Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tới đây sẽ mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách. Đồng thời, cũng sẽ có những cơ chế khuyến khích người dân tham gia BHYT. Đây là những thông tin được TS Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết nhân Ngày BHYT Việt Nam năm 2014 (1-7). TS Tống Thị Song Hương cho biết:
Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 có nhiều quy định rất quan trọng mang tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành và tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Trong đó, đáng chú ý là quy định mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Cụ thể, luật đã bỏ quy định cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Không chỉ có vậy, luật cũng bổ sung quy định thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Bổ sung quy định cụ thể mức hưởng BHYT đối với các trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến. Bên cạnh đó, Nhà nước và Bộ Y tế cũng có những chính sách đảm bảo cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là ngư dân, người dân sinh sống tại vùng biển, đảo được hỗ trợ 100% kinh phí để mua thẻ BHYT.
- Phóng viên: Cùng với những quyền lợi trên, chính sách BHYT sửa đổi tới đây sẽ có những quy định như thế nào nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT, thưa vụ trưởng?
>> TS TỐNG THỊ SONG HƯƠNG: Trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có quy định bắt buộc tham gia BHYT, đây là một điểm mới quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Theo đó, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, luật quy định khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Theo đó, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng BHYT lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người bệnh mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
- Cơ chế, chính sách về khám chữa bệnh BHYT có những thay đổi như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân?
Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, nhằm giảm phiền hà cho người dân khi khám chữa bệnh thì tới đây Luật BHYT sửa đổi quy định mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Đây là quy định rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh.
Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Không chỉ có vậy, tới đây Quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
- Để thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục thuốc BHYT, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại khi cho rằng danh mục thuốc BHYT mới này lại đang thắt chặt quyền lợi của người tham gia BHYT?
Dự thảo danh mục thuốc được BHYT chi trả dự kiến sẽ bao gồm 836 hoạt chất (tương đương 1.052 loại thuốc) đầy đủ các nhóm bệnh lý. Trong danh mục thuốc BHYT mới này có 41 thuốc hoàn toàn mới được đưa vào đề nghị BHYT thanh toán. Đây đều là các thuốc mới, điều trị các bệnh lý tim mạch, ung thư, xương khớp, có chi phí điều trị cao và có chỉ định khá rộng rãi. Đặc biệt có các loại thuốc mới điều trị ung thư đại tràng, ung thư vú giai đoạn sớm, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, điều trị vẩy nến có chi phí điều trị lên tới 200 - 800 triệu đồng/năm.
So với danh mục hiện hành, danh mục mới đã giảm cả về số lượng hoạt chất và số lượng thuốc được chi trả (danh mục thuốc được BHYT chi trả hiện có 900 hoạt chất với 1.143 thuốc). Các loại thuốc bị loại khỏi danh mục hoặc giảm tỷ lệ chi trả đều là các thuốc mới, chi phí cao nếu để Quỹ BHYT chi trả 100% như trước sẽ khó đảm bảo cân đối quỹ. Tuy nhiên điểm mới của danh mục này là Bộ Y tế đã hướng đến các thuốc có hiệu quả trong điều trị với giá thành phù hợp.
Đối với một số thuốc điều trị ung thư, điều trị bệnh khớp đều là các thuốc mới, đắt tiền bị đưa khỏi danh sách hoặc giảm tỷ lệ chi trả từ Quỹ BHYT xuống còn 50%. Theo tôi, việc cắt giảm này không làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân ung thư vì hiện danh mục thuốc BHYT chi trả có đến 57 thuốc điều trị ung thư, đủ đáp ứng yêu cầu điều trị. Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT mới còn nhằm tăng cường kiểm soát việc lạm dụng thuốc.
- Xin cảm ơn vụ trưởng!
MINH KHANG