Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc từ ngày 30-10 đến 1-11 được giới quan sát và thông tin đại chúng trong và ngoài nước đặc biệt chú ý. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Bởi, đây là chuyến thăm đầu tiên của người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đến Trung Quốc sau kết quả thành công của Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc với việc đồng chí Tập Cận Bình được bầu tiếp tục là “hạt nhân lãnh đạo” Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước CHND Trung Hoa.

Hai nhà lãnh đạo của hai nước đã cùng nhau trao đổi sâu sắc những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến 13 văn kiện được ký kết.

Trong đó có: Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022-2027 giữa Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc… 

Trong 13 văn kiện được hai bên ký kết, kinh tế chiếm phần lớn nội dung nghị sự. Điều này cho thấy, kinh tế là lĩnh vực được cả hai bên đặt mối quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đặc biệt này cũng hoàn toàn có cơ sở. Hiện Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều trong 9 tháng đầu năm nay đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 22,438 tỷ USD. Những vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh tế, giao thương song phương được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục cam kết phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là đề cao đường lối đối ngoại, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả. Chuyến thăm cũng đồng thời làm rõ những quan tâm, lập trường đúng đắn và các lợi ích chính đáng của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Tin cùng chuyên mục