TPHCM có khoảng 500.000 người già. Tốc độ già hóa dân số của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra mạnh. Trong khi đó, kết quả khảo sát của các chuyên gia cho thấy, 90% phụ nữ lấy chồng không muốn ở cùng cha mẹ chồng và con cái, họ có thể chu cấp chứ không muốn sống chung với cha mẹ. TPHCM sẽ làm gì để người già được chăm sóc tốt hơn?
Phát triển dịch vụ dưỡng lão
Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Sở LĐTB-XH TPHCM) đang chăm sóc 134 người già. Trong đó, có 57 người thuộc diện chính sách có công, được chăm sóc miễn phí. Ngoài ra, Sở LĐTB-XH TPHCM còn có 2 cơ sở là Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, chăm sóc tổng cộng 594 người già theo diện bảo trợ (miễn phí). Hai cơ sở này không có dịch vụ chăm sóc người già có thu phí. Toàn TPHCM chỉ có một cơ sở công lập có dịch vụ này là Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc trung tâm, cho biết nhu cầu gửi người già vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè rất nhiều, nhưng trung tâm không thể đáp ứng hết, cơ sở vật chất và nhân lực không cho phép. Đến nay, chỉ có 77 người được trung tâm cung cấp dịch vụ này với mức giá khoảng 2,7 triệu đồng/người/tháng. Các cụ được sử dụng dịch vụ cũng ưu tiên là thân nhân người có công, cha mẹ công nhân viên chức chứ chưa thể đáp ứng đông đảo nhu cầu của các gia đình.
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH, nhu cầu gửi người già vào các cơ sở dưỡng lão ở thành phố hiện nay rất nhiều. Các gia đình thường là hoàn cảnh con cái đi làm liên tục, trong khi cha mẹ lớn tuổi, chưa có điều kiện chăm sóc tốt. Bản thân nhiều cụ cũng muốn vào viện dưỡng lão để được chăm sóc và bầu bạn với người cùng tuổi. TPHCM cũng luôn mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các viện dưỡng lão nhưng số cơ sở có dịch vụ chăm sóc người già vẫn còn quá ít. Trong khi dịch vụ chăm sóc người già có thu phí do nhà nước cung cấp mới phục vụ được 77 người thì đến nay, thành phố cũng có hơn 130 người già sử dụng dịch vụ chăm sóc của 3 cơ sở dưỡng lão tư nhân. Trong đó, cơ sở bảo trợ xã hội Phước Ân (quận Bình Tân) đang chăm sóc 30 người; chi phí khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Công ty cổ phần Đầu tư an dưỡng Bình Mỹ (huyện Củ Chi) đang chăm sóc khoảng 100 người với nhiều loại mức giá khác nhau, từ 3 đến 5 và 10 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, cơ sở Nghỉ dưỡng thôn Kinh Đông lại hướng đến đối tượng khá giả hơn, dịch vụ ở đây có giá 15 - 25 triệu đồng/người/tháng.
Nên chăm sóc bán trú, theo giờ
Theo ông Lê Chu Giang, người già được chăm sóc tại cộng đồng bao giờ cũng tốt hơn là vào trung tâm dưỡng lão. Bởi ở môi trường cộng đồng, mối quan hệ xã hội của người già rộng, các cụ sẽ duy trì các hoạt động thường xuyên, cuộc sống đầy đủ hơn về văn hóa tinh thần. Hiện nay, các trung tâm dưỡng lão nhà nước và tư nhân cũng có đầy đủ các dịch vụ nhưng môi trường giao tiếp trong trung tâm hạn hẹp hơn rất nhiều so với cộng đồng. Sở LĐTB-XH cho biết thành phố đang kết hợp cả hai hướng: vừa phát triển các cơ sở dưỡng lão, vừa đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người già tại cộng đồng.
Tình nguyện viên trò chuyện với người già tại các cơ sở bảo trợ. Ảnh: VÕ QUỐC BÌNH
Tín hiệu tích cực nhất, từ tháng 4-2016, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM phối hợp cùng 3 trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội. Vào những ngày cuối tuần, các tình nguyện viên sẽ đến dạy hát karaoke, tập thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Dưỡng lão Thị Nghè. Ông Trần Bá Cường, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên, cho biết các tình nguyện viên đến các trung tâm thực hiện các hoạt động trên nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là mô hình đã phát triển ở các nước trên thế giới song là lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và TPHCM là nơi đầu tiên mở dịch vụ này. Thời gian đầu, mô hình sẽ thực hiện tại 2 trung tâm bảo trợ xã hội có chăm sóc người già như trên và 1 trung tâm trẻ em. Nếu nhận được sự tham gia góp sức của đông đảo tình nguyện viên, mô hình sẽ triển khai rộng tại các trung tâm bảo trợ xã hội và tiến tới hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội đối với người già, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt sinh sống ở cộng đồng. Điều khó khăn cần chia sẻ nhất hiện nay, theo ông Trần Bá Cường, để phát triển mô hình này, trung tâm rất cần sự góp sức của nhiều tình nguyện viên.
Cùng với hình thành mạng lưới tình nguyện viên, ông Lê Chu Giang cho rằng, các trung tâm dưỡng lão cũng nên có thêm hình thức bán trú (sáng gửi, chiều đón về) và mở rộng các hoạt động chăm sóc tại gia đình, tại cộng đồng như dịch vụ tư vấn, trò chuyện, chăm sóc y tế hay trông người già theo giờ... “Hiện nay, các cơ sở mới có dịch vụ chăm sóc nội trú với giá thành nhìn chung còn cao, chưa thu hút được nhiều người sử dụng thì các cơ sở nên linh hoạt trong khai thác các dịch vụ, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng nhận thấy người già đang rất cần dịch vụ chăm sóc bán trú và chăm sóc theo giờ”, ông Lê Chu Giang gợi ý.
| |
MẠNH HÒA