Mở rộng bảo hiểm xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu

Năm 2037... kiệt quỹ!
Mở rộng bảo hiểm xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu

Hội thảo về chính sách bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội được Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 6-9.

Bệnh nhân khám theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Bệnh nhân khám theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Năm 2037... kiệt quỹ!

Đó là một khả năng được bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề cập trong báo cáo. Theo kết quả tính toán, dự báo với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng, kể cả dự tính ngân sách chuyển sang cho quỹ BHXH tiền đóng BHXH của đối tượng tham gia BHXH trước 1-10-1995), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nói: “Trong khi mỗi chế độ bảo hiểm có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tính chất, mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung điều chỉnh hoàn toàn khác nhau mà lại được điều chỉnh chung trong một luật là không hợp lý. Về lâu dài, Nhà nước cần tổng kết, phân tích, đánh giá luật BHXH, xem xét mục tiêu, yêu cầu, tính chất, nguyên tắc đóng - hưởng, cân đối quỹ, nội dung của từng chế độ bảo hiểm ngắn hạn, dài hạn để tách riêng, xây dựng thành các đạo luật chuyên đề”.

Tuổi nghỉ hưu nên là bao nhiêu?

Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO FACTS), để đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài (trong 50 hoặc 100 năm tới) thì việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ, đồng thời giảm mức chi cho lương hưu là “không thể tránh khỏi”. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính, việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam và việc thay đổi cùng lúc nhiều nội dung của chế độ hưu trí sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động nên cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo và có bước đi thích hợp. Ông Chính đề nghị giữ độ tuổi nghỉ hưu như Bộ luật Lao động 2012.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn đồng tình: “Không thể không tính tới yếu tố tâm lý xã hội vào thời điểm hiện tại, trong những điều kiện cụ thể, môi trường, trình độ, năng suất lao động và khả năng thay đổi chính sách thì có lẽ chưa nên đặt vấn đề nâng độ tuổi hưu trí lên 65”.

Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh yêu cầu nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH; tăng cường quản lý tốt đối tượng, tránh tình trạng chỉ thu được tiền BHXH từ số lao động do doanh nghiệp tự đăng ký, còn đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì chưa nắm bắt được đầy đủ...

 
 
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới quan trọng. Theo đó, dự thảo luật bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên; bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể; bổ sung đối tượng là người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương.
 
 
 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục