(SGGP).- Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên tại cuộc tọa đàm về “Bảo hiểm Y tế (BHYT) - Bảo vệ sức khỏe toàn dân” diễn ra ngày 28-8 tại Hà Nội.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang cùng các cơ quan chức năng sửa đổi Luật BHYT nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về BHYT, bảo hiểm xã hội… với mục tiêu là phải đạt được trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020. Cùng đó là việc tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện và đổi mới cơ chế tài chính.
Việc sửa đổi Luật BHYT tới đây sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của UBND xã, phường là phải lập danh sách các gia đình tham gia BHYT. Quy định hình thức đóng BHYT theo cá nhân như hiện nay sẽ chuyển sang đóng theo gia đình. Qua đó tránh cấp trùng lặp thẻ BHYT xảy ra như vừa qua. Dự thảo luật cũng sẽ giao trách nhiệm cho UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý BHYT trên địa bàn rõ hơn. Về quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ tăng lên, dự kiến đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn sẽ không phải thực hiện quy định cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh BHYT mà BHYT sẽ chi trả 100%. Bộ Y tế cũng cho biết sẽ có các biện pháp chấn chỉnh các bệnh viện lợi dụng chủ trương xã hội hóa y tế để trục lợi từ người bệnh.
Sáng 28-8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp bàn cách xử lý việc cấp trùng 19.650 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng trên địa bàn trong 2 năm 2011 và 2012 với số tiền chi trả gần 6 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đối tượng được cấp từ 3 - 4 thẻ BHYT. Nguyên nhân, do việc cập nhật số liệu, thông tin về người được cấp phát thẻ bị trùng lặp vì chưa có phần mềm kiểm soát. Khó khăn trong quản lý, nắm bắt thông tin từ cơ sở, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhiều cơ quan cùng thực hiện việc cấp phát thẻ bảo hiểm.
NGUYỄN QUỐC - VĂN THẮNG - LAN NGỌC