Khê và bánh in Long Hựu. Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.

Như HTX Rau an toàn Mười Hai, sau khi được huyện chọn tham gia chương trình OCOP, HTX được trợ vốn, kỹ thuật, các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực sản xuất, sơ chế cũng được nâng cấp. Nhờ thế, sản phẩm rau an toàn của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tín nhiệm, được tiêu thụ nhiều, hơn 2 năm tham gia chương trình, doanh thu của HTX đều tăng. Hiện, HTX có 31 thành viên, sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá đạt chuẩn VietGAP (với diện tích hơn 10ha). Qua đó, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai, cho biết, các thành viên của HTX đều vui mừng vì từ khi tham gia OCOP, đầu ra của sản phẩm được ổn định, thu nhập của thành viên cũng khá hơn. Hiện nay, HTX cung cấp rau an toàn cho hệ thống siêu thị Lucky Farm, Công ty Aritex, Công ty PCC…

Còn bà Lưu Thị Kim Châu, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu cho rằng, nhờ chương trình OCOP làm cầu nối để sản phẩm đến gần hơn với thị trường. Cũng từ chương trình này, bà có điều kiện tốt hơn để áp dụng kỹ thuật hiện đại trong chế biến, nhờ vậy các sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất, thương hiệu được người tiêu dùng ngày càng tín nhiệm. Tương tự, thương hiệu bánh in Long Hựu cũng được người tiêu dùng xa gần tín nhiệm cũng từ chương trình OCOP. Sản phẩm bánh in của cơ sở này đang dần khẳng định uy tín và chất lượng, sản phẩm làm ra đều sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại huyện Cần Giuộc (Long An), HTX NN-SX-TM-DV Phước Thịnh ở xã Phước Hậu có 9 sản phẩm tham gia chương trình OCOP như cốm ngò, lạp xưởng tôm, rau ăn lá, rau mùi các loại, dưa lưới… Theo đánh giá phân hạng của chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX đạt chuẩn 3 sao, đây là tiền đề quan trọng để phấn đấu đạt chuẩn 4 sao trong thời gian tới. “Sắp tới, HTX hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững sản lượng cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là tiêu chí an toàn thực phẩm phải luôn đặt lên hàng đầu”, giám đốc HTX này cho biết.

Tương tự, ở xã Tân Bình (huyện Tân Trụ, Long An), địa phương không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, mà còn nổi tiếng với sản vật chùm ngây - một loại cây giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Vườn Nhà Mình đang sản xuất bột chùm ngây cung để cung cấp cho thị trường khoảng 500kg/tháng. Qua đó tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, mức 6-7 triệu đồng/người/tháng. “Hiện nay, công ty đang vận động người dân mở rộng quy mô sản xuất cây chùm ngây để tạo thành vùng nguyên liệu cung cấp cho công ty”- ông Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vườn Nhà Mình, cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, công ty đang hoàn tất thủ tục xét công nhận OCOP cho các sản phẩm và ông tin rằng “trong thời gian không xa, các sản phẩm sẽ được công nhận và người tiêu dùng ngày càng tin dùng hơn”. Còn tại huyện Thạnh Hóa (Long An), hơn 3 năm cùng tham gia chương trình OCOP, 3 sản phẩm của huyện được xếp hạng 3 sao là: rượu chanh Khắp Phượng, mật ong hoa tràm Quang Vinh, mật ong hoa nhãn Quang Vinh…

Cái khó hiện nay, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCCP của tỉnh, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về chương trình OCOP khó thực hiện; công tác xúc tiến thương mại (tổ chức và tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP) hầu như không triển khai được. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân sản xuất. Hầu hết các cơ sở khó đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” nên phải tạm ngưng sản xuất.

Liên kết, phát triển kinh tế cộng đồng

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh nhìn nhận, OCOP là chương trình hiệu quả, thiết thực với người dân, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Việc này rất quan trọng với Long An khi ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh đang trong giai đoạn phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến. Chương trình OCOP không chỉ giúp địa phương giải quyết vấn đề giảm nghèo, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân mà còn xây dựng mối liên kết, phát triển kinh tế cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục